Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Ngày 01/10/2015 - LỄ THÁNH THERESA Hài Đồng GIÊSU


Mt 18, 1-5
Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.”
Suy niệm :

Cuộc sống của con người không thể không có những nụ cười của trẻ thơ, những nụ cười mang đến cho chúng ta sự vui vẻ và thân thiện. Vì sao vậy? Thưa: tuổi thơ không nuôi dưỡng chiến tranh nhưng gầy dựng hoà bình. Tuổi thơ không ghen ghét, kèn cựa lẫn nhau nhưng đoàn kết và hợp tác thân thương. Thế nên, tuổi thơ thật đáng yêu, đáng trân trọng. Và những ai có tâm hồn tuổi thơ cũng đáng được ca ngợi, mến yêu.
Chúa Giê-su Ngài cũng yêu thích tâm hồn tuổi thơ. Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Ngài cũng cần các môn đệ Ngài phải có tấm lòng đơn sơ như trẻ nhỏ. Một tấm lòng đơn sơ để Chúa làm mọi việc nơi mình. Một tấm lòng đơn sơ để có thể cúi xuống làm mọi việc vì lòng yêu mến tha nhân.
Tâm hồn đơn sơ ấy đã được một người sống và thể hiện thành công trong suốt cuộc đời mình , đó chính là thánh nữ Tê-rê-sa hài đồng Giê-su mà hôm nay Giáo Hội mừng kính. Nơi ngài chúng ta thấy một con người đơn sơ. Một tâm hồn trẻ thơ. Một cuộc đời ẩn tu và chỉ sống vỏn vẹn 24 năm dương gian nhưng đã làm cho cả thế giới phải kính phục.
Dù rằng trong ngày an táng của ngài vào ngày 1. 10. 1897, tại một tỉnh lẻ ở Pháp một đám tang chỉ vỏn vẹn mười người, đi đầu là Thánh Giá, tiếp theo là Linh Mục linh hướng, rồi linh cữu người quá cố trên một chiếc xe đẩy, đi sau linh cữu là mấy nữ tu và vài ba thân nhân. Thế nhưng, trước giờ chết, chị đã nói như tạm biệt cộng đoàn: "Tôi không chết, tôi bước vào cõi sống”. Và như một vị tiên tri, chị nói với mẹ Bề Trên :" Mẹ à ! Con biết, rồi cả thế giới sẽ yêu thương con”. Liền sau cuộc mai táng tại nghĩa trang của thị trấn, có một trận mưa hoa hồng ngay trên mộ của nữ tu trẻ tuổi này, vì chị đã hứa:”Tôi về trời, là để làm điều tốt cho thế gian”.
Từ đấy, cả thế giới đã nói về chị Têrêsa. Cuộc bùng nổ những sách báo viết về chị. Chị được tôn vinh hiển thánh năm 1925, và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo toàn cầu. Năm 1997 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, bây giờ là Thánh GH Gioan Phaolô II, đã tôn phong Chị lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh.
Tiểu sử của chị Thánh thật ngắn gọn. Nhưng nói về tâm hồn của chị là một kho tàng vô giá. Têrêsa sinh năm 1873. Vào dòng kín lúc 15 tuổi. Chết lúc 24 tuổi và được phong thánh vào năm 1925. Chúng ta nhận thấy chị là một nữ tu tiến rất mau trên con đường thánh thiện. Chỉ tu có chín năm, thế mà hai mươi tám năm sau khi qua đời đã được phong thánh. Ôi thật đáng trân quý một vĩ thánh trẻ có tâm hồn tuổi thơ.
Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên và tự hỏi :
- Chị sống thế nào mà nên thánh mau lẹ như vậy ?
Chắc hẳn chị sẽ trả lời cho chúng ta rằng :
- Chị chỉ làm những việc nhỏ bé tầm thường và kín đáo. Tầm thường nhưng với một trái tim phi thường còn hơn là việc phi thường mà với một trái tim tầm thường.
Có thể nói cuộc đời của Têrêsa được gồm tóm trong một chữ yêu. Thánh nữ muốn sống cho tình yêu và chết cho tình yêu để được yêu Chúa luôn mãi bằng một tình yêu muôn thuở, không bao giờ tàn phai.
Với tình yêu chân thành, Tê-rê-sa đã sống và hành động vì tình yêu. Dù chỉ là công việc tầm thường như :giặt quần áo cho các chị em trong dòng, quét cầu thang, dọn phòng ngủ, làm vườn. . . Tê-rê-sa đã thực hiện tất cả các công việc ấy vì long yêu mến Chúa. Tê-rê-sa đã biến những công việc tầm thường ấy trở thành những việc phi thường khi phủ vào ấy một tình yêu nồng nàn dành cho Thầy chí thánh Giê-su đến mức độ ngài nói: ‘dù cúi xuống nhặt một cây kim, chị cũng làm vì lòng yêu mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Con đường nên thánh của tê-rê-sa thật bình thường. Bình thường từ cách sống của mình chan hoà tình yêu. Bình thường bằng cách sống đơn sơ như trẻ nhỏ để gìn giữ hoà khí với mọi người. Chị đã sống đơn sơ và được Chúa chúc phúc như lời Ngài đã phán :- Nếu không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ chẳng được vào nước trời.
Cùng với Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu trong ngày lễ kính hôm nay, Thiếu Nhi Thánh thể Giáo xứ, Ca đoàn nhỏ Têrêxa, và những ai nhận chị Thánh làm BM, chúng ta hãy bắt đầu từ những “con đường nhỏ” “ Con đường thơ ấu thiêng liêng” của riêng mình. Có như thế, chúng ta mới hy vọng tìm kiếm và chinh phục sự thiện hảo. Và chỉ có Đức ái là điểm tựa duy nhất cho chúng ta trên hành trình thiêng liêng yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa.
Ước gì cuộc đời chúng ta luôn đơn sơ như trẻ thơ để dễ gần gũi và đáng yêu trước mặt mọi người. Ước gì chúng ta luôn làm mọi việc vì lòng yêu Chúa và cứu rỗi các linh hồn để dù việc ta làm nhỏ nhặt nhưng sẽ là những việc phi thương mang lại mùa xuân cứu độ cho anh em và bạn bè. 
Ước chi con đường nhỏ và tâm tình đơn sơ trẻ thơ mà Theresa đã tìm thấy trong đoạn Tin Mừng hôm nay, cũng chính là con đường mà mỗi người Kitô hữu chọn lựa, đặc biệt Thiếu nhi Giáo xứ và ca đoàn Thiếu Nhi GX, và những ai nhận Thánh Têrêxa làm BM. Nguyện xin thánh nữ Theresa chuyển cầu để Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen.
Chúa Nhật XXVII Thường Niên B
Người Đã Làm Nên Họ: Nam Và Nữ


Mc 10:2-16: 1 Bỏ nơi đó, Người đi tới miền Giuđê và bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người, như thói quen, Người lại giảng dạy họ. 2 Có mấy người Pharisêu đến gần và hỏi Người: “Người chồng có được phép rẫy vợ không?”, họ thử Người. 3 Đáp lại Người nói với họ: “Ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?” 4 Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 5 Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên họ nam và nữ; 7 Vì điều nầy, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một thịt. 9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, con người không được phân ly.” 10 Lại ở trong nhà, các môn đệ hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đụng đến chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.14 Thấy vậy, Người bất bình và nói với các ông: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ không vào được.” 16 Rồi ôm lấy chúng, Người đặt tay chúc lành cho chúng.

