Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

06/06/2015 Thứ Bảy Tuần IX Mùa Thường Niên Năm B


PHÚC ÂM: Mc 12, 38-44
"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn". Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà góa nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ :
Câu chuyện bà góa gợi cho chúng ta vài suy niệm sau đây:
Một là các việc tầm thường có một giá trị phi thường, nếu chúng ta biết làm vì yêu mến Chúa. Ðời chúng ta phần lớn gồm những việc nhỏ mọn, chúng ta phải biết thánh hóa, biết làm cách khác thường, làm vì yêu mến. Bà Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu ở Lisieux là một gương mẫu. Bà đã tìm ra một con đường nên thánh mà Ðức Gioan Phaolô II gọi là "Con đường dựa trên thực tại Phúc Âm"; "Con đường nên thánh của thời đại" (Piô XI). Con đường thơ ấu ấy gồm trong hai yếu tố căn bản: Nhìn nhận sự yếu đuối của mình và hoàn toàn trông cậy phó thác; làm mọi việc bé nhỏ, chịu đau khổ vì yêu mến Chúa.
Hai là việc bà góa bỏ tiền vào đền thờ, chúng ta đi lễ cũng bỏ ít nhiều giúp vào công việc nhà Chúa. Trong Cựu ước, Chúa dạy các chi họ Israel phải để ra thập phân để lo việc phụng tự (Lv 27,30-32). Trong Tân ước, Thánh Phaolô nói: Người lo việc Chúa có quyền sống nhờ bàn thờ. Tuy Giáo hội từ đầu đã bãi bỏ tục lệ thập phân, những giáo dân đi dự lễ thường mang theo của lễ vật chất: có Thầy Phó Tế để lo việc phân phát chia sẻ. Khi số người quá đông, tục lệ biến thành dâng cúng ít tiền. Giáo hội là một tổ chức hữu hình, cần có nơi thờ phượng, đồ thờ và người trách nhiệm.
-Xin Chúa giúp con biết “cho thì có phúc hơn là nhận”, vì khi biết cho đi, con không còn nghĩ cho chính mình nữa, mà con biết hướng về người khác. Đó là điều Chúa Giêsu đã sống và muốn con cũng sống như vậy.AMEN.



