Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN IX THƯỜNG NIÊN


I. BÀI TIN MỪNG: Mc 12,13-17

Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. Những người này đến và nói: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp? " Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem! " Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? " Họ đáp: "Của Xê-da." Đức Giê-su bảo họ: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.
CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO
Có câu chuyện vui kể rằng, ngày kia một vị mục sư mời Chúa Giê-su đi dự khan trận đá banh giữa đội Công Giáo và đội Tin Lành, khi đội Tin Lành ghi bàn thì Chúa Giê-su đứng lên vỗ ta, nên vị mục sư nghĩ là Chúa đứng về đội bóng Tin Lành. Nhưng rồi lúc đội Công Giáo thắng thì Chúa Giê-su cũng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt…
Chính trị và tôn giáo biệt lập nhau, không thể dùng tôn giáo để biện minh cho ý đồ chính trị. Thiên Chúa không đứng về phe này để sát hại phe kia, và Thiên Chúa không dạy con người giết hại lẫn nhau.
Bài Tin Mừng hôm nay, qua việc các địch thủ của Chúa Giê-su gài bẫy Người về việc nộp thuế, Chúa Giê-su dạy mọi người bài học cần phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và chính trị, giữa tương quan xã hội và mối liên hệ với Thiên Chúa: “Của Xê-da hãy trả cho Xê-da và của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”.
Thời Chúa Giê-su, người Pha-ri-siêu và phe Hê-rô-đê vốn đối nghịch nhau về chính trị, giờ đây lại liên minh với nhau. Người Pha-ri-siêu chống lại sự đô hộ của đế quốc Rô-ma, trong khi phe Hê-rô-đê lại chấp nhận để hưởng quyền lợi và bổng lộc hoàng đế. Hôm nay, họ liên minh với nhau muốn dùng một mũi tên quyết định trúng hai đích, hòng đẩy Chúa Giê-su vào thế tiến thoái lưỡng nan, mà câu trả lời không thể nói “có” mà cũng không thể nói “không”. Cái bẫy được họ giăng ra cho Chúa Giê-su là: “Có nên nộp thuế cho Xê-da không?”. Nếu Chúa Giê-su trả lời có, thì người Pha-ri-siêu có lý do để làm Người phải mất tín nhiệm trước dân chúng, còn nếu nói không, thì phe Hê-rô-đê sẽ có lý do để tố cáo Rô-ma đến bắt Người.
Đối với người Pha-ri-siêu, nộp thuế cho Xê-da, hoàng đế ngoại bang, là chối bỏ Thiên Chúa, Đức Chúa độc nhất của Israel. Họ đồng hóa phe quốc gia Do-thái với chính nghĩa của Thiên Chúa là để phục vụ Thiên Chúa, và vì thế họ phải đè bẹp các phe phái địch thù khác.