Đoạn 10:2-12 và 10:13-16 vẫn còn nằm trong văn mạch tổng quát của những giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Người (9:30-10:31). Khung cảnh gần của đoạn nầy là trên đường tiến về miền Giuđa (10:1), Chúa Giêsu dừng lại đâu đó để giảng dạy, rồi lại  lên đường (10:17). Đoạn 10:2-12 bàn về vấn đề ly dị do các Pharisêu đặt ra; trong khi đoạn 10:13-16 nói đến Chúa Giêsu đón tiếp các trẻ nhỏ. Những người nghe Người giáo huấn là các Pharisêu - chỉ riêng trong đoạn nói về chuyện ly dị (10:2), dân chúng (10:1.13) và các môn đệ của Người (10:10-12.13). Về từ ngữ, động từ “ly dị”, “thả tự do” (apolyō)  (10:2.4.11.12) mở đầu và kết thúc đoạn 10:2-12; qua đó, chủ đề của đoạn được xác định. Về cấu trúc, đoạn 10:2-12 có thể được phân chia thành ba phần: 1- Vấn đề ly dị và cách giải quyết thời Môsê (10:2-5); 2- Giải thích vấn đề trong ý định của Thiên Chúa (10:6-9); 3- Những hậu quả của việc ly dị (10:10-12). Còn đoạn 10:13-16 được đóng khung bằng từ “trẻ nhỏ” (10:13.16), có thể được phân chia như sau: 1- Các môn đệ xua đuổi trẻ em khỏi Chúa Giêsu (10:13); 2- Chúa Giêsu ngỏ lời với các môn đệ (10:14-15); 3- Chúa Giêsu đón tiếp các trẻ nhỏ (10:16).

Ngoài Satan (1:13), chỉ có các Pharisêu mới “thử” Chúa Giêsu để tìm kẽ hở trong ngôn hành mà chống đối Người (x. 8:11; 10:2; 12:15). Marcô không cho thấy khó khăn nào khi Người đối diện với thử thách nầy. Các Pharisêu đặt ra vấn đề là người chồng được phép ly dị vợ mình không (10:2). Dựa vào Đệ Nhị Luật 24:1-4, người chồng có thể ly dị vợ mình trong một số trường hợp và phải trao cho người ấy giấy ly hôn. Các Pharisêu đứng về phía thuận cho điều nầy (10:2.4). Phần Chúa Giêsu, Người chống đối hoàn toàn và xác định rằng việc trao giấy ly hôn và ly dị người vợ sau đó là “do sự cứng lòng của các ông” (10:5); bởi đó, vấn đề đang là hiện thời, và cách mặc nhiên các Pharisêu bị đặt như những người đối lập với Người. Hạn từ “cứng lòng” được soi sáng trong Đnl 10:16 cũng như trong Giê 4:4; cả hai câu đều nhắc đến việc “cắt bì”. Giữ việc cắt bì theo nghi thức là dấu hiệu tuân phục Thiên Chúa hoàn toàn, tiếp tục làm dân của Người và thờ phượng Người như các tổ phụ của họ. Không cắt bì theo ý Thiên Chúa muốn là cứng lòng. Như thế, cứng lòng là bỏ không đi theo con đường tuân phục mà của tổ phụ họ đã có từ ban đầu; nói tóm, là từ chối nghe lời Thiên Chúa (Ez 3:7; Cn 28:14). Liên quan đến vấn đề nầy, do bất tuân phục Thiên Chúa mà người Israel đã bỏ sự liên kết bất khả phân ly của vợ chồng mà tổ phụ họ đã tuân giữ ngay từ đầu. Phần Môsê, ông không ra lệnh và cũng không cổ võ việc ly dị. Việc ông cho phép ly dị là để hạn chế hậu quả tệ hại do sự cứng lòng của họ. Khi ly dị vợ mình, người chồng phải trao giấy ly hôn cho người vợ để xác nhận tình trạng tự do của người ấy; như thế, người vợ ấy được bảo vệ khỏi bị tố cáo là ngoại tình và khỏi bị ném đá chết như là hình phạt nếu người ấy trở nên vợ của người khác (x. Đnl 22:22).

Để trả lời cho các Pharisêu, Chúa Giêsu giải thích tuơng quan vợ chồng trong ý định ban đầu của Thiên Chúa khi Người tạo dựng (10:6-9). Những hạn từ như “một thân xác” (10:8 [2x]), “kết hợp”, “không phân ly” (10:9) tương phản với từ “ly dị” trong đoạn trước. Thiên Chúa tạo dựng người nam và nữ khác nhau và độc đáo với mục đích bổ túc cho nhau (Kn 1:27; 2:24). Do đó, người chồng được tạo dựng không để ly dị vợ mình mà để nên một với người ấy và sự liên kết ấy mật thiết ấy khắn khít như một thân xác đến nỗi không thể phân ly (10:9). Như thế, Chúa Giêsu giải thích ý muốn của Thiên Chúa về sự liên kết vợ chồng và đồng thời xác nhận sự bình đẳng giữa hai người. Không ai có quyền bỏ ai, nếu họ không muốn đi ngược lại ý định của Thiên Chúa.

Trong kết luận (10:10-12), Chúa Giêsu xác định hậu quả của việc ly dị. Người đề cập đến trường hợp có thể xảy ra là người chồng ly dị vợ và người vợ ly dị chồng. Việc ly dị và đi lấy người khác ấy được kể là ngoại tình (10:19; Xh 20:14; Đnl 5:18). Vậy thêm một lần nữa để trả lời cho câu hỏi của các Pharisêu (10:2), Chúa Giêsu xem việc ly dị là trái với trật tự tạo dựng của Thiên Chúa; đồng thời, người nam và người nữ được nhìn nhận ngang hàng với nhau trước mặt Người.

Sau khi khai sáng tương quan vợ chồng trong ý định của Thiên Chúa (10:2-12), Chúa Giêsu nói đến các trẻ nhỏ như là kết quả tự nhiên của quan hệ đó (10:13-16). Trọng tâm của đoạn nầy là lời mời gọi “đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ” (10:15). Động từ “đón nhận” (dechomai) chỉ được dùng với những túc từ như “môn đệ” (6:11), “trẻ nhỏ” (9:37); “Nước Thiên Chúa” (10:15), “Tôi” và “Đấng đã sai Tôi” (9:37). Một cách nào đó, những đối tượng trên đây được đồng hóa với nhau (x. 9:37.41). Tuy nhiên, “một trẻ nhỏ” trong câu 10:15 có thể hiểu là chủ ngữ, “đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ đón nhận Nước ấy”. Đặc tính nổi bật của các trẻ nhỏ được trình bày trong các trình thuật của Marcô là rất cần đến sự trợ giúp của cha mẹ để sống (5:39-41; 7:30; 9:24; 10:13-15). Chúng không thể tự làm gì, không công trạng gì, mà cũng không chống đối gì. Chúng là những người nghèo chỉ biết mở lòng đón nhận. Đó chính là điều kiện Chúa Giêsu muốn phải có để đón nhận Nước Thiên Chúa.