GIAO ƯỚC MỚI TRONG MÁU CHÚA KITÔ

CHÚA NHẬT X MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B
LỄ TRỌNG KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
GIAO ƯỚC MỚI TRONG MÁU CHÚA KITÔ
“Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết” (Dt 9,14)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Xh 24,3-8
Sách Xuất Hành là quyển thứ hai trong bộ Ngũ Thư, tức 5 quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh (Sáng Thế - Xuất Hành - Lê-vi - Dân Số và Đệ Nhị Luật). Về nội dung, sách Xuất Hành ghi lại hai cột mốc quan trọng trong lịch sử cứu độ: Cuộc Xuất Hành của dân Israel khỏi Ai-cập (chương 1-18), và việc Thiên Chúa thiết lập Giao Ước với họ tại Núi Sinai (chương 19-40). Đây là hai sự kiện nền tảng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chương trình của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Có thể nói được, phần lớn các sách còn lại của Kinh Thánh phản ánh sự tương tác, giải thích, ứng dụng, hay kiện toàn chương trình cứu độ của Thiên Chúa như đã được Người mặc khải trong sách Xuất Hành.
Xh 24,3-8 như thế thuộc về phần II của sách Xuất Hành, vốn tập trung vào việc trình bày Giao Ước Thiên Chúa ký kết với Dân Người tại Núi Sinai. Thật vậy, sách Xuất Hành cho chúng ta biết: Dân Israel đến Núi Sinai vào tháng thứ ba kể từ khi ra khỏi đất Ai-cập (x. Xh 19,1-2). Đa số các học giả Thánh Kinh đồng ý với nhau rằng Núi Sinai còn có tên gọi khác là Núi Horeb, là “Núi của Đức Chúa”, nơi Thiên Chúa đã hiện ra với ông Môisen và trao cho ông sứ mạng dẫn dắt Dân Người ra khỏi Ai-cập (x. Xh 3-4). Khi trao sứ mạng cho ông Môisen, Thiên Chúa cho ông một bảo chứng: “Đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: ‘Khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này’” (Xh 3,12). Việc dân Israel đến được Núi Sinai là dấu chỉ cho thấy bảo chứng này đã thành hiện thực.
Tại Núi Sinai, Thiên Chúa đã ban Mười Điều Răn cho dân Israel (x. Xh 20,1-22), diễn tả những bổn phận chính yếu của họ với Thiên Chúa (x. Xh 20,1-11) và giữa họ với nhau (x. Xh 20,12-17). Thiên Chúa cũng ban cho dân Israel Bộ Luật Giao Ước, vốn bàn đến nhiều vấn đề về tôn giáo, hình sự, xã hội và kinh tế (x. Xh 20,22 – 23,19). Đặt ngay sau Mười Điều Răn, Bộ Luật Giao Ước đóng chức năng cụ thể hóa cách thức dân Israel tuân giữ Mười Điều Răn trong đời sống thường nhật của họ.
Khi Mười Điều Răn và Bộ Luật Giao Ước đã được ban cho dân Israel, sách Xuất Hành ghi lại nghi thức Ký Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân Người. Qua trung gian là ông Môisen, dân Israel nghe biết Luật Chúa, họ đã mau mắn thề hứa: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3); còn nữa “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 23,7). Tuy nhiên, câu chuyện về việc dân Israel thờ con bê vàng cho thấy mọi chuyện không dễ dàng như dân đã tưởng. Họ đã không tuân giữ những gì Chúa đã truyền, đặt tương quan Giao Ước giữa Thiên Chúa với họ vào tình trạng có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn (x. Xh 32,1-35).
Trong nghi thức Ký Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân Người có một chi tiết đáng lưu ý: Nửa số máu được ông Môisen rảy trên bàn thờ trước khi ông đọc Sách Luật Giao Ước cho họ nghe (x. Xh 24,6-7); nửa số máu còn lại được ông Môisen rảy trên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã thiết lập với anh em dựa trên những lời này” (Xh 24,8). Vốn là biểu tượng của sự sống, máu của vật được sát tế hàm ý: nếu dân Israel tuân giữ Giao Ước mà họ ký kết với Thiên Chúa thì họ sẽ được sống; ngược lại, nếu họ bất tuân Luật Chúa, họ sẽ phải chết.
2. Bài đọc 2: Dt 9,11-15
Thư gửi tín hữu Do-thái có nét đặc trưng là trình bày dung mạo tuyệt vời của Đức Giêsu Kitô ngang qua những hình ảnh của Cựu Ước. Qua đó, tác giả lá thư muốn nêu bật sự trổi vượt của Đức Giêsu Kitô so với các vị ngôn sứ, các thiên thần, ông Môisen, các thượng tế, v.v.
Thư gửi tín hữu Do-thái nêu bật điểm này: Chúa Giêsu Kitô là Vị Thượng Tế Mới. Với của lễ hiến tế là chính Máu Người đổ ra, Đức Giêsu Kitô đã thiết lập Giao Ước Mới vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Khi đọc Dt 9,11-15, chúng ta được mời gọi dừng lại, suy nghĩ và cầu nguyện với ở những điểm thiết yếu sau đây:
1. Đức Kitô đã “vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (c12).
2. “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Người đã tự hiến tế như lễ vật toàn vẹn dâng lên Thiên Chúa” (c14).
3. “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (c14).
Ba điểm trên đây nhấn mạnh đến hai điều: sự siêu việt của Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng Tế Mới so với các vị thượng tế thời Cựu Ước và sự trổi vượt của hi lễ Chúa Giêsu Kitô so với hi lễ của [các] vị thượng tế thời Cựu Ước. Chúa Giêsu Kitô siêu vượt vì “Người chỉ vào [cung thánh] một lần thôi” so với [các] vị thượng tế thời Cựu Ước vào nơi cực thánh mỗi năm một lần. Vị thượng tế thời Cựu Ước “đem theo máu [chiên, bò] để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân”, còn Chúa Giêsu Kitô dùng chính Máu Mình làm hi lễ. Hiệu quả của việc hiến tế trong thời Cựu Ước là làm của lễ đền tội cho chính vị thượng tế và cho dân; còn việc Chúa Giêsu Kitô tự hiến mình mang lại sự sống mới cho nhân loại, và làm cho chúng ta biết cách thờ phượng Thiên Chúa cho xứng hợp.
