Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Thứ Tư tuần 33 mùa Thường niên (Lc 19 11-28)


Bài Tin mừng hôm nay của thánh Luca đặt dụ ngôn nén bạc của Đức Giêsu trong bối cảnh « dân chúng lại cứ tưởng là Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện trong giây lát » (Lc 19,11), có nghĩa là ngày Chúa trở lại thế gian này trong thời cánh chung.
 
Khi Đức Giêsu nói về dụ ngôn này, ai cũng đều hiểu rằng các nén bạc mà Chúa trao cho mỗi người cần được sinh lời: sức khỏe, tài năng, các phương tiện hữu ích mà chúng ta có được là để làm sáng danh Chúa và phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, khi dụ ngôn ấy được liên hệ với thời sau hết lại giúp chúng ta ý thức hơn rất nhiều về nén bạc thời gian Chúa ban cho hết thảy mọi người. Tất cả mọi người hiểu được giá trị của thời gian nên chúng ta mới được nhắc nhở : « thời gian là vàng bạc ». Ai ai cũng có 24 giờ một ngày. Điều quan trọng là chúng ta đã sử dụng nén bạc quý giá ấy ra sao trong suốt cuộc đời của mình.
 
Đức Giêsu không ngừng làm việc, vì theo gương của Chúa Cha vốn luôn luôn làm việc để chăm sóc con người, hình ảnh của Ngài. Với thời gian, Đức Giêsu đưa con người bước vào thời kỳ của ơn cứu độ và của triều đại của sự sống đời đời. Ngài không bao giờ hành động cách vội vàng mà luôn luôn theo thì theo buổi, có nghĩa là « giờ của Ngài ».
 
Khi sử dụng cho nên nén bạc này cùng với việc cộng tác với ơn Chúa trong công trình cứu chuộc, chúng ta sẽ được hân hoan vui mừng tiến ra chào đón Người vào lúc giã từ cõi đời. Nếu để thời gian trôi đi một cách vô vị thì chúng ta đã mất đi định hướng sống ; nếu dùng thời gian vào các mục đích bất minh là chúng ta đã phá vỡ tổng thể công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa.
 
Điều cần thiết là chúng ta cần có chương trình sống cho mỗi ngày cũng như các kế hoạch dài hạn, để có phương thức hành động phù hợp ngõ hầu ngày cuộc đời mình sinh được nhiều hoa trái tốt đẹp.
 
Lạy Chúa, « Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan » (Tv 90,12).  

Lễ Chúa Ki-tô Vua


Ý niệm về vương quyền và vương quốc của Chúa Ki-tô không thể hiểu theo những tiêu chuẩn của vua chúa trần gian. Cả ba bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày hình ảnh siêu nhiên về Chúa Ki-tô là Con Người, là vị Thủ Lãnh và là Vua của một vương quốc không thuộc về thế gian này. Sứ mệnh của Người là “làm chứng cho sự thật” và triều đại của Người sẽ tồn tại muôn đời. Vương quyền và triều đại ấy sẽ bảo đảm chắc chắn cho số phận tương lai của ta, đồng thời cũng mở ra cho ta một chân trời mới cho cuộc sống hiện tại của một Ki-tô hữu trên trần gian.



