Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

26/05/2015 Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên Năm B


PHÚC ÂM: Mc 10, 28-31"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất". Đó là lời Chúa.

CHIA SẺ :

Con người thời nào cũng thế, đều khao khát tìm về nẻo chính đường ngay. Kể từ khi con người phạm tội, bị mất đi hạnh phúc thuở ban đầu thì họ luôn trăn trở, luôn khát khao tìm kiếm thứ hạnh phúc đã đánh mất ấy. Sự khao khát đó đã thấm sâu vào tâm hồn của những người công chính, của những bậc tiền nhân. Chính vì thế chúng ta thấy những bậc tiền bối đã ghi lại những chỉ dẫn để làm kim chỉ nam cho hậu sinh muốn sống theo nẻo chính đường ngay: hãy trở về với Thiên Chúa, từ bỏ tội lỗi, chấm dứt những điều xúc phạm, xa lánh điều gian ác…Vào thời Chúa Giêsu cũng thế, con người cũng luôn khao khát sự công chính, khao khát hạnh phúc đời đời và không ngừng trăn trở để kiếm tìm phương thế đạt được hạnh phúc: Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?Thời đại ngày hôm nay của chúng ta thì sao? Con người có còn sự khao khát đó không? Có còn nỗ lực để đạt được hạnh phúc đời đời không? Bản thân tôi như thế nào, tôi có luôn tự hỏi Chúa rằng: Lạy Chúa con phải làm gì để có được sự sống đời đời? và có tự hỏi rằng: tôi đã làm gì? Đang làm gì và sẽ làm gì để đạt được sự sống vĩnh cửu ở đời sau?Lạy Chúa! Xin ban cho con sức mạnh để con vượt qua những cạm bẫy trong cuộc sống thường ngày. Xin cho con sức mạnh để con chiến đấu và chiến thắng những cám dỗ những cám dỗ xảy đến với con trong cuộc sống hàng ngày, nhất là những cám dỗ dễ làm con xa Chúa.AMEN.




THỨ BA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN


Mc 10, 28 – 31


Triết lý sống “hòn đất ném đi hòn chì ném lại” không chỉ là của riêng người Việt nhưng dường như nó nằm trong suy nghĩ của con người mọi nơi, mọi thời. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy chính các môn đệ Chúa Giêsu cũng mang tư tưởng ấy. Sau khi các môn đệ chứng kiến khát vọng được sống đời đời của người thanh niên giàu có, lắng nghe lời Chúa Giêsu dạy về số phận những người cậy dựa vào của cải, họ liền nghĩ ngay đến mình và Phêrô đã lên tiếng. Lời thân thưa của Phêrô: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!" như ngầm đặt cho Chúa Giêsu một câu hỏi: chúng con sẽ được gì đây? Ông muốn tìm một phần thưởng bù đắp hy sinh “bỏ mọi sự” của chính ông và các bạn đồng môn. Phêrô đã tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô!” (Mc 8,29) nhưng ông vẫn còn tính toán khi bước theo Thầy Giêsu. Thấu hiểu tư tưởng ấy, Chúa Giêsu trả lời Phêrô bằng một lời hứa rất giá trị: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”. Đó là bảo chứng phần gia nghiệp cho những người dám sống vì Chúa và vì Tin Mừng. Nhưng lời hứa ấy cũng còn kèm theo “cùng với sự ngược đãi”. Quả thật, phần thưởng Nước Trời chỉ dành cho những ai chấp nhận gia nhập gia đình Thiên Chúa và bước qua con đường đau khổ của thập giá.
Mỗi người chúng ta hẳn đã có lần tự hỏi: tôi sẽ nhận được gì sau một đời sống đạo, liệu tôi có được vào Nước Trời? Lời Chúa hôm nay củng cố niềm tin cậy của chúng ta. Như xưa Chúa Giêsu đã phải trải qua cuộc Thương Khó, chịu chết rồi mới bước vào vinh quanh Phục sinh thì nay người môn đệ cũng phải chấp nhận những thiệt thòi, hy sinh và bách hại khi sống Tin Mừng. Tại sao lại thế? Vì họ thuộc về Chúa nên “không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Hơn nữa, họ “rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23). Như thế, người kitô đích thực là người dám chấp nhận từ bỏ mọi sự gắn bó, phụ thuộc vào những quyền lực trần thế để được phần thưởng không gì sánh bằng là chính Thiên Chúa, gia tài vĩnh hằng. Các thánh là những chứng nhân sống động cho sự chọn lựa này.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa hứa ban cho chúng con phần thưởng cao quý là sự sống đời đời. Xin cho con dám can đảm chấp nhận điều kiện của Chúa là con đường thập giá để được phần thưởng Chúa hứa ban. Amen.




NGÀY 26-5 THỨ BA SAU CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN



LỜI CHÚA: Mc 10, 28 -31
28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! "29 Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."

