Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

THỨ SÁU SAU CN 31 TN B

Lc 16,1-8
Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”
"Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ôliu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn thùng lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”.
“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”

Suy Niệm


Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên ông ta rất giàu có. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán :- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ? - Chỉ một đồng thôi. - Còn tô lớn kia ? - Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo :
- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?
Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói : - Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.
- Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?
Chủ quán nói:- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Ở đời người ta vẫn cứ mải mê lấy tiền vào mà quên cho đi. Họ kiếm tiền và sử dụng tiền cho nhu cầu cá nhân mình. Đôi khi còn dửng dưng với những khốn khổ, bất hạnh của tha nhân. Họ đâu biết rằng bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau. Họ sống mà không tích góp cho đời sau. Họ đã đóng cửa lòng mình lại trước tha nhân, thế nên cửa thiên đàng cũng đóng lại với họ.
Thời Chúa Giêsu, ai đã được trao nhiệm vụ quản gia, người đó sẽ có toàn quyền quyết định và hành động. Chính vì thế người quản gia trong trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã lợi dụng đặc quyền này để biển thủ và xài phung phí tài sản của chủ. Biết được vụ việc đó nên ông chủ quyết định sa thải người quản gia này. Ông dành cho anh ta chút ít thời gian để quyết toán sổ sách. Anh quản gia này tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để cấp thời chuẩn bị cho tương lai khi sẽ phải rời ghế quản gia. Như đã biết, mỗi con nợ, anh đã chủ động bớt cho họ một số nợ. Ông chủ biết được việc làm quỉ quái của anh ta nhưng không bắt bẻ được, vì anh đã làm sổ sách minh bạch. thậm chí ông chủ còn khen anh ta tinh khôn.
Thoạt nghe, chúng ta có cảm tưởng như Chúa khen ngợi một hành vi bất trung của người quản lý và khuyến khích người ta gian dối. Không! Chúa không bao giờ dạy người ta như thế. Ngài chỉ muốn khẳng định một chân lý, đó là khi ở bước đường cùng, người ta có thể có những sáng kiến bất chợt, và sáng kiến ấy có hiệu quả.
Mỗi người chúng ta cũng được Chúa đặt làm quản gia tài sản cho nhà Chúa. Tài năng và tất cả những gì chúng ta có đều là tài sản được Chúa uỷ thác. Như thế chúng ta cần phản ứng ra sao khi lâm cảnh khó khăn và biết cách xoay sở thế nào?
Thưa: muốn là người quản gia trung tín, mỗi người chúng ta phải luôn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng khi Chúa gọi chúng ta tới quyết toán cuộc đời. Bởi vì chúng ta không thể biết rõ ngày mấy tháng mấy năm bao nhiêu Chúa sẽ đến đòi ta tính sổ. Thật vậy, những ngày cuối tháng 10 vừa qua, và đầu tháng 11 này, giáo xứ chúng ta đã chứng kiến nhiều sự ra đi thật bất ngờ ở mọi lứa tuổi. Giáo họ Giuse vừa ngậm ngùi đưa tiễn Anh Micae Sinh, giờ lại chuẩn bị cho những buổi kinh nguyện để tiễn đưa Bà Cố Anna Nguyễn Thị Nông, thân mẫu của cha quản xứ Nam Hà. Nếu giả sử Chúa bất ngờ gọi chúng ta thì sao đây. Chính vì thế đây là dịp Chúa muốn chúng ta biết lanh lẹ xoay sở và tận dụng cơ hội để chụp cho được hồng ân Nước trời. Chúa muốn ta tận dụng các khả năng và tài sức mình để đạt tới Nước trời, tận dụng ngày giờ còn sống trên trần gian để sống cho Thiên Chúa, sống cho tha nhân. Mỗi ngày sống là một ngày vĩnh viễn mất đi và rút bớt số ngày đời còn lại của ta, cho nên ta hãy biết tận dụng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút Chúa ban để làm nhiều việc tốt, việc thiện. 
Chúng ta đang sống trong những ngày cao điểm của tháng 11, tháng mà mẹ Giáo Hội dành riêng để chúng ta kính nhớ tổ tiên, sống trọn đạo hiếu. Mỗi lần ra nghĩa trang đọc kinh cầu nguyện, chắc chắn những hình ảnh của người thân yêu của chúng ta đang yên nghỉ nơi đó bỗng dưng ùa về thật da diết. Chính vì sự ùa về này sẽ là động lực giúp chúng ta đến tham dự thánh lễ mỗi ngày và làm những việc bác ái để tạo công phúc cho các LH, những người thân yêu của chúng ta sớm hưởng tôn nhan Chúa. 
Xin Chúa Giêsu Thánh thể, mà chút nữa đây chúng ta đón rước, sẽ giúp chúng ta biết mau mắn và dứt khoát chọn Nước trời và sống chết cho Nước Trời, ngay hôm nay, ngay từ lúc còn kịp chứ không để đến lúc mọi chuyện đã trở thành quá trễ. 
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là cùng đích cuộc đời chúng con. Chúa là hạnh phúc đời đời mà thánh Augustino đã ao ước “chỉ trong Thiên Chúa, mới có hạnh phúc đời đời”. Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, biết tìm kiếm Chúa trong cuộc sống hôm nay, biết thực thi ý Chúa để mai sau chúng con cũng được kết hiệp đời đời với Chúa trong Nhà Chúa ở trên quê trời. Amen.