1. Chúa Ki-tô là “Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (bài đọc Cựu Ước – Đa-ni-en 7:13-14)



Theo thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, Con Người chính là Chúa Ki-tô đã chiến thắng tội lỗi và thần chết. Hai nhân vật trong bài đọc thứ nhất hôm nay là Con Người và Đấng Lão Thành. Thị kiến cho ta thấy khung cảnh đơn sơ nhưng cực kỳ uy nghiêm của một lễ đăng quang trọng đại. Ta có thể hình dung Chúa Ki-tô khải hoàn “đang ngự giá mây trời mà đến và tiến lại gần Đấng Lão Thành” là Thiên Chúa Cha. Khung cảnh này ta đã được nghe Chúa Giê-su nói đến khi Người bị vị thượng tế vặn hỏi Người có phải là Đấng Ki-tô không. “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14:61-62). Người “được dẫn đưa tới trình diện Đấng Lão Thành” (Đn 7:13). Chúa Ki-tô đã hoàn tất sứ mệnh cứu độ nhân loại. Giờ đây trong ngày phán xét chung, Người được đưa tới trình diện Chúa Cha và được Chúa Cha trao ban “quyền thống trị, vinh quang và vương vị”. Có lẽ suy niệm về điều này, thánh Phao-lô Tông đồ hoặc Giáo Hội sơ khai đã vẽ lại cảnh đăng quang của Chúa Ki-tô được ngôn sứ Đa-ni-en tiên báo. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giê-su Ki-tô là Chúa’” (Pl 2:9-11).

Điểm đặc biệt nhất mà Đa-ni-en thấy ở đây là tính cách vĩnh cửu của vương quyền và vương quốc Chúa Ki-tô (Đn 7:14b). Vĩnh cửu vì đó không phải là vị vua và vương quốc đời này, mà là Đức Ki-tô, Đấng được Thiên Chúa đặt lên và trao quyền thống trị Triều Đại của Người. Các quốc gia trên thế giới này khi tồn, khi vong, cũng như những người cai trị chúng. Ngay cả các đế quốc cũng vậy. Tất cả đều lệ thuộc vào thời gian. Còn vương quốc của Chúa Ki-tô thì trường tồn muôn đời, vì thời gian là của Người và Người là Chúa của quá khứ, hiện tại lẫn tương lai (Nghi thức làm phép nến Phục Sinh). Quyền thống trị vĩnh cửu của Chúa Ki-tô khiến ta nghĩ tới A-đam. Sau khi tạo dựng A-đam, Thiên Chúa đã ban quyền cho A-đam được thống trị muôn loài trên mặt đất. Tuy nhiên tội bất tuân phục của ông đã tước đoạt đi quyền thống trị ấy, để cho chính ông và con cháu lâm vào tình cảnh yếu đuối và phải “đổ mồ hôi mới kiếm được miếng ăn”. Chúa Ki-tô là A-đam Mới, nay đã chiến thắng tội lỗi nên được Thiên Chúa phục hồi cho quyền thống trị. Quyền thống trị vĩnh cửu của Chúa Ki-tô đã đặt nền tảng cho tương lai vĩnh cửu của ta, vì nếu quyền thống trị của Người không trường tồn thì ta sẽ chẳng được chia sẻ phần gia nghiệp muôn đời với Người.



2. Chúa Giê-su là vị Thủ Lãnh khai mạc vương quốc vĩnh cửu (bài đọc Tân Ước – Khải Huyền 1:5-8)



Đoạn sách Khải Huyền của thánh Gio-an Tông đồ tiếp tục khai triển việc thiết lập vương quốc vĩnh cửu của Chúa Ki-tô. Tiến trình thiết lập ấy được gồm tóm trong ba danh hiệu quy về Chúa Ki-tô: Chứng Nhân trung thành, Trưởng Tử của những người từ cõi chết trỗi dậy, và Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian. Cách Gio-an xếp thứ tự ba danh hiệu này đã cho thấy vương quốc của Chúa Ki-tô được thiết lập như thế nào rồi. 

Trước hết, Chúa Ki-tô được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để làm Chứng Nhân. Người làm chứng rằng Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến mức độ nào. Người cũng làm chứng rằng con người có thể đáp lại tình yêu ấy ra sao. Để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, Chúa Ki-tô “đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1:5-6). Người đã làm chứng cho việc trung thành phụng sự Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Cái chết của Người không kết thúc sứ mệnh trên trần gian, nhưng chỉ là ngưỡng cửa để Người bước qua, sống lại và là người đầu tiên trỗi dậy từ cõi chết. Người được tuyên dương là Trưởng Tử của Nhân loại Mới, tức Con Đầu Lòng giữa những người con sẽ được sống lại để hưởng phúc trường sinh với Người. Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Đức Ki-tô nắm giữ vai trò Thủ Lãnh. Người đến trần gian làm Thủ Lãnh, nhưng không phải để được phục vụ như các thủ lãnh của thế gian, mà là để phục vụ và chết cho mọi người (Mc 10:45). Người làm Thủ Lãnh để quy tụ muôn vật muôn loài về với Thiên Chúa Cha, như Đầu của Nhiệm Thể đem mọi chi thể trở về cùng Thiên Chúa là nguồn cội của chúng.