SUY NIỆM
Cuộc trò truyện của Phêrô với Thầy mình đã làm sáng lên ý nghĩa đích thực của đời người môn đệ hôm nay. Phêrô cũng ghê gớm thật. Ông thẳng thắn chia sẻ với Thầy mình : Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy? Liền sau đó, Chúa Giêsu trả lời Phêrô và cho chúng ta thật rõ ràng, kiên định và chắc chắn : "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất". Bài Tin mừng đến đây dừng lại tạo nên cái kết đặc biệt vừa như khép lại quá, mà cũng gần như mở ra một chân trời mới, rộng lớn của Tin mừng. Câu kết của Tin Mừng chính là lới nhắc nhở cho người giàu có về giá trị đích thật của con người, và mở ra cho người nghèo niềm hy vọng vào sự biến đổi của đời sống mai sau.
Chúng ta theo Chúa đã nhiều năm. Kinh nghiệm sống cũng có ít nhiều. Kinh nghiệm có thể đến từ những đổ vỡ trong các mối tương quan, hay từ những vấp ngã trong công việc và trong bổn phận. Kinh nghiệm này xây dựng chỗ đứng thực của một nhân vị hơn là đánh bóng cách giả hình. Do điều này, đức tin là sự thực hành cụ thể và hiện thực hôm nay, chứ không phải là quá khứ hay là cho tương lai. Tin Mừng cho hiện tại, cho anh, cho em và cho tất cả chúng ta.
Sứ điệp Tin mừng ở đây nhắn gởi rất tế nhị rằng của cải không mang đến giá trị vĩnh cửu chỉ có thể là bàn đạp để tiến lên cái vĩnh cửu. Nếu đời này giàu có là hạnh phúc thì đời sau, có thể mang theo hạnh phúc ấy xuống mồ không? Từ bỏ tất cả để được tất cả. Đó là chân lý Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta. Chẳng ai muốn từ bỏ những gì đang sở hữu để không còn gì hoặc trắng tay, mà người ta từ bỏ để sở hữu những cái lớn hơn, tốt hơn, giá trị hơn và bất biến hơn. Tựa như việc chúng ta chấp nhận bỏ cái áo cũ để có cái áo mới tốt hơn, đẹp hơn thì đi theo Chúa là bỏ cái mau qua để được cái vĩnh cửu và được chính Chúa. Vậy thì không chỉ có được đời này mà cả đời sau, vì quả thật chúng ta được sinh ra để hưởng hạnh phúc đích thực ấy và chúng ta bước qua đời này để bước vào đời sau vậy. Amen.


Thứ Hai tuần VIII: Mất tất cả để được tất cả Mc 10,17-27


 
Được và mất là hai khía cạnh thường hằng dẫn đưa con người đến sự chọn lựa cho hướng đi và lối sống của mình. Trước một nền kinh tế cổ xúy việc tiêu thụ quá mức với lối suy nghĩ thực dụng như hiện nay, có nhiều người sẵn sàng chịu mất tất cả, kể cả những giá trị luân lý, để được hạnh phúc nhất thời. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta lời chỉ dẫn bị cho là bất khả thi của Chúa Giêsu khiến anh nhà giàu sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi "anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10,21). Đó là lời mời gọi cho đi tất cả “gia tài” để được tất cả gia nghiệp là sự sống đời đời.

“Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo” (Mc 10,21a). Sau khi nhìn anh nhà giàu cách trìu mến vì những điều tốt đẹp anh đã làm từ thuở nhỏ, Đức Giêsu đã mời gọi anh tiến xa hơn trên con đường trọn lành là “hãy đi bán những gì anh có”. “Những gì anh có” đó là tất cả những thứ đang thuộc quyền sở hữu của anh với thế thượng phong là cái bề ngoài. Đó chính là lời mời gọi ra khỏi chính mình, mặc lấy thái độ từ bỏ tất cả những gì là ràng buộc, là tùy thể. Như thế, “mất tất cả” ở đây là lời mời gọi mỗi người “hãy đi bán”, nghĩa là dám mất đi những cái bám víu, những an toàn giả tạo bất định mà sống buông mình trong đại dương của niềm phó thác, tin tưởng vào Thiên Chúa.

Khi đã dám mất tất cả, ta sẽ được nhận lãnh tất cả từ Thiên Chúa. Nhận lãnh tất cả chính là lãnh nhận sự sống muôn đời “anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10,21b), một gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai (x.1Pr 1,4). Kín múc từ chính suối nguồn là Thiên Chúa, sự sống ấy đem lại sự bình an và hạnh phúc đích thực cho những ai dám sống cho đi mà hướng tới cứu cánh tối hậu của đời mình. “Được tất cả” ấy cũng là được sống trong tình thân nghĩa với Thiên Chúa, được Thiên Chúa là tất cả của đời mình, là đi vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu trong niềm vui trọn vẹn. Thực vậy, “niềm vui của Tin Mừng ấy đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận lời đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm, cô đơn” (Trích Tông huấn niềm vui của Tin Mừng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, số 1).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã tặng ban nhưng không tất cả cho chúng con được tất cả “sự giàu có” của Người. Xin cho chúng con biết khao khát kiếm tìm mạch suối sự sống đời đời nơi Đấng là Nguồn Cội, cho dù phải đánh đổi đến đồng xu cuối cùng.