Thiên Chúa rất ghét sự ly dị (Mal 2:16) và rất yêu thương các trẻ nhỏ và những người giống như chúng (Mc 10:16). Để có thể đón nhận Thiên Chúa và giáo huấn của Người cần có một tâm hồn tin tưởng và nghèo khó như trẻ nhỏ, vì tất cả đều là hồng ân.

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm B

Hãy Sống Khắng Khít
(Khởi nguyên 2,18-24; Hipri 2,9-11; Marcô 10,2-16)

Phúc Âm: Mc 10, 2-12
"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".
Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".
{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}

Suy Niệm:
Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm B
Khởi nguyên 2,18-24; Hipri 2,9-11; Marcô 10,2-16
Trong các Chúa nhật thường niên, phụng vụ thường đọc cho chúng ta nghe một cách liên tiếp các đoạn chính yếu trong một sách Tin Mừng. Năm nay, chúng ta đọc sách Tin Mừng theo thánh Marcô, và lần trước chúng ta đã đọc xong chương 9 thì hôm nay chúng ta bắt đầu nghe sang chương 10, mà chúng ta sẽ đọc tiếp trong các Chúa nhật sau.
Rồi để làm sáng tỏ bài Tin Mừng, phụng vụ chọn một đoạn Cựu Ước có khả năng hướng lòng chúng ta về mạc khải của Ðức Yêsu để chúng ta thấy chính Người đã đến không phải để xóa bỏ nhưng để kiện toàn và hoàn tất luật cũ hay đạo cũ và mọi lời tiên tri trong Cựu Ước. Chẳng hạn hôm nay bài sách Khởi nguyên đã được chọn vì bài Tin Mừng. Ðức Yêsu đã gợi lại một câu trong sách Khởi nguyên, thì phụng vụ đọc cho chúng ta nghe chính đoạn sách ấy để giúp chúng ta dễ hiểu lời Tin Mừng hơn. Ðồng thời chúng ta cũng sẽ thấy chính Ðức Yêsu sẽ làm cho bài sách Khởi nguyên thêm giá trị.
Cuối cùng bài Thánh Thư được chọn để dạy chúng ta biết sống đạo một cách cụ thể, theo như các tông đồ đã chỉ bảo cho giáo dân của các ngài. Không tất nhiên tư tưởng bài Thánh Thư phải ăn khớp với bài Tin Mừng. Phụng vụ thường chỉ muốn đọc cho chúng ta nghe hết thư này sang thư khác. Chẳng hạn lần trước chúng ta đã đọc hết thư Yacôbê, thì kể từ Chúa nhật này và liên tiếp trong nhiều Chúa nhật thường niên sau này chúng ta được nghe đọc thư Hipri, nói rằng của thánh Phaolô nhưng có lẽ chỉ là của một tác giả hoặc môn đệ thân cận của ngài và thấm nhiễm tinh thần của ngài. Ðoạn thư trích hôm nay không liên ý trực tiếp với giáo huấn của bài Tin Mừng và bài sách Khởi nguyên. Nhưng tuy nói về những vấn đề khác nhau, cả ba bài Kinh Thánh vẫn bổ túc làm cho huấn giáo của Chúa nhật này thêm phong phú.
Chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng và bài sách Khởi nguyên nói đến nỗi an ủi mật thiết trong tương quan giữa người nam và người nữ. Nhưng sánh sao được với niềm an ủi và thắm thiết giữa Ðức Kitô và môn đệ Người, mà bài thư Hipri hôm nay gợi lên? Chúng ta hãy lần lượt đọc lại những bài Thánh Kinh ấy.

1. Nam Nữ Là Một
Bài sách Khởi nguyên hôm nay là một trong những bản văn rất quý hóa trong kho tàng tư tưởng của loài người. Người ta chỉ có thể chê khi đọc hời hợt và tưởng rằng bản văn đó mới được viết ngày hôm qua, ở giữa thời đại khoa học này. Ngược lại, nếu nhớ rằng nó đã khai sinh cách đây vào khoảng ba nghìn năm và do một ngọn bút ở một dân tộc ít văn hóa, người ta sẽ phải kinh ngạc và tự hỏi làm sao tác giả có thể viết ra những tư tưởng thâm thúy như vậy. Có cả một kho tàng khôn ngoan, tâm lý và sáng suốt trong những lời văn này.
Con người được mô tả như là một hữu thể cần hiệp thông và thông cảm. Nó không thể sống cô đơn cho dù đang ở giữa một cảnh bồng lai tiên cảnh như nơi địa đàng. Nó cũng không thể thỏa mãn với sự bầu bạn của mọi thứ động vật. Tác giả thật khéo ám chỉ loài người và loài vật cũng chỉ là một giống động vật khi ông nói Adong nhìn các giống vật và thấy chúng đều là "sinh vật", nghĩa là cũng giống như ông là loài có sinh khí. Tuy nhiên lập tức ông cũng nhận ngay ra địa vị "linh ư vạn vật của mình" khi tác giả viết: Adong đặt tên cho từng loài, để tỏ ra địa vị ưu việt của ông... "Nhưng con người vẫn không gặp được sự trợ giúp nào tương đối". Adong chưa tìm được vật nào giống như mình để cảm thông và làm đầy đời sống cho mình. Nói cách khác, ông cảm thấy chưa đầy đủ dù có cả vũ trụ và vạn vật ở dưới quyền. Ông muốn và cần có một ai như mình nhưng lại khác mình và bổ khuyết cho mình.
Thượng đế đã can thiệp. Thiên Chúa không để con người cô đơn. Tác giả sách Thánh dùng hình ảnh bình dân để diễn tả sự can thiệp này. Yavê đưa Adong vào một giấc hôn mê, Người rút một xương sườn của ông, lắp thịt vào, làm ra người nữ và đem giới thiệu với ông. Vừa nhìn thấy, Adong đã kêu lên: phen này, nàng là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi, nàng là Ishsha: (đàn bà) vì đã được rút ra từ Ish: (đàn ông).
Rõ ràng tác giả đã xây dựng hình ảnh từ "nguyên tự" và từ quan niệm bình dân lấy sự giống nhau về xương thịt để nói lên sự giống nhau về bản chất. Tức là tác giả muốn khẳng định đàn bà cũng là "người" như đàn ông và giữa nam nữ có một sự mật thiết bù đắp cho nhau. Tư tưởng của ông tiến bộ hơn người đồng thời rất xa, vì sau ông nhiều thế kỷ, ở nhiều nơi người ta vẫn chưa nhìn nhận sự bình đẳng và đồng loại giữa nam và nữ. Và với câu sau, "người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắng khít với vợ mình và chúng sẽ nên một thân xác", ông làm cho độc giả thấy tình gia đình phu phụ keo sơn đến mức nào.
Dù sao cách nói của ông vẫn có nhiều hình ảnh và có thể làm người ít học lấy hình ảnh làm thực tại. Họ đâu có biết sách Khởi nguyên ở đoạn trước đã viết về nam nữ như sau: "Thiên Chúa đã dựng nên loài người theo hình ảnh mình. Là nam là nữ, Người đã dựng nên chúng". Vậy, điều mà ở đây tác giả nói một cách đơn sơ, tổng hợp nhưng vẫn đề cao sự bình đẳng và đồng loại giữa nam và nữ, thì ở chương sau ông đã dùng hình ảnh để nói lên một cách dễ hiểu hơn. Chúng ta quý cả hai lối trình bày và sung sướng được nghe nói đến những nét thâm thúy nơi con người.
Tuy nhiên ở đây phụng vụ không muốn lưu ý chúng ta về việc nam nữ đồng loại và bình đẳng cho bằng việc họ thu hút nhau, bù đắp cho nhau và khắng khít với nhau, để dẫn chúng ta sang bài Tin Mừng.