Thế nhưng, hoàng đế Rô-ma không phải là Thiên Chúa, cho dù ông tự xưng mình như vậy. Hoàng đế áp đặt quyền bính, bắt dân sử dụng đồng tiền Rô-ma, nhưng không thể đòi hỏi lương tâm con người vốn đã thuộc về Thiên Chúa, phải tuân phục ông được. Tuy nhiên, hoàng đế Rô-ma cũng không phải là “kẻ thù của Thiên Chúa” như người Pha-ri-siêu quan niệm, và để phục vụ Nước Thiên Chúa, thì cũng không cần thiết phải từ chối nộp thuế hay tuân phục luật dân sự do hoàng đế ban hành (x. NCGKPV).
Khi trả lời “của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”, Chúa Giê-su phân biệt tôn giáo và chính trị trong một nền văn hóa mà các nhà chính trị luôn dùng tôn giáo biện minh cho mình và cũng do đó xem các địch thủ chính trị như là địch thủ của Thiên Chúa. Với mưu đồ chính trị, thậm chí người ta còn tìm cách lôi kéo Thiên Chúa vào phe mình để tiêu diệt đồng loại.
Chúa Giê-su không lên án cũng không biện minh cho chủ nghĩa đế quốc Rô-ma. Phải chăng như vậy thì nghĩa là hòa bình và công lý giữa các dân tộc chẳng liên quan gì đến các “vấn đề thiêng liêng” và cũng chẳng làm cho Chúa Giê-su bận tâm?
Dĩ nhiên, đây là những vấn đề quan trọng và lịch sử Thánh Kinh cho thấy Thiên Chúa muốn cho mỗi một con người được hưởng tự do, cho các dân tộc có được khả năng phát triển nền văn hóa và đời sống quốc gia riêng. Đây là điều biện minh cho việc Ki-tô hữu có thể dấn thân làm chính trị hầu xây dựng công lý hòa bình và phát triển con người.
Chúa Giê-su biết rằng sự giải phóng đích thực con người luôn đi xa hơn các tranh chấp và sự đối nghịch giữa các phe phái. Mà vào thời Chúa Giê-su dân Do-thái đang bị xâu xé về chính trị, chia thành nhiều phe phái không đội trời chung, dẫn đến sự kiện Israel sẽ bị xóa sổ sau cuộc khởi nghĩa vào năm 70. Vậy, Chúa Giê-su kêu gọi các địch thủ của mình đặt lại đời sống chính trị vào đúng chỗ của nó, và đừng lẫn lộn đức tin với cuồng tín tôn giáo. Vì đức tin đòi hỏi một sự tuân phục toàn diện, nên những ai còn lầm lẫn đức tin với việc đấu tranh chính trị thường đi đến chỗ biện minh cho tất cả mọi hành động của đảng phái mình, ngay cả những dối trá và tội ác (x. NCGKPV)..
Như vậy, chính trị và tôn giáo biệt lập nhau, không thể dùng tôn giáo để biện minh cho ý đồ chính trị. Thiên Chúa không đứng về phe này để sát hại phe kia, và Thiên Chúa không dạy con người giết hại lẫn nhau.
Xin giúp chúng con biết trả lại cho “thế gian – Xê-da” cái thuộc về nó là sự thù hận, ghanh ghét, đố kỵ, bạo lực và những đam mê xấu; để rồi chúng con sẽ trả lẽ cho Chúa những gì thuộc về Ngài là đức hạnh yêu thương, hầu cuộc sống của mỗi Ki-tô hữu chúng con là lời chứng truyền giáo hùng hồn, đem nhiều người trở lại với Chúa. Amen.