3. Bài Tin Mừng: Mc 14,12-16.22-26
Sách Tin Mừng theo thánh Marcô có nét đặc trưng riêng là không trình bày cho chúng ta biết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta bắt gặp một Đức Giêsu “đã trưởng thành” ngay từ đầu sách Tin Mừng này. Về mặt nội dung, 10 chương đầu của Sách Tin Mừng này ghi lại một cách cô đọng 3 năm Chúa Giêsu thi hành sứ vụ công khai của mình, trong khi 7 chương còn lại (chương 11-16) chính yếu ghi lại những tuần cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Người. 
Mc 14,12-16.22-26 thuộc về phần II của Sách, ghi lại việc chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người (cc12-16), cũng như việc Người thiết lập bí tích Thánh Thể (cc22-26). Bữa tiệc Vượt Qua gợi nhớ đến chương 12 sách Xuất Hành. Tại đó, Thiên Chúa đã truyền cho dân Israel cử hành Đại Lễ này hằng năm cho đến muôn đời (x. Xh 12,14), để mừng kính Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel tại Ai-cập khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà của dân Israel thoát nạn (x. Xh 12,27).
Một số nét chính được nêu lên khi cử hành lễ Vượt Qua tại Ai-cập ở Xh 12:
1. Mồng mười tháng thứ nhất, mỗi nhà phải chuẩn bị một con chiên (x. c3). Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi (x. c5).
2. Con chiên được nhốt cho đến ngày mười bốn tháng đó, rồi được sát tế vào lúc xế chiều (x. c6).
3. Máu chiên được bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt sẽ ăn ngay trong đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng (x. cc7-8).
4. Khi ăn: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Phải ăn vội vã (x. c11).
5. Đêm ấy, khi thấy máu [bôi trên khung cửa], Đức Chúa sẽ vượt qua, nhà ấy không bị tai ương tiêu diệt khi Người giáng họa trên đất Ai-cập (x. cc12-14).
Khi dùng bữa Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ trước khi Người bước vào Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể. Người đã biến bánh thành Mình Người và rượu thành Máu Người, “Máu Giao Ước, đổ ra vì nhiều người” (x. Mc 14,22.24). Liên hệ đến Mình Thánh Chúa Kitô, thánh Luca có thêm chi tiết [in nghiêng]: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). 1Cr 11,24 cũng trình bày sự kiện tương tự như Lc. Liên hệ đến Máu Thánh Chúa Kitô, thánh Mátthêu có thêm chi tiết [in nghiêng]: “Máu Giao Ước, đổ ra cho nhiều người được tha tội” (x. Mt 26,28). 1Cr 11, 25 có thêm chi tiết: “mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Những chi tiết xuất hiện thêm ở các bản văn của Mt, Lc, đặc biệt của 1Cr, đóng một vai trò quan trọng, vì chúng giúp liên kết việc cử hành bí tích Thánh Thể nơi người Kitô với việc cử hành lễ Vượt Qua nơi người Do-thái. Đối với người Kitô hữu tại trần thế này, việc cử hành bí tích Thánh Thể diễn ra không phải hằng năm, mà là hằng ngày, để tưởng nhớ đến Đức Giêsu Kitô, cho đến khi Người lại đến.
II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1. Theo bạn, mừng kính lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô chính yếu là mừng kính điều gì? Tại sao Chúa Giêsu Kitô lại thiết lập bí tích Thánh Thể cho chúng ta? Bạn cảm nghiệm được điều gì mỗi khi tham dự Thánh Lễ và được rước Mình và Máu Thánh Chúa?
2. Chúa Giêsu Kitô đã truyền cho các môn đệ: “anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, lệnh truyền này đã được thực hiện như thế nào nơi cộng đoàn đức tin của bạn (giáo xứ, chủng viện, dòng tu, bệnh viện, trường học, v.v.)? Bạn nghĩ mình phải làm gì để cổ võ việc tham dự thánh lễ nơi các tín hữu Công giáo tại những nơi cụ thể nêu trên và tại không gian khác nữa? 
3. Nhiều tín hữu có lòng khao khát được rước lấy Mình và Máu Thánh Chúa, nhưng họ còn gặp phải nhiều ngăn trở có thể về không gian, sức khỏe, tình trạng hôn nhân gia đình, v.v. Theo bạn, giáo xứ, cộng đoàn đức tin, hay chính bạn, cần làm gì cho họ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta bằng chính Mình và Máu Ngài, và ở lại với nhân loại cho đến tận thế. Chúng ta đồng thanh cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin.
1. Chúa Giêsu là vị Thượng Tế cao cả đã hiến tế chính mình chỉ một lần là đủ đem lại ơn cứu độ muôn đời. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh biết noi gương Thầy Chí Thánh, hết mình hy sinh phục vụ đoàn chiên mà Chúa trao phó.
2. Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người ở mọi quốc gia biết vượt qua những rào cản ngăn cách về sắc tộc, văn hóa và tín ngưỡng để chân thành hợp tác với nhau vì một thế giới hòa bình và hạnh phúc.
3. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô giáo. Chúng ta cùng cầu xin cho các Kitô hữu được thêm lòng mến yêu sùng kính bí tích cao trọng này, siêng năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể hầu tìm thấy sức mạnh và lẽ sống cho cuộc đời.
4. Thánh Thể là bí tích của hiệp nhất và bình an. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta khi cùng chia sẻ một bánh và một chén cũng được hiệp nhất với nhau, làm nên một thân thể để cùng nhau dấn thân xây dựng nước trời trong đức ái.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lập Bí tích Thánh Thể để ở cùng chúng con luôn mãi. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con khi đón nhận thần lương Chúa ban, biết hăng hái phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.