2. Không Ðược Ly Dị
Chúng ta không hiểu rõ hoàn cảnh vì sao các Biệt phái lại chọn vấn đề rẫy vợ để thử Ðức Yêsu. Họ muốn thử gì? Ðể xem ý kiến của Người về vấn đề ly dị ư? Không chắc ở thời đó vấn đề có sôi bỏng như ở thời ta không, cho dù luật Rôma bấy giờ cũng cho ly dị và tâm tư đạo đức của người Dothái có vẻ không rõ ràng. Ðúng hơn, họ muốn gài bẫy Người, để xem Người có kính trọng luật Môsê không? Nhưng luật này nói thế nào? Họ chỉ có thể trích được một câu trong sách Thứ luật (24,1) cấm lấy lại một người đàn bà đã bị rẫy và nói đến việc viết ly thư, chớ không có chỗ luật nào nói rõ về việc được phép ly dị... Chính các Biệt phái cũng phải nhận rằng Môsê chỉ cho phép viết ly thư chứ không ra lệnh phải làm việc này. Dựa vào chỗ đó, Ðức Yêsu làm cho họ hiểu rằng: vì lòng dạ lì lợm của họ mà Môsê đã phải cho phép như vậy. Ðó là một nhượng bộ bất đắc dĩ, không thể kéo dài mãi mãi. Nước Thiên Chúa đã đến rồi; con người phải dùng sức mạnh mà vào; người ta phải trở về với Thiên Chúa và lệnh truyền của Người. Thế mà từ nguyên thủy nam nữ đã khắng khít với nhau và đàn ông đã bỏ cả cha mẹ mình để nên một thân thịt với bạn mình. Ðức Yêsu giải thích việc đó là ý của Thiên Chúa muốn phối hợp hai người lại với nhau, và không ai được phép phân ly nữa. Về nhà, Người còn dạy rõ: không ai được rẫy vợ mình để cưới vợ khác. Ai làm như vậy sẽ phạm tội ngoại tình.
Thánh Marcô không nói đến phản ứng của Biệt phái khi nghe Ðức Yêsu trả lời, vì đứng về quan điểm luật họ còn biết nói gì nữa? Nhưng đối với con người thời nay, có lẽ phán quyết của Người còn cần được tìm hiểu thêm. Người ta có thể đưa ra ý kiến này, ý kiến khác về vấn đề ly dị. Phụng vụ hôm nay chỉ xin chúng ta suy nghĩ về bài sách Khởi nguyên và đoạn Phúc Âm hôm nay để thấy việc vợ chồng khắng khít với nhau là một cái gì nằm sâu trong bản chất nam nữ mà Thiên Chúa đã dựng nên từ nguyên thủy. Ðó là ý muốn của tạo hóa và của bản tính con người. Nếu điều này có lúc khó chấp nhận, thì chúng ta hãy đọc tiếp đoạn Phúc Âm trên.
Thánh Marcô nói đến việc Ðức Yêsu yêu quý trẻ nhỏ và dạy chúng ta phải đón lấy Nước Trời như một trẻ nhỏ. Câu nói này có thể có hai nghĩa. Hoặc là người ta phải đơn sơ như trẻ nhỏ khi đón nhận Nước Trời, không xét nét, không do dự vì trẻ nhỏ cho gì chúng cũng lấy. Hoặc là người ta phải coi Nước Trời như hồng ân tốt đẹp, tinh sạch mà người ta phải đón lấy như đón một trẻ nhỏ. Bất cứ hiểu theo nghĩa nào, người ta cũng có thể dùng Lời Chúa nói đây để giúp mình chấp nhận luật không ly dị nói trên, vì rõ ràng đấy là ý Chúa, là Nước Trời đến với chúng ta mà chúng ta phải đón lấy như trẻ nhỏ. Chúng ta cũng có thể dùng bài Thánh Thư để khuyến khích mình thêm vì tác giả thư Hipri, tuy nói đến một vấn đề khác, nhưng cũng sẽ chỉ muốn chúng ta bắt chước Chúa mà có tinh thần hòa hợp.

3. Hãy Sống Khắng Khít
Tác giả nhắc lại việc Ðức Yêsu đã ngang qua thống khổ tử nạn mà được vinh quang huy hoàng. Trong chốc lát và theo một diện nào đó Người đã tỏ ra như thua các Thiên Thần vì hình dạng khổ nạn của Người. Nhưng đó là ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Người muốn Ðức Kitô phải chịu khổ đau như vậy để kiện toàn bản chất con người chúng ta. Người muốn hướng dẫn số đông nhân loại lên phúc vinh quang nên đã dùng thống khổ hạ Ðức Kitô xuống thân phận tôi đòi tội lỗi như mọi người để khi Người được triều thiên ban tặng thì cả nhân loại được chia phần vinh quang của Người.
Như vậy, ở đây tác giả thư Hipri đã nhấn mạnh đến sự khắng khít giữa Ðức Kitô và loài người trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Có thể nói vì muốn được loan báo Danh Chúa cho anh em và ngợi khen Thiên Chúa giữa cộng thể loài người mà Ðức Kitô đã phải đồng hóa và nên một với loài người trong đau khổ. Người không để lại cho chúng ta một tấm gương khắng khít hòa hợp và hiệp nhất sao? Người đang kêu gọi chúng ta không những kết hiệp bất khả phân ly với Người mà còn với nhau nữa. Người đang khuyến khích riêng các gia đình đang gặp khó khăn đó.
Mầu nhiệm Thánh Thể của Người mà chúng ta cử hành bây giờ thật sự nói lên điều này. Ðức Kitô chấp nhận sự chết là hình phạt của mọi người để đưa mọi người lên phúc vinh quang. Người kêu gọi chúng ta mật thiết kết hợp với Người. Và đồng thời Người sẽ thêm cho chúng ta sức mạnh kết hợp với nhau như các chi thể trong một thân thể. Với ơn của Người, chúng ta sẽ lướt thắng mọi khó khăn trong tương giao xã hội và đặc biệt trong quan hệ gia đình, để khi mến Chúa nhiều, chúng ta cũng đoàn kết yêu thương nhau nhiều, không phải chỉ bằng cảm tình và lời nói hoặc lời cầu nguyện, mà bằng việc làm, hy sinh, cố gắng; như vậy đạo tốt sẽ làm đẹp đời. Và chúng ta sẽ thấy đời người thật đáng sống khi có ơn Chúa.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 26 Thường Niên - B