Như thế, Chúa Ki-tô đã thiết lập vương quốc Người không phải nhờ một quyền lực nào khác ngoài quyền lực của Thiên Chúa. Sức mạnh của Người không dựa vào khí giới súng đạn, nhưng là tình yêu, yêu Thiên Chúa và yêu nhân loại. Từ A tới Z chỉ có tình yêu. Hoặc nói theo ngôn ngữ khải huyền của Gio-an: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga”, là Thiên Chúa và chỉ có Tình yêu thống trị mà thôi.



3. Vương quốc của Chúa Ki-tô là vương quốc của sự thật (bài Tin Mừng – Gio-an 18:33b-37)



Chúa Giê-su đến để thiết lập vương quốc tình yêu, như ta đã thấy qua đoạn sách Khải Huyền của thánh Gio-an. Tuy nhiên bài Tin Mừng còn cho thấy một khía cạnh khác của vương quốc ấy, đó là vương quốc của sự thật, điều mà Chúa Giê-su đã trả lời cho Phi-la-tô khi Người bị ông ta cật vấn.

Đầu óc của Phi-la-tô không thể vượt qua khỏi ý niệm thông thường về ông vua như thượng tế và dân chúng đã tố cáo Chúa Giê-su. Trả lời cho câu hỏi của tổng trấn, Chúa Giê-su khẳng định rõ ràng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này… Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18:36a.37c). Làm chứng cho sự thật là sứ mệnh vị Vua của vương quốc ấy phải thi hành. Chính Phi-la-tô cũng không hiểu được điều Chúa Giê-su đã nói. Với ông, trên đời này làm gì có thứ vương quốc của sự thật, mà chỉ có vương quốc đầy bạo lực, quyền hành, bóc lột, chiến tranh… Cho nên ông ta hỏi Chúa: “Sự thật là gì?” và cũng chẳng cần có câu trả lời, nhưng vội lảng tránh và tìm cách chạy tội hèn nhát không dám bênh vực sự thật. Sự thật là vương quốc của Chúa Ki-tô không nhắm những mục tiêu chính trị hay những phương tiện trần gian như vũ lực và bạo quyền. Do đó, Chúa Giê-su muốn nói rằng Người không phải là đấng mê-si-a đến để giải phóng Ít-ra-en như dân chúng mong đợi, nhưng là Đấng Mê-si-a đến để giải phóng nhân loại khỏi ách tội lỗi. Còn đối với thần dân của vương quốc sự thật ấy, “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Người”. Người lên tiếng kêu gọi người ta hãy nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, hãy sống yêu thương theo luật pháp mến Chúa yêu người của vương quốc ấy. “Đứng về phía sự thật” có nghĩa là đáp lời mời gọi của Chúa Ki-tô mà bước vào Triều Đại Thiên Chúa hoặc Nước Thiên Chúa. Ở trong đó mọi người là anh chị em con cùng một Cha trên trời, sống những giá trị Tin Mừng qua lối cư xử với bản thân, với người khác và trọn đạo làm con cái Chúa. Sự thật ở đây là chính Đức Ki-tô, là đạo lý của Thiên Chúa để nhân loại sống theo (Ga 14:6). Sự thật ấy sẽ giải phóng ta khỏi tội lỗi nếu ta hết lòng tin (Ga 8:32). Quả thực, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Sự Thật, nhờ đó con người biết Thiên Chúa là Đấng nào và biết thân phận làm con của họ để sống sao cho đúng với sự thật. Tóm lại, vương quốc sự thật là kế hoạch Thiên Chúa thiết lập để tỏ ra tình yêu vô điều kiện và cứu độ của Người. Người thiết lập nó và đặt Đức Ki-tô làm Vua. Và đây là lời hiệu triệu của Vua nước sự thật: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Chẳng lẽ ta muốn làm con dân của vương quốc sự thật mà lại có thể làm ngơ trước lời hiệu triệu đó hay sao?