Ngày 06-06-2015,Thứ Bảy tuần IX Thường Niên


Mc 12, 38-44
38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng.39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc.40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn."41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền.42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma.43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đa bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

HIẾN DÂNG TẤT CẢ

Suy niệm :

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện bà góa nghèo dâng cúng hai đồng tiền kẽm cho đền thờ.Hai đồng tiền kẽm trị giá một phần tư đồng xu Rôma,thế nhưng Chúa Giêsu lại bảo : “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”; vì “mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu lại còn bỏ vào tất cả những gì bà có” (cc 43,44).Khi so sánh nhiều –ít, Chúa Giêsu không dựa trên số lượng,mà Ngài xét trên mức độ hy sinh.Khi dâng “tiền bạc dư thừa”, người ta vẫn dành lại cho mình một “khoảng cách an toàn”.Còn bà góa khi dâng hết hai đồng tiền kẽm là tất cả tài sản của mình, bà đã đánh liều cả sự sống còn của mình.Nhìn xem bà góa nghèo dâng cúng, Chúa Giêsu đã gặp sự đồng cảm nơi bà.Ngài đã tự nguyện trở nên nghèo để dám cho đi tất cả, kể cả mạng sống.Quả thật, chỉ khi hiến dâng chính mình, ta mới hiến dâng tất cả.Chỉ có tình yêu mới thúc đẩy người ta dám cho đi,và cao điểm của tình yêu là dám cho chính mình. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu trọn vẹn, và tình yêu luôn đòi đáp trả bằng tình yêu.Khi cầu nguyện với Chúa hay khi phục vụ tha nhân, ta phải làm với tất cả sụ tận tụy quảng đại như bà góa đã dâng tất cả những gì bà có.

Lạy Chúa, chỉ khi thấu hiểu chân lý “ai cố giữ thì sẽ mất”, bà góa nghèo đã sẵn sàng cho đi tất cả.Xin giúp con hiểu thấu chân lý cao quí ấy,để can đảm cho đi chính mình, ngõ hầu Chúa sẽ trao lại cho con tất cả. 

Thứ 6 tuần IX TN : Đức Giêsu là ai?

Mc 12, 35-37

Bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu nói rõ hơn cho chúng ta biết Ngài là ai? Ngài là người thật và là Thiên Chúa thật.

Đức Giêsu là Con Người thật. Đức Giêsu xuất thân từ dòng dõi Đavít (Mt 1,1) và chính dân chúng đã từng xưng tụng Ngài là con vua Đavít (Mt 21,9). Đức Giêsu được Đức Trinh Nữ Maria cưu mang và sinh hạ tại Bêlem. Vì là con người nên Ngài cũng gặp những cơn thử thách, cám dỗ (Lc 4,1-13). Không chỉ thế, Đức Giêsu còn cảm thấy kinh hoàng trước cái chết ở vườn Giêtsimani (Mt 26,42), và cuối cùng Người thực sự đã chết trên Thánh giá. Xác Người được chôn táng (Ga 19,41) trong một ngôi mộ đá sẵn có của người khác. Như vậy, Đức Giêsu thực sự là một con người.