Thứ Năm tuần 31 mùa Thường niên (Lc 15, 1-10)


Thiên Chúa luôn đi bước trước để tới gặp con người, dẫu cho con người không ngừng cắt đứt tình nghĩa với Thiên Chúa.

Trong những trang Kinh Thánh đầu tiên, Thiên Chúa đã đi tìm con người đã bất trung trong vườn địa đàng. Khi người đi tìm, người luôn ngỏ lời trước: “Con người, ngươi đang ở đâu?” (St 3, 9)

Nơi Tân Ước, với ánh mắt của Đức Giê-su hướng tới Phê-rô, Phê-rô đã để ánh mắt đầy bao dung của Chúa tìm thấy mình, thánh nhân đã ăn năn và trở về sau khi đã chối Chúa.

Như vậy Thiên Chúa luôn đi tìm con người, dù con người lãng quyên, lầm lỗi và cả phản bội Chúa.

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy một cấu trúc rất giống nhau là: mất, tìm, thấy, mời mọi người chung vui. “Tìm” là một hành động thật tuyệt vời và rất đáng tin nơi Thiên Chúa. “Tìm” là sự biểu lộ Thiên Chúa quan tâm tới từng người chúng ta một cách cá vị. “Tìm” là dấu chỉ cho thấy, Ngài biết từng người chúng ta và biết rõ chúng ta chứ không phải là cái biết hời hợt nhạt nhòa.

Trong thực tế, khi chúng ta lầm đường lạc lối, chúng ta thường trốn Chúa, chúng ta không dám đối diện với lòng mình để can đảm trở lại với Thiên Chúa. Chúng ta không để cho Thiên Chúa tìm thấy chúng ta và chúng ta tiếp tục lao vào vòng xoay của tội lỗi.

Khi không để Thiên Chúa tìm thấy chúng ta, đồng nghĩa chúng ta chưa tin vào lòng thương xót vô bờ của Chúa. Chúng ta mải trốn chạy, là chúng ta chưa đặt trọn tình yêu vào Thiên Chúa.

Hãy để Thiên Chúa tìm và vác chúng ta trên đôi vai Ngài, để Ngài đưa chúng ta trở về, để chúng ta được chan chưa niềm vui của tiệc mừng ngày chúng ta được tìm thấy. Hãy để Thiên Chúa tìm và đưa chúng ta về, để không chỉ chúng ta được hưởng niềm vui riêng, nhưng là niềm vui của mọi người, của dân Thiên Quốc.