4. Sống Lời Chúa



Kết thúc năm Phụng vụ, Giáo Hội mời gọi ta lần cuối cùng hãy nhìn nhận con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su Ki-tô. Người đến thiết lập Triều Đại Thiên Chúa ngay tại trần gian này và đã chết để chuộc tội cho ta. Người đưa ra một lối sống mới cho những ai muốn thực sự sám hối và tin vào Tin Mừng, kiến tạo một nhân loại mới. Ngày cánh chung, Người sẽ ngự đến trong mây trời để xét xử muôn loài. Còn ta thì được Người đưa vào vương quốc của Người ngay tại trần gian này để chuẩn bị bước vào vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã vào vương quốc vĩnh cửu để dọn chỗ cho ta. Người hứa: “Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3). Người hứa chắc chắn như vậy và Người đang chờ ta.



Suy nghĩ: Chúa Giê-su phán: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Vậy tôi đang đứng ở đâu? Tôi có lắng nghe Chúa nói và thực hành những điều Người dạy bảo không? Tôi đang ở trong vương quốc của Người hay vương quốc của ma quỷ tội lỗi?



Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Ki-tô là người Con mà Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men. (Lời nguyện Nhập lễ, lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ).



Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 33 Thường Niên - B

16/11. Thứ Hai. 1Mcb 10-15.41-43.54-57. 62-64; Lc 18,35-43
Bài Ðọc I - 1Mcb 10-15.41-43.54-57. 62-64
Trong những ngày ấy, bởi dòng các vua Hy-lạp sinh ra một mầm mống tội lỗi, là Antiôcô Êpiphan, con vua Antiôcô, trước kia bị bắt làm con tin tại Rôma; năm vương quốc Hy-lạp một trăm ba mươi bảy, ông lên ngôi vua.
Thời đó từ Israel cũng xuất hiện một số người bất lương mê hoặc được nhiều người, chúng nói rằng: "Này, ta hãy giao ước với các dân ở chung quanh chúng ta, vì từ ngày chúng ta đoạn giao với các dân ấy, chúng ta đã gặp nhiều tai hoạ". Họ cho lời nói ấy là đúng. Một số trong dân chúng hối hả đi yết kiến nhà vua và được nhà vua cho phép tuân giữ các luật lệ của dân ngoại. Họ liền xây cất một thao trường ở Giêrusalem theo tập quán của dân ngoại; họ tìm cách huỷ bỏ vết tích của phép cắt bì, chối bỏ Giao Ước thánh để rồi giao ước với kẻ ngoại. Họ tự bán mình để làm sự dữ.
Vua Antiôcô ra chiếu chỉ khắp nước truyền cho mọi dân hợp thành một dân và mỗi dân phải bỏ tục lệ riêng mình; tất cả các dân ngoại đều tuân lệnh nhà vua. Nhiều người Israel cũng sẵn sàng theo việc phượng tự của nhà vua, họ liền hiến tế cho ngẫu tượng và phế bỏ ngày sabbat.