Đức Giêsu là Thiên Chúa thật. Đức Giêsu không chỉ là người trọn vẹn như chúng ta ngoài trừ tội lỗi, nhưng còn là Thiên Chúa thật như Chúa Cha. Bản tính Thiên Chúa và bản tính con người nơi Đức Giêsu không hề đối chọi, xung khắc nhau và cũng không chia rẽ, không lẫn lộn. Vì yêu thương nhân loại tội lỗi cho nên Thiên Chúa đã giao hòa thế gian với Người và giải thoát con người khỏi tội trong Chúa Giêsu Kitô (Ga 3,16). Đức Giêsu được cưu mang nơi cung lòng Đức Maria bởi Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Thánh không ít lần Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Thiên Chúa (Ga 13,13). Bằng chứng thiết thực xác quyết Ngài là Thiên Chúa thật là việc Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết (Lc 24, 2-3; Ga 20,8). Như vậy, Chúa Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa lại vừa là người thật.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến soi trí mở lòng để như Vua Đavít chúng con tuyên xưng: “Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật trong một ngôi vị duy nhất”. Không chỉ tuyên xưng trên môi miệng, xin cho chúng con dám tuyên xưng bằng hành động cụ thể giữa cuộc sống thường ngày. Amen!

NGÀY 5-6-2015 THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI


        THÁNH BÔNIFITIÔ – GIÁM MỤC TỬ ĐẠO
LỜI CHÚA: Mc 12, 35 -37
35 Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: "Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?36 Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. 37 Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? " Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.
 SUY NIỆM
Theo quan niệm Dothái, danh từ “con” có ba nghĩa:
- Con ruột là người con sinh ra bởi máu huyết như Salômôn là con ruột của Đavid.
- “Con thuộc dòng dõi” là người ở những thế hệ sau nhưng được ghi trong gia phả. Chẳng hạn như khi truyền tin cho thánh Giuse, thiên thần gọi thánh Giuse là “con vua Đavid,  đừng ngại nhận Maria về nhà làm vợ” (Mt 1, 20). Vì vậy Đức Giêsu cũng được gọi là “Con Vua Đavid” theo nghĩa này.
- Và một cách biểu tượng, “con” có thể dùng để chỉ một người có tính cách đặc biệt ví dụ “Barnabas” có nghĩa “con của sự ủi an”, “con của Belial” có nghĩa “người vô dụng”. Người Việt Nam cũng hay dùng ý nghĩa “con” theo lối biểu tượng này. Ví dụ, khi thấy một người quá tính, chúng ta nói, đó là “con của sấm sét”…
Danh xưng “Con Vua Đavid” của Chúa Giêsu được hiểu rằng, Chúa Giêsu thuộc dòng dõi Đavid theo khía cạnh con người trần gian.
Để thu hút hơn trong lời giảng của mình, Chúa Giêsu làm đám đông thích thú khi mở ra cho họ khám phá một điều tưởng chừng rất quen thuộc: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavíd?”. Chúa muốn họ phải động não, phải suy nghĩ. Qua đó, Cháu mạc khải cho họ biết: Chúa không chỉ thuộc dòng dõi Đavid, nhưng Chúa còn là Thiên Chúa của Đavid.
Người đời vẫn gọi Chúa là “Con Vua Đavid” (Mt 1,1). Chúa chấp nhận. Chưa bao giờ Chúa từ chối tước hiệu này. Chưa bao giờ Chúa phản đối hay khó chịu khi nghe gọi tên mình như thế.
Tuy nhiên, tước hiệu Con Vua Đavid không diễn tả đủ mầu nhiệm về chính Chúa. Vì thế, để kiện toàn những lời đã hứa với Đavid, Chúa Giêsu tuyên bố mình còn lớn hơn Đavid. Người là Chúa của Đavid (Mt 22,42-45). Đavid chỉ là một vị vua trần thế, một chủ chiên của dân Chúa (Ez 34,23tt). Nhưng Chúa Giêsu mới là Vua vĩnh cửu, vương quyền của Người mới là vương quyền đời đời. Người chính là chủ chiên thật. Người chủ chiên hiền lành thí mạng sống cho đoàn chiên, trong đó có cả Đavid.
Hiểu rõ về tư cách làm vua của Chúa Giêsu, chúng ta càng nhận ra danh dự của mình, khi mang chính danh hiệu Kitô hữu. Đó là danh của chính Chúa, lại trở thành danh của mỗi chúng ta.
Mang lấy danh hiệu Kitô là tham dự vào sứ mạng làm vua của Chúa Giêsu, là đi lại con đường Chúa Giêsu đã đi, con đường hiến thân phục vụ và hy sinh đến cùng. Đi trên con đường của Chúa, là đi trên con đường thánh giá. Đó cũng là con đường mà bất cứ ai mang danh Kitô hữu, mang chính danh của Chúa, đều được Chúa mời gọi: “Hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta”.
Vì thế, bất cứ Kitô hữu nào muốn tham dự vào vương quyền của Chúa Giêsu, họ đều được mời gọi phải sống như Chúa Giêsu đã sống: khiêm nhường, phục vụ và hy sinh chính mình vì muôn người.
Chúng ta sẽ không tìm thấy nơi Chúa Giêsu một vị Vua cao sang quyền thế, tiền hô hậu ủng theo kiểu nhân loại. Nhưng nếu khi chúng ta biết sống khiêm nhường, phục vụ anh em, quảng đại cho đi những gì mình có, chúng ta sẽ được tham dự vào phẩm giá cao cả là con cái của Thiên Chúa, là thần dân của Vua Kitô trong vương quốc Nước Trời.