Tháng 11, chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, cũng là thời điểm để chúng ta thành thật nhìn lại lối sống và tình trạng tâm hồn của chúng ta, để chính chúng ta là những người còn đang trên đường lữ hành được trở về cùng Thiên Chúa và nhờ đó chúng ta cầu nguyện cách đẹp lòng Chúa cho linh hồn ông bà, cha mẹ và những người đã qua đời.

Chúng ta hãy bắt chước thánh Phê-rô, dẫu con người yếu đuối, nhưng hãy để ánh mắt Thiên Chúa động chạm đến chúng ta, nghĩa là để Chúa tìm chúng ta, để chúng đa được trở về cùng Chúa. Như thế tình yêu của chúng ta mạnh hơn sự yếu đuối, để trong Chúa chúng ta nghiệm được lòng Chúa thương xót chúng ta. 

Suy Niệm Tin Mừng thứ Năm Tuần 31 Thường Niên

Lc 15, 1-10

Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.” Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”



Không ai trong chúng ta sẽ bị quên lãng hay bị bỏ rơi trong tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu được. Trong cả hai bài dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta rất nhiều. Đặc biệt là Thiên Chúa rất vui sướng và hạnh phúc mỗi khi một người tội lỗi đã biết ăn năn, trở lại. 
Theo như Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đến để cứu rỗi tất cả mọi người khỏi tội lỗi. Ngài đã tự hiến dâng chính thân mình lên Chúa Cha để làm của đền tội cho chúng ta và đem lại sống cho tất cả chúng ta. Chính Ngài đã làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta trong thế giới này, để mọi người bắt chước và làm theo. Tình yêu của Chúa Giêsu là mối tình yêu thương vĩ đại nhất và vô biên giữa nhân loại; Ngài đã vượt trội cả thế gian để ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần để đến gần Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng chúng ta đã được mời gọi đến gần với Chúa Giêsu. Trong cùng một cách, là chúng ta có thể hiểu được tình yêu của Chúa Giêsu là gì và thế nào là cuộc sống trong tình yêu với Ngài.
Như Chúa Giêsu đã nói: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng những người đau bệnh mới cần, Hãy đi học và tìm ra ý nghĩa của những lời này: Ta không chuộng nhân nghĩa chứ không phải là lễ tế. Vì Ta không đến kêu gọi những người công chính, mà là những kẻ tội lỗi". (Mt: 9, 12-13). 
Giờ đây chúng ta cần phải học nơi Chúa Giêsu để chúng ta biết được là làm như thế nào để sống đức tin của chúng ta và phải làm thế nào để biết yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trong cuộc đời của chúng ta. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta như thế nào? và chúng ta nên phải làm những gì để mời gọi được người khác đến và theo Chúa?

5.11.2015 – Thứ năm Tuần 31 Thường niên


Lc 15, 1-10
Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.” Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”