Ngày rằm tháng Kislêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua Antiôcô đặt một ngẫu tượng ghê tởm ngay trên bàn thờ dâng của lễ toàn thiêu. Người ta cũng lập nhiều bàn thờ khác trong các thành lân cận của Giuđa: người ta đốt hương cúng tế trước cửa nhà và ở các công trường. Hễ gặp thấy sách luật nào, họ xé nát và đem đốt đi. Nếu người ta bắt gặp sách giao ước trong nhà người nào hoặc bắt gặp kẻ nào giữ Luật Chúa, thì kẻ ấy sẽ bị xử tử theo đúng chiếu chỉ của nhà vua. Nhưng cũng có nhiều người Israel tỏ ra kiên quyết, và nhất định không ăn của gì dơ nhớp; họ thà chết chẳng thà làm cho mình ra ô uế bởi của ăn dơ và phạm đến Giao Ước thánh, và quả thực họ đã chết. Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp.
Tin mừng - Lc 18,35-43
Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?" Anh thưa: "Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". Chúa Giêsu bảo anh: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.
Suy niệm
Năm 200 (TCN), Giêrusalem rơi vào tay của đế quốc Xêlêuxit. Ban đầu dân Do Thái rất hồ hởi vì nhà vua Antiôcô III đối xử rất tốt với họ, họ vẫn có thể hành đạo một cách tự do. Nhưng đến thời của vua Antiôcô IV, tình hình đã thay đổi. Nhà vua bách hại đạo Do Thái, xúc phạm Đền Thờ và bắt dân chúng phải tôn thờ ngẫu tượng, vi phạm lề luật…
Một số người vì nhiều lý do đã “nhập thành một dân duy nhất để tế lễ cho các ngẫu tượng, vi phạm luật Sabát”. Nhưng “nhiều người trong dân Israel vẫn kiên tâm vững chí, nhất định không ăn những thức ăn ô uế. Họ thà chết chớ không để mình ra ô uế vì thức ăn, vi phạm Giao ước thánh”.
Như vậy giữa những người u mê đi vào đường lối của nhà vua phản bội lại Thiên Chúa để được sống, thì vẫn còn nhiều người chấp nhận cái chết để chống lại nhà vua, đi theo đường lối Chúa.
Dưới con mắt người đời, những người đi theo nhà vua để vi phạm lề luật là những người sáng suốt vì họ giữ được mạng sống mình. Còn những người chấp nhận cái chết vì không tuân thủ luật nhà vua để trung thành với Thiên Chúa là những con người mù tối, mê muội…
Bài Tin Mừng hôm nay nói về anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Mọi người nói với anh“Đức Giêsu Nadarét đi ngang qua đó”. Nhưng anh lại kêu lên “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”.
Những người sáng mắt chỉ biết Đức Giêsu Nadarét, nghĩa là một con người. Còn anh mù thì nhận ra Đức Giêsu con Vua Đavít, nghĩa là một Đấng cứu độ.
Như vậy ai mới là người mù? Ai mới là người sáng mắt?
Phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay muốn nói với chúng ta về cái mù tâm linh, là cái mù không nhận biết Thiên Chúa và đường lối của Người; cũng như ánh sáng chân thật là ánh sáng nhận biết Thiên Chúa và sống theo những gì Người chỉ dạy.
Lạy Chúa, xin cho cặp mắt đức tin của con sáng suốt để con có thể nhìn thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời con.