01/10. Thứ Năm. Lễ Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, Tiến Sĩ. Is 66,10-14c; Mt 18,1-4
Bài Ðọc I - Is 66,10-14c
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".
Tin Mừng - Mt 18,1-4
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Suy Niệm
Hai bài đọc ngày hôm nay đều có điểm chung là nói về trẻ nhỏ.
Trong bài đọc thứ nhất, vị tiên tri nêu bật hình ảnh rất cảm động. Thiên Chúa như người Mẹ nâng niu an ủi con thơ: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối”.
Trong bài Tin Mừng, tôi thấy Chúa Giêsu đặt em nhỏ ở giữa. Ngài muốn mọi chú ý của người ta trập trung về em nhỏ và mời gọi hãy nên như trẻ nhỏ để được trở thành người lớn nhất. Lý do quan trọng là không ai có thể nên cao cả nếu Thiên Chúa không ban cho; và Ngài chỉ ban sự lớn lao cho những ai biết hạ mình nên nhỏ bé: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế; Người nâng cao những người phận nhỏ”.
Khi ta biết mình bé nhỏ mà cậy dựa vào Chúa, chắc chắn Chúa sẽ làm cho ta những điều lớn lao; như ngài đã thực hiện cho thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: từ “con đường bé nhỏ thiêng liêng” dẫn đến “đại lộ mênh mang của Nước Trời”.
Lạy Chúa, con đường bé nhỏ là con đường hẹp của Tin Mừng dẫn tới sự sống đời đời nhưng ít người đi. Xin dạy con biết nghe lời Chúa dạy, mà noi gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu để trở nên bé nhỏ hầu Chúa có thể làm cho con những sự lớn lao. Amen.

THỨ NĂM 01.10

THÁNH TÊ-RÊ-XA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. Lễ kính
Is 66:10-14c; Mt 18:1-5
Mt 18, 1-5
Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.”

ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG
“Với lòng kính mến Chúa thì dù cúi xuống đất nhặt một cây kim nhỏ, tôi cũng cứu được một linh hồn.” Đó là con đường nên thánh của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Con đường đơn sơ nhưng đầy tín thác, khiêm nhu hèn mọn nhưng cao cả vô song.
Nước Trời là ân ban của Thiên Chúa chứ không do công trạng con người. Nước Trời không là thành quả của những suy tư khôn ngoan nhưng là quà tặng cho những ai biết đơn sơ đón nhận. Thực vậy, Đức Giêsu đã từng ngợi khen Chúa Cha vì Người ưu ái mạc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn chứ không cho những bậc thông thái, hiền triết. (Mt 11,25)
Đức Giêsu đề cao những ai tự hạ. Họ sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Tự hạ không phải là một thái độ gượng ép, cũng không là sự khiêm nhường giả tạo, nhưng là một hành động xuất phát từ tâm tình yêu mến, phó thác. Thánh Têrêsa đã chọn con đường này, con đường của trẻ thơ, hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, như bé thơ nép bên lòng mẹ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm mọi việc tầm thường với một tình yêu phi thường.


THỨ NĂM 01.10- THÁNH TÊ-RÊ-XA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Lễ kính
Is 66,10-14c [hoặc Rm 8,14-17]; Mt 18,1-5
Mt 18, 1-5
Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.”
TRẺ THƠ
William Barclay kể câu truyện về một thầy giáo già. Trước khi bắt đầu lớp học, thầy thường đứng trước lớp học và cúi đầu sâu chào học sinh. Thầy luôn làm như thế với sự kính trọng đặc biệt. Một ngày nọ, vài người hỏi tại sao thầy làm như thế? Thầy trả lời rằng cúi đầu chào học sinh, vì thầy không biết tương lai của mỗi trẻ sẽ ra sao. Thầy nhìn thấy nơi mỗi đứa trẻ có nhiều đức tính chân thật, khả năng tiềm ẩn; và thầy cúi chào với sự tin tưởng rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều học sinh sẽ thành đạt và thành nhân.
Đức Giê-su đã tuyên bố tinh thần trẻ thơ là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời. Người mong muốn các môn đệ và tất cả những ai muốn đi theo Người phải mặc lấy tinh thần trẻ thơ, nghĩa là phải sống chân thật tuyệt đối trước mặt Thiên Chúa và trước bản thân. 
Quả thực, chính nhờ “đường con thơ tin tưởng và phó thác” mà thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã đạt đến sự thánh thiện như chính ngài cảm nghiệm: “Để trở nên trẻ thơ trước mặt Chúa, phải khiêm tốn đón chờ mọi sự bởi Chúa nhân lành, như một trẻ thơ chờ đón tất cả bởi tay cha nó. Mọi sự khác chẳng quan hệ gì”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống đơn sơ, chân thành và hằng biết tin tưởng, phó thác nơi Chúa. Và xin cho chúng con, trong đời sống và việc làm hàng ngày, biết dành ra một vài giây phút riêng tư mà chạy đến với Chúa, thân thưa với Chúa tất cả mọi điều để cảm được tình Chúa thương chúng con.
 

NGÀY 1/10/2015:THỨ NĂM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSUTin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt. 18, 1-4)
Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời". Đó là lời Chúa.SUY NIỆM
Vào ngày 3-9-2015 nhà báo Sakir Khader đưa lên Twitter bức ảnh về cậu bé tên là Aylan Kurdis, người Syria. Bức ảnh cho thấy bé Aylan mặc áo phông đỏ, quần xanh và đi đôi giày nhỏ nằm úp mặt lên cát, hai tay duỗi thẳng xuôi theo cơ thể, giống như đang ngủ. Sóng biển vỗ nhẹ vào bờ, quanh mặt và cơ thể không còn sự sống của em. Thi thể của em được tìm thấy ở Bodrum, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. Em được cho là một trong số 12 nạn nhân trên con thuyền bơm hơi tới hòn đảo Kos của Hy Lạp để tị nạn. Bức ảnh đã làm cho cả thế giới xúc động và làm thay đổi chính sách nhập cư của Châu âu. Tại sao chỉ vì cái chết của một em bé mà có thể làm thay đổi nhận thức của thế giới về người nhập cư? Thưa đơn giản chỉ vì nơi em bé người ta đọc được sự an hòa, và trên gương mặt của em bé là cả một bầu trời hạnh phúc không vương vấn hận thù, bon chen, không đó kỵ, ghanh ghét, không mưu đò ám hại một ai, không gậy oán hận cho ai; nơi em chỉ có nụ cười và sự đơn sơ. Chính vì thê, Chúa Giêsu đã minh định: không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Nên như trẻ nhỏ là mang lấy trong tâm hồn mình điều mà Chúa Giêsu đã dạy: các con hãy học cùng thầy: khiêm nhường và hiền lành, đó là căn tính của đời sống Nước Trời, vì Thiên Chúa là Đấng đầy lòng nhân ái. Quả thật Ngài luôn rộng lượng và bao dung, hay tha thứ và chậm bất bình, vì thê những kẻ thuộc về Nước Thiên Chúa cũng phải mang lấy những đức tính này. Không có khuôn mặt nào trên trần thế diễn tả cách rõ nét về gương mặt của những công dân Nước trời cho bằng khuôn mặt của các bé thơ. Hãy trở nên giống chúng để chiếm hữu được Nước Trời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con, những người môn đệ của Chúa nhận ra rằng, để trở thành công dân Nước Trời không cần phải trang bị cho mình những kiến thức, những tài năng, nhưng là một tâm hồn đơn sơ bé nhỏ, vì sức mạnh để chiếm hữu Nước Trời không gì hơn là sự khiêm cung, chân thành. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen

THÁNH NỮ TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

1. Sơ lược tiểu sử.
Tên thật là Maria Phanxico Teresa Martin, sinh ngày 02.01.1873 tại Alecon, Normandie, Pháp. Sau khi gia nhập dòng Carmel tại Lisieux, nước Pháp, Maria Phanxico được đổi tên thành “Têrêsa Hài Ðồng Giêsu và Nhan Thánh”. Chị cũng còn được gọi là Têrêsa thành Lisieux.
Têrêsa mồ côi mẹ khi chưa tròn bốn tuổi, được cha là ông Louis Martin săn sóc giáo dục chu đáo. Ông là tấm gương lớn cho Chị trên con đường làm tôi trung của Chúa.
Sau khi được Rước lễ lần đầu và lãnh nhận bí tích Thêm sức vào năm 10 tuổi, Têrêsa lâm trọng bệnh. Chị tin rằng, Ðức Mẹ cứu chữa Chị một cách lạ lùng. Từ đó, Chị hết lòng yêu mến Đức Mẹ.
Đến năm 1887, vào đêm sinh nhật của mình, Têrêsa cảm nhận như ơn Chúa đang thúc bách mình dữ dội. Chị càng tỏ ra yêu mến Chúa nồng nàn hơn. Chị bắt đầu ý thức ơn gọi tu trì của mình. Dù ở tuổi 15, chưa được phép tu Dòng, Têrêsa đã được chính Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII ban cho đặc ân miễn tuổi để được vào Dòng Carmel.
Sống trong dòng Carmel chưa được bao lâu, sức khỏe của Têrêsa bắt đầu suy sụp. Nhưng Chị vẫn chịu đựng cách anh dũng, không mộtlời than thở. Thứ Sáu tuần Thánh năm 1896, Têrêsa bắt đầu ho ra máu. Căn bệnh lao phổi đã đi đến hồi nghiêm trọng. Lúc này, dù đã được Bề Trên chấp nhận cho sang Việt Nam truyền giáo và lập dòng, nhưng vì bệnh càng ngày càng nặng, Chị đã không thể sang Việt Nam.
Tháng 07.1897, Têrêsa được chuyển đến bệnh xá của đan viện, nơi người nữ tu trẻ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30.09.1897, ở tuổi 24. Trên giường bệnh, người ta nói rằng Têrêsa đã trối: "Con đã đạt đến mức mà không thể nào chịu đau khổ được nữa, bởi vì đau khổ đã trở nên quá ngọt ngào đối với con."
Têrêsa chỉ là một nữ tu hèn mọn, quanh năm suốt tháng đóng khung trong bốn bức tường nhà tu kín cho đến khi lìa trần. Vậy mà 28 năm sau, năm 1925, Chị đã được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Hai năm sau, cũng chính Ðức Piô XI tôn vinh Thánh Nữ làm Quan Thầy các Nhà Truyền Giáo và các Xứ Truyền Giáo. Ngày 19.10.1997, bởi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Chị cũng được phong tặng Tiến sĩ Hội Thánh, vì linh đạo Thơ Ấu mà Chị đã để lại cho tất cả mọi người muốn theo Chúa để nên trọn lành.
2. Ai là người lớn nhất Nước Trời?
Ngày lễ thánh thánh Têrêsa, Hội Thánh muốn ta suy niệm lời dạy của Chúa Giêsu: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”.
Lời phán quyết của Chúa trở thành linh đạo của thánh Têrêsa. Đó là linh đạo Thơ ấu Thiêng Liêng mà thánh nhân để lại cho chúng ta: Những ai “coi mình như trẻ nhỏ, là người lớn nhất Nước Trời”.
Vậy để nên như trẻ thơ, hay để sống con đường thơ ấu thiên liêng mà thánh Têrêsa đã vạch ra, chúng ta cần phải:
- Bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường.
Chướng ngại lớn nhất của sự thánh thiện là tính kiêu ngạo. Kẻ thù mạnh nhất của chính ta là cái tôi của mình. Vì thế, như trẻ thơ hồn nhiên, dễ mến, vô tư, ta cần loại bỏ tính kiêu ngạo, loại bỏ thói xem mình là trọng tâm, là trên là nhất, là hơn mọi người.
Ta cần tập tành nhân đức khiêm nhường, đơn sơ hằng ngày trong mọi công tác, mọi lời nói, mọi hành động, mọi suy nghĩ. Như trẻ thơ, ta hoàn toàn phó thác và nép mình vào vòng tay Chúa, để mặc Chúa dẫn dắt đời mình.
- Hiền lành.
Trẻ thơ không biết giận, không biết trả thù, không mưu toan, không mánh mung… Sự hiền lành của trẻ thơ vừa cho thấy tính thật thà, tin tưởng đối với người khác, vừa cho thấy sự trong sáng của tâm hồn không lây nhiễm bất cứ một bóng dáng nào của xảo quyệt, dù là tư tưởng, lời nói hay hành động.
- Từ bỏ mình.
Như thánh Têrêsa quên mình để phụng sự Chúa và tận lực tận tình phục vụ con người, chúng ta cần học tập sự từ bỏ ấy, để luôn có nơi tâm tư mình sự nhẹ nhàng thanh thoát. Chỉ có từ bỏ, ta mới theo Chúa dễ dàng. Chỉ có từ bỏ, tâm hồn ta mới không có bất cứ vướng bận nào, nhưng luôn suy nghĩ và hành động có lợi vì danh Chúa, vì anh chị em của mình.
- Chấp nhận trong vui tươi.
Trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, cũng như trong mọi tương quan khi sống cùng mọi con người, ta luôn thể hiện tinh thần vui tươi và chấp nhận chính những hoàn cảnh, biến cố và con người đang hiện diện với ta.
Có hai thứ chấp nhận: chấp nhận miễn cưởng và chấp nhận vui tươi. Chỉ có chấp nhận cách vui tươi, tự nguyện, ta mới thấy hạnh phúc trong đời mình. Khi đã có hạnh phúc, ta sẽ dễ dàng hướng về Chúa, hiến dâng lên Người tất cả những gì ta đang phải mang, phải gánh.
Thánh Têrêsa đã sống trong Chúa bằng sự chấp nhận mọi hoàn cảnh, dù đau thương nhất. Thánh nhân luôn vui tươi hiến dâng lên Chúa tất cả mọi chiều kích của cuộc đời đang xảy ra cho mình, và hiến dâng chính mình như hiến lễ trong vui tươi và tràn ngập niềm hạnh phúc thiêng liêng sâu xa của cõi tâm hồn.
Sống con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng cùng thánh Têrêsa, đó là con đường nhỏ nhặt trong từng nhịp thở của đời ta, diễn ra từng phút giây, nhưng không dễ dàng.
Ta hãy tập cho mình nên thánh từng giây phút thật nhỏ nhặt, thật đời thường, nhưng cũng thật to lớn, thật phi thường. Hãy thánh hóa mỗi giây phút đi qua đời ta bắng cách thánh hóa chính phút giây hiện tại này. Nhờ sự thánh hóa liên lý ấy, đời ta sẽ là một chuỗi của sự thánh thiện, đẹp lòng Chúa.
Đó là con đường thơ ấu thiêng liêng diễn ra trong từng giây phút sống đời ta. Con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng vừa nhỏ nhặt, vừa to lớn, vừa đời thường, vừa phi thường ấy sẽ đưa ta đi lên mãi, trở thành “người lớn nhất trong Nước Trời”.