Một năm qua, ngày nào người ta cũng thấy một bà mẹ người Việt Nam cứ khoảng đầu giờ chiều là có mặt bên một ngôi mộ trong một nghĩa trang một giáo xứ thuộc miền nam Canađa. Bà khóc lóc thảm thiết. Khóc khóc và khóc. Thân hình bà gầy rộc thấy rõ. Hỏi ra mới biết đó là ngôi mộ của cậu con út 20 tuổi đã bị một nhóm xã hội đen thanh toán, và bà mẹ héo hắt từng ngày với tâm trạng tưởng rằng tìm mọi cách để đưa con từ VN qua với mong muốn cho con một tương lai tốt đẹp, ngờ đâu con mình lại nhận một chết quá thảm thương.
Sự mất mát một người con đối với người mẹ là như thế, huống chi với Thiên Chúa Đấng mang tấm lòng của cả Cha lẫn Mẹ đối với chúng ta, làm sao ngài có thể chịu đựng được những mất mát nơi chúng ta. Thánh Luca hôm nay ghi lại tấm lòng ấy của Thiên Chúa thật rõ ràng và sống động. Hai dụ ngôn trong Tin mừng rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận. Còn các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nhưng họ lại được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
Như ta thấy rõ trong cuộc sống hôm nay: một con chiên không có giá trị là bao so với cả đàn chiên, một đồng bạc cũng thế ,so làm sao với số còn lại, nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Điều mà Thánh Luca muốn nhấn mạnh trong dụ ngôn, đó là: Công khó đi tìm: Không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc, người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Để kiếm tìm con người bị hư mất, Thiên Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu từ trời cao giáng trần, nhận lấy Thập giá tình yêu, có ngõ ngách nào của thân phận con người mà Thiên Chúa không thâm nhập, mục đích là để tìm cho ra được chúng ta và đưa về với tình thương của Ngài. Há chăng thời gian thanh luyện dành cho các linh hồn cũng là một sự kiếm tìm của Thiên Chúa, một sự vớt vát tuyệt vời và một khẳng định Thiên Chúa không chịu đựng được sự mất mát. Vì thế chúng ta hãy giúp Thiên Chúa tìm cho ra các linh hồn trong luyện ngục để Ngài đưa về Thiên đàngThiên đàng. Việc làm tốt nhất của chúng ta là cầu nguyện cho các linh hồn.
Còn riêng với mỗi người chúng ta. Chúa luôn vẫy gọi, luôn kiếm tìm chúng ta trong cuộc đời này. Giáo hội đưa ra Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến, phải chăng đó cũng là một cách nhắc nhở chúng ta về sự vẫy gọi và kiếm tìm của Thiên Chúa luôn luôn dành cho con người trong các giáo xứ. trong các cộng đoàn sống đời dâng hiến cho Chúa. Ngay trong thánh lễ hiệp dâng hôm nay, chúng ta được mời đồng bàn để dự tiệc yêu thương là chính Thịt Máu Chúa Giêsu, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình sám hối, để xứng đáng hưởng lòng nhân ái của Chúa.
Lạy Chúa, với tấm lòng là Cha và là Mẹ, chúng con cảm tạ sự kiếm tìm và vẫy gọi của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết nhạy bén trước sự vẫy gọi kiếm tìm ấy, nhất là cho chúng con hiểu rằng, không bao giờ chúng con được phép thất vọng vì Chúa luôn luôn lang thang đây đó, luôn luôn thắp đèn quét nhà và moi móc để tìm cho bằng được chúng con. Amen.

5.11.2015 – Thứ năm Tuần 31 Thường niên

Lc 15, 1-10
Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.” Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

Ông bà ta có câu “chọn bạn mà chơi” hàm ý khuyên con cháu lựa chọn kết thân với những người bạn tốt. Bởi theo lẽ thường, khi chơi với những người bạn xấu, ta có thể bắt chước thói hư tật xấu của họ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kết thân với những người bạn rất đặc biệt mà những người Pharisêu và kinh sư nhận xét rằng: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15, 2). Những người tội lỗi mong mỏi được xã hội đón nhận như những người bình thường. Điển hình là nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Ở đoạn cuối truyện, Chí Phèo đã phải thối lên: “Tao muốn làm người lương thiện!”. Mặc dù trước đó, Chí Phèo chuyên đi ăn vạ xin tiền. Trở lại đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu không hắt hủi hay thờ ơ với những người tội lỗi. Người công nhận sự hiện hữu của họ và “đón tiếp” họ. Đồng thời, người cúi xuống ngang hàng với những người tội lỗi bằng việc “cùng ăn uống” với họ. Đức Giêsu đối xử với người tội lỗi như thể họ là người công chính. Quả thật, Đức Giêsu là Đấng đầy lòng thương xót.
Đứng trước Chúa, ai trong chúng ta không là tội nhân? Noi gương Chúa Giêsu, ta cũng cần mở lòng chấp nhận và đồng cảm với những người tội lỗi của thời đại. Họ có thể là một cô gái “lầm lỡ”, một chàng trai nghiện ngập… Đức ái Kitô giáo đòi buộc ta đón nhận họ như là hình ảnh của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa. Chúa đã cúi mình xuống tận cùng của kiếp phàm nhân để cứu độ chúng con thì xin cho chúng con cam đảm sống một cuộc đời như Chúa. Amen.