THỨ NĂM SAU CN 33 TN NĂM B: Lc 19,41-44



Trong cuộc sống thường ngày, hẳn chúng ta cũng đã từng chứng kiến khá nhiều người khóc: có những người khóc vì đau khổ, bệnh tật, bất hạnh, thất vọng và bị bỏ rơi… Nhưng cũng có những người khóc vì sung sướng, khóc vì hạnh phúc!
Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe tường thuật việc Chúa Giêsu khóc thương thành thánh Giêrusalem. Tại sao vậy? Thưa vì Ngài nhìn thấy viễn cảnh tương lai với sự đổ nát của thành thánh. Đối với người Do thái, Giêrusalem không chỉ là thủ đô của một quốc gia, nhưng nó còn là biểu tượng của sự sống còn của cả một dân tộc. Người Do Thái phải mất 46 năm để xây dựng thành này. Còn Giêrusalem là còn tất cả, và nếu mất Giêrusalem thì cũng có nghĩa là mất nước.
Nhất là trong lãnh vực tôn giáo, Giêrusalem là dấu chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người; và đó cũng chính là điểm qui tụ của tất cả mọi người Do thái. Cho nên cho dù có bị lưu đày tản mát ở khắp mọi nơi, thì người Do thái vẫn còn một điểm giúp họ gần nhau, đó là sự hồi tưởng về những ngày trẩy hội lên đền thánh. Cuộc hành trình của Chúa Giêsu lên Giêrusalem, cũng là một khúc quanh quyết định trong cuộc đời của Chúa Giêsu cũng như trong chương trình cứu độ của Ngài.
Hôm đó là ngày lễ Vượt qua. Dân chúng hân hoan tiến về Giêrusalem để mừng kỷ niệm ngày dân tộc được giải phóng khỏi kiếp sống lưu đày. Họ hồi tưởng lại thời gian đã qua với biết bao hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ.Trong khi đó, bài Tin Mừng lại cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu có một tâm trạng khác hẳn với những người chung quanh. Ngài tỏ ra bồi hồi xúc động. Ngài đã khóc. Ngài khóc bởi vì tất cả những gì đang hiện diện trước mắt bây giờ với sự uy nghi đồ sộ và huy hoàng của đền thờ, nhưng sẽ đến một ngày sẽ không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào.
Thực ra Chúa Giêsu khóc thương thành thánh không phải vì Ngài tiếc nuối một công trình kiến trúc vô cùng hoành tráng với 46 năm trường mới hoàn thành rồi sẽ bị tàn phá, nhưng Ngài khóc vì thấy cả một dân tộc Do Thái ưu tuyển đã bị cái vẻ hào nhoáng của đền thờ Giêrusalem che khuất, nên họ đã không nhận ra được một đền thờ sống động và đích thực đang hiện diện ở giữa họ : đó chính là sự hiện diện của Ngài.
Và còn bi thảm hơn nữa ở chỗ, chẳng những dân thành Giêrusalem đã tỏ ra đối kháng với sứ điệp bình an, không muốn đón nhận ơn cứu rỗi, mà họ còn quyết tâm tìm cách giết bằng được chính bản thân Chúa nữa.
Kính thưa…Từ những xúc động nghẹn ngào của Chúa Giêsu trước sự chối từ của dân thành Giêrusalem, chúng ta hãy suy nghĩ về chính thái độ sống của ta đối với Chúa. Ngày hôm nay Chúa Kitô vẫn còn đang tiếp tục gõ cửa tâm hồn chúng ta. Ngài muốn ấp ủ che chở chúng ta như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh. Ngài đang tha thiết nói với chúng ta qua tiếng nói âm thầm của Ngài, qua Thánh lễ mỗi ngày, qua các bí tích, qua sự hiện diện của mọi người, và nhất là qua những tiếng kêu than của những anh em đau khổ, hay những bạn bè của thiếu nhi chúng con gặp những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống cần chúng con nâng đỡ, cần chúng con an ủi và sẻ chia.
Thân phận đen tối của dân thành Giêrusalem ngày xưa cũng chính là thân phận đáng thương của mỗi người chúng ta hôm nay. Thiên Chúa đã yêu thương và tuyển chọn chúng ta làm con của Ngài, dù chúng ta hoàn toàn bất xứng. Nhưng chúng ta lại quay lưng lại với tình thương của Thiên Chúa, chúng ta vẫn thờ ơ lãnh đạm trước Lời Chúa, chúng ta vẫn phản bội với Chúa bằng đời sống tội lỗi của chúng ta... Trong tâm tình của những tuần lễ cuối năm phụng vụ, chúng ta hãy sám hối, chúng ta hãy thành tâm kiểm điểm đời sống để trở về với tình yêu của Chúa. Nhất là, giờ đây chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa sẽ đến thăm viếng chúng ta nơi bàn tiệc thánh thể của Người. Amen.