Thứ Năm sau Chúa Nhật 26 Th

ường Niên – Năm B
Lễ Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh 

“ Nếu anh em không trở lại nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”(Mt 18,3)
Sống trên đời, ai cũng muốn tìm cho mình một chỗ đứng, khẳng định cho mình một vị thế trong xã hội. Đó là chuyện rất thường tình trong xã hội và nó cũng len lỏi vào trong suy nghĩ của các tông đồ. Chính vì vậy, các ông đã đến hỏi Chúa Giêsu : “Thưa Thầy ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Hẳn khi hỏi câu hỏi này không phải các ông muốn mở rộng kiến thức nhưng là hy vọng sẽ có tên của mình trong hàng ngũ những người lớn nhất trong Nước Trời mai sau. Trước sự chờ đợi và mong ngóng của các môn đệ, Chúa Giêsu lại nói: “ Nếu anh em không trở lại nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Câu trả lời của Chúa khiến các ông sửng sốt và hơi thất vọng vì Chúa đã không đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi của các ông. Đồng thời nảy sinh nơi các ông một thắc mắc lớn là làm sao một người lớn thế này có thể trở lại như một trẻ nhỏ? Thật ra, Chúa không bảo các ông trở lại trẻ nhỏ về phương diện thể chất nhưng là trở nên bé nhỏ thật sự về mặt tinh thần.
Được vào Nước Trời ắt hẳn là khao khát của mỗi người chúng ta nhưng nếu chúng ta không trở lại nên như trẻ nhỏ thì khó có thể mà vào được. Biết là thế nhưng mấy ai đã tín thác hoàn toàn vào Chúa như một trẻ nhỏ. Theo Chúa thật nhưng chúng ta sợ nhiều điều, sợ mình bé nhỏ sẽ bị người ta bắt nạt, sợ khiêm nhường sẽ bị người ta coi thường. Bài Tin Mừng hôm nay là một sự khích lệ cho mỗi người hãy can đảm biến đổi con người “già nua, chai sạn” để tâm hồn được trẻ hoá, trở nên như một đứa trẻ đơn sơ, ngoan ngoãn, thật sự nhỏ bé trước Thiên Chúa và khiêm tốn trước mọi người. Để rồi từ đó luôn ý thức thân phận mỏng manh, yếu ớt của bản thân nên chỉ còn biết cậy dựa vào một mình Chúa như một trẻ thơ hạnh phúc và bình an khi nép bên lòng mẹ.
Lạy Chúa, hôm nay là ngày mừng lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một vị thánh đã chọn con đường bé nhỏ để trở nên thánh. Việc nên thánh bằng con đường bé nhỏ ấy là một minh chứng sống động cho lời mời gọi của Chúa hôm nay. Vì thế, chúng con xin hoà chung tâm tình của Thánh nữ “Con muốn là một bông hoa nhỏ dưới chân bàn thờ ngày lễ thường. Con muốn là một bông hoa trắng từng chiều vắng đơn sơ nguyện cầu” như một lời bày tỏ quyết tâm của chúng con sẽ mặc lấy tâm tình của một trẻ thơ để mai sau cũng được vào Nước Trời như lời Chúa đã hứa. Amen


Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 26 Thường Niên - B


30/9. Thứ Tư. Nkm 2,1-8; Lc 9,57-62
Bài Ðọc I - Nkm 2,1-8
Việc xảy ra trong tháng Nisan, năm thứ hai mươi triều vua Artexerxê, là trước mặt vua có để rượu, tôi liền nâng rượu dâng lên nhà vua, và bấy giờ tôi tỏ vẻ buồn rầu trước long nhan, nên vua hỏi tôi rằng: "Cớ sao mặt ngươi buồn sầu thế, mặc dầu trẫm không thấy ngươi có bệnh? Sự việc này chẳng phải vô cớ, chắc trong lòng ngươi có điều chi bất an mà trẫm không biết". Tôi quá sợ hãi, liền tâu vua rằng: "Thánh hoàng vạn vạn tuế! Lẽ nào mặt thần không lo buồn, vì thành phố nơi có phần mộ tổ tiên của thần bị bỏ hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu rụi?" Vua mới hỏi tôi rằng: "Ngươi thỉnh nguyện điều gì?" Tôi cầu nguyện cùng Chúa Trời, rồi tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, và tôi tớ đức vua đẹp lòng trước long nhan, thì xin hãy sai thần về Giuđêa, đến thành phố nơi có phần mộ tổ phụ của thần, thần sẽ xây cất lại". Lúc đó có hoàng hậu ngồi bên cạnh vua, nên vua hỏi tôi rằng: "Ngươi đi bao lâu, và chừng nào trở về?" Vua bằng lòng sai tôi đi, và tôi định kỳ hạn với nhà vua.
Tôi tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin đức vua ban chiếu chỉ cho thần, để thần xuất trình cho các quan cai vùng bên kia sông, hầu các ngài đưa thần đến Giuđêa; lại xin ban chiếu chỉ cho Asaph quan cai rừng cây của đức vua, để người cấp gỗ cho thần hầu có thể làm cửa tháp đền, tường thành và nhà thần cư ngự". Vua ban cho tôi theo như tay nhân lành Chúa ở với tôi.
Tin Mừng - Lc 9,57-62
Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Suy Niệm
Lời Chúa hôm nay nhắc cho tôi biết cái “giá” của việc theo Chúa.
Một người xin đi theo Chúa Giêsu, Ngài không nói về sự sung sướng nhưng nói về sự đau khổ "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu"; nghĩa là theo Chúa phải chịu thiếu thốn. Thiếu thốn ngay cả những điều được cho là tối thiểu: nơi để ở, ngủ nghỉ.
Khi Chúa kêu gọi người ta theo Ngài, Ngài mời gọi họ phải dẹp đi những bận tâm để lòng thanh thoát: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. Như thế, người ta phải chọn việc phục vụ Tin Mừng đem lại sự sống đời đời cao trọng hơn phục vụ cái chết trần gian.
Cuối cùng, Ngài đòi hỏi những ai theo Ngài phải dứt khoát: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa". Dứt khoát là chỉ quyết định một lần chọn Chúa và theo cho đến cùng.
Lạy Chúa theo Chúa không phải là tìm sung sướng đời này. Theo Chúa là phải trả giá. Giá đó là sự thiếu thốn; sự ưu tiên một cho Tin Mừng và sự dứt khoát. Xin Chúa dạy con chấp nhận những “cái giá” này; dù có vẻ chúng khá đắt; nhưng tin chắc sẽ dẫn tới sự sống ngàn thu. Amen.