II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Vấn đề chính trị và tôn giáo.
2. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu,

2.6.2015 – Thứ ba Tuần 9 Thường niên


Lời Chúa: Mc 12,13-17
13 Khi ấy, người ta cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. 14 Những người này đến và nói : "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp ?" 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói : "Tại sao các người lại thử tôi ? Đem một đồng bạc cho tôi xem !" 16 Họ liền đưa cho Người. Người hỏi : "Hình và danh hiệu này là của ai đây ?" Họ đáp : "Của Xê-da." 17 Đức Giê-su bảo họ : "Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

Sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu thế tục hóa ngày hôm nay rất dễ dẫn chúng ta đến một lối hiểu chưa đúng về Lời Chúa. "Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Người ta có thể nghĩ Chúa Giêsu đang phân ranh giới rạch ròi giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa nhà thờ và xã hội, giữa đời sống tâm linh và cuộc mưu sinh giữa đời; bên này không phạm đến bên kia. Thưa, hoàn toàn không phải thế! Trong truyền thống Do Thái, Thiên Chúa là Đấng chủ tể siêu việt trên tất cả: toàn thể vũ trụ càn khôn và con người mọi nơi mọi thời, dù có là Xê-da đại đế chăng nữa, hết thảy đều phục quyền Người. “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12,29-30). Chính Thiên Chúa, Đấng là nguồn chân-thiện-mỹ, phải hiện diện trong mọi suy nghĩ, mọi tình cảm ước muốn cũng như trong từng hành vi cử chỉ của chúng ta. Nếu đồng tiền in hình Xê-da nhắc ta nhớ đến trách nhiệm và quyền lợi công dân, thì hình ảnh Thiên Chúa ta mang nơi mình vẫn hằng mời gọi ta đến với Chúa bằng trọn vẹn thể xác tâm tư, để Người trao ban cho ta sự sống và hạnh phúc viên mãn.
Nhìn lại bản thân, biết bao lần ta thậm chí còn hạ Thiên Chúa xuống hàng tùy phụ trong bậc thang giá trị của đời mình. Ta sẵn sàng làm mọi sự để giành cho được chút ít danh vọng, quyền lực hão huyền mà bất tuân lề luật Thiên Chúa. Ta lao tâm khổ trí tìm kiếm mọi cơ hội để làm giàu nhưng hiếm khi nào lo nghĩ phải sống sao cho thánh thiện đạo đức. Ta có thể vui thâu đêm suốt sáng với bạn bè nhưng lại không sắp xếp nổi thời gian cho giờ kinh tối gia đình. Ngày hôm nay, Lời Chúa mời gọi ta trả lại cho Thiên Chúa những gì xứng đáng thuộc về Người, trả lại cho Người vị trí ưu tiên tuyệt đối trong cuộc đời ta.
Lạy Đức Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa. Xin ban cho con đức khôn ngoan và lòng can đảm, để con dám trao dâng cho Ngài tất cả, trao dâng trọn vẹn cuộc sống con trong tình yêu bao la của Ngài. Amen.

02/06/2015 Thứ Ba Tuần IX Thường Niên Năm B


PHÚC ÂM: Mc 12, 13-17
"Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?" Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: "Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền". Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: "Hình và ký hiệu này là của ai?" Họ thưa: "Của Cêsarê". Người liền bảo họ: "Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa". Và họ rất đỗi kinh ngạc về Người. Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM;
Hôm nay người công chính Tôbia đã bị thử thách qua việc bị mù mắt một cách vô duyên. Thêm nữa là những lời đay nghiến của vợ khi ông lên tiếng bắt bà cũng phải sống công chính, vì ông ngỡ bà ăn cắp con dê của người ta.

Chính người thân thiết nhân với ông đã lên tiếng mạc sát ông: “Các việc bố thí của ông đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ông được bù đắp như thế nào, ai cũng đã rõ”. Bù đắp cho sự công chính của Tôbia là sự mù lòa của ông. Làm sao chấp nhận được điều đó?
Nhưng người công chính thật sự phải được thanh luyện trong thử thách.
Chính Chúa Giêsu cũng đã bị những người Biệt phái và phe Hêrôđê thử thách, nhưng không phải thử thách bình thường. Họ chọn lựa nhân sự và lên kế hoạch đàng hoàng: “Người ta cử mấy người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến cùng Đức Giêsu để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy”. Cái bẫy mà họ đưa ra thật tinh vi: “Có được nộp thuế cho Xêda hay không?”. Nếu Chúa Giêsu nói có là tội phản quốc vì ủng hộ người Rôma. Nếu Chúa Giêsu nói không sẽ bị chính quyền đô hộ xét xử vì tội không nộp thuế.
Nhưng làm sao thử thách được Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu thấu suốt tâm can của họ. Chúa Giêsu dựa trên sự thật là họ đang sử dụng đồng tiền của Xêda thì đương nhiên phải nộp thuế cho Xêda. Điều đó không ai bắt bẻ được Ngài.
Nhưng từ việc “Của Xêda trả cho Xêda”, Chúa Giêsu đã hướng họ đến với điều sâu xa hơn là: “Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Cuộc sống chúng ta là bởi Chúa, vì thế phải quy hướng về Thiên Chúa là lẽ đương nhiên.
Qua đó chúng ta thấy người công chính sẽ phải bị thử thách bởi nhiều thứ. Nhưng nếu họ có một lòng gắn bó với Chúa, họ sẽ vượt qua được.
Xin Chúa cho con luôn có một đời sống gắn bó với Chúa trong cầu nguyện, tham dự các bí tích, để con luôn nhạy bén với những điều linh thánh hầu có thể thắng được những thử thách của ma quỷ và thế gian.AMEN.