Lạy Chúa, chúng con xin nhận Chúa làm Chúa Thượng của chúng con. Xin Chúa làm chủ cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con luôn biết sống khiêm nhường, nhỏ bé để Chúa được lớn lên trong chúng con. Amen.

05/06/2015 Thứ Sáu Tuần IX Mùa Thường Niên Năm B


PHÚC ÂM: Mc 12, 35-37
"Sao họ có thể bảo Đức Kitô là Con vua Đavít?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: "Sao các luật sĩ lại nói Đấng Cứu Thế là con vua Đavít? Vì chính Đavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: 'Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con'. Chính Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít được?" Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói. Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Cuộc đối đầu trực diện giữa Chúa Giêsu và các đối thủ qua đi với việc họ không còn chất vấn Ngài nữa. Lúc này, tác giả Marcô lại nhớ thêm một cảnh, trong đó chính Chúa Giêsu là người chất vấn. Marcô không xác định rõ kẻ bị hỏi, chỉ ở cuối đoạn ông mới cho biết đông đảo dân chúng lắng nghe Ngài cách thích thú.
Trong lần chất vấn này, Chúa Giêsu đề cập đến tước hiệu mà các luật sĩ gán cho Ngài: con vua Ðavít. Một truyền thống Do thái xa xưa vẫn cho rằng Ðấng Kitô phải thuộc dòng dõi vua Ðavít (2V 7,14-17). Người ta cũng thường gọi Chúa Giêsu là "con vua Ðavít" (x. 10,48; 11,10). Nhưng chắc chắn Chúa Giêsu không tự xưng mình bằng tước hiệu này, vì nó quá hàm hồ, Ngài muốn tránh xa quan niệm về Ðấng Kitô theo kiểu chính trị. Ngài trưng dẫn Thánh vịnh 110, theo đó Ðấng Kitô vừa là con vua Ðavít, vừa được Ðavít gọi bằng "Chúa tôi". Chính Kinh Thánh đã gán cho Ðấng Kitô một phẩm tính cao cả hơn con vua Ðavít và gọi bằng tước hiệu "Chúa". Sau biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu đã sử dụng Thánh vịnh 110 để tìm ra các tước hiệu bao hàm trọn vẹn tính cách của Chúa Giêsu: họ tuyên xưng Ngài thực sự thuộc đẳng cấp thần thánh: Ngài đã sống lại và được Thiên Chúa phong làm "Chúa". Ngài lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Cv 2,34-36).
Ðức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Ðó là lòng tin kiên vững của Kitô giáo. Quá nhấn mạnh tới thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại, đều là những sai lầm tai hại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, như lời thánh Gioan: "Từ khởi thủy đã có Lời, và Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa". Nhưng Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo thánh Irênê: Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.
Ước gì đó là niềm xác tín mà chúng ta mang trong lòng, diễn tả ra cuộc sống và sẵn sàng bảo vệ đến cùng.AMEN.