30/09/2015 Thứ Tư Tuần XXVI Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 9, 57-62
"Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an toàn trong cuộc sống.
Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.
Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2,000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.
-Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết mở rộng tầm nhìn để thấy những nhu cầu của tha nhân, và sẵn sàng góp phần làm cho Nước Chúa lan tới họ. Amen.

28.09.2015- THỨ HAI TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN


(Lc 9, 46-50): Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".
Gioan lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con".
Suy niệm:
Chúa Giêsu dạy các môn đệ ba điều ngược hẳn suy nghĩ của các ông:
1. Lớn và nhỏ: mọi người, trong đó có các môn đệ và có cả chúng ta nữa, đều muốn làm người cao trọng nhất, nghĩa là có địa vị, có quyền hành, có quyền lợi. Nhưng khi các môn đệ đang suy nghĩ trong lòng về ước mong đó thì Chúa Giêsu biết ý nghĩ của các ông, Ngài bảo các ông đừng nghĩ tới vấn đề đó nữa, mà hãy nghĩ ngược lại. Hãy trở thành kẻ bé nhỏ nhất, nghĩa là đừng nhắm địa vị và quyền hành, quyền lợi mà hãy sống khiêm tốn như trẻ nhỏ.
2. Đón tiếp ai: Thói thường, người ta niềm nở với những ai có lợi cho mình, chẳng hạn người có địa vị, có quyền hành, có của cải. Chúa Giêsu thì dạy: hãy có thái độ rộng mở đón tiếp mọi người, dù đó là một đứa trẻ chẳng có địa vị quyền hành gì cả.
3. Thuận và nghịch: người ta thường dùng cái khung phe nhóm để định hướng thái độ của mình. Ai thuộc phe nhóm mình thì là bạn mình và mình hợp tác; ngược lại ai không thuộc phe nhóm mình thì là kẻ thù của mình và mình chống lại. Chúa Giêsu dạy ngược lại: “Ai không chống lại các con tức là thuộc với các con”, và “chớ ngăn cản họ”.
Gợi ý :
- Cái ý muốn “làm lớn” đã là nguồn gốc sinh ra biết bao đố kỵ, tranh dành và gây ra biết bao xào xáo khổ sở trong cuộc sống chung. Bởi thế Chúa dạy ta đừng ham làm lớn nhưng hãy ham làm nhỏ. Kiêu căng là đầu của 7 mối tội đầu, khiêm tốn là đứng số một trong 7 nhân đức hàng đầu.
Nếu con đang “làm nhỏ”, xin cho con biết cám ơn Chúa vì con được giống như những đứa bé trong gia đình. Nếu nhiệm vụ đang đặt con làm lớn, xin cho con biết “làm lớn” một cách khiêm tốn, làm lớn để phục vụ chứ không phải để bắt người ta phục vụ.
- Vấn đề quan trọng không phải là tôi được địa vị cao hay thấp mà là tôi được đặt vào đúng chỗ hợp với khả năng của mình. Kẻ ít khả năng mà ở địa vị cao thì không chu toàn được những nhiệm vụ được giao, và như thế càng cho người khác thấy rõ những yếu kém của mình.
- Về thái độ đón tiếp: lẽ ra là môn đệ của Chúa, tôi phải đón tiếp mọi người, đặc biệt ưu tiên đón tiếp những kẻ bé mọn. Thế nhưng khuynh hướng tự nhiên vẫn còn sống mạnh trong tôi, nên đôi khi tôi vẫn thờ ơ, thậm chí xua đuổi những kẻ bé mọn ấy, và niềm nở với những người có lợi cho tôi.
- Thuận và nghịch: nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ, đó là một việc làm tốt. Nhưng vì Gioan đã đánh giá việc làm đó theo một tiêu chuẩn sai (người đó không thuộc phe nhóm của mình), nên dẫn tới một thái độ sai là chống đối và ngăn cản. Để “chữa trị” Gioan, Chúa Giêsu bảo ông hãy suy nghĩ theo một tiêu chuẩn mới “Ai không nghịch với các con tức là thuận với các con”. Nghĩa là hãy suy nghĩ theo chiều “thuận”: hãy coi mọi người đều là “thuận” với mình, chỉ trừ khi rõ ràng người ta chống mình.
 

28.09.2015- THỨ HAI TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN


(Lc 9, 46-50): Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".
Gioan lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con".
Suy niệm:
Trong cuộc sống, theo lẽ thường ai cũng mong muốn mình làm lớn, là người lớn nhất, người có địa vị cao nhất, người đứng đầu trong một tổ chức, một tập thể, một cộng đoàn. Sở dĩ như vậy vì địa vị luôn gắn liền với lợi ích, danh tiếng và sự kính trọng. Các tông đồ Chúa Giêsu cũng không ngoại lệ khi Tin Mừng hôm nay trình bày việc bàn luận giữa các ông xem ai là người lớn nhất. Đối diện với câu hỏi trên, Chúa Giêsu đã cho thấy một cái nhìn hoàn toàn mới, ngược lại với quan niệm lớn – nhỏ của các tông đồ : “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26). Tin Mừng Chúa Giêsu dường như có nét nghịch lý, vì đối với Ngài người ta chỉ trở nên lớn khi người ta biết hạ mình xuống phục vụ người khác: “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất” (Lc 9, 48). Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi các môn đệ đặt ra nhưng Ngài khuyên các ông hãy trở nên bé nhỏ, bởi vì trong Nước Chúa Giêsu không có chỗ cho sự tranh giành quyền lực nhưng mọi thứ được dựa trên tiêu chuẩn yêu thương, phục vụ. Người làm lớn trong Nước Trời không phải là người đứng trên vai kẻ khác nhưng dám để cho người khác đứng trên đôi vai của mình. Người làm lớn trong Nước Trời không phải là người ngồi trên ngai cao nhưng là người dám cúi xuống thấp để giúp đỡ những con người nhỏ bé.
Noi gương Chúa Giêsu, dọc suốt chiều dài lịch sử đã có nhiều người trở nên những vĩ nhân qua việc chọn cho mình con đường nhỏ bé, âm thầm phục vụ. Đó là Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người đã chọn cho mình con đường thơ ấu chỉ với một tâm nguyện là trở nên tình yêu trong lòng Giáo Hội. Đó là Mẹ Têrêsa Calcuta, người đã đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm để giúp đỡ những người yếu đau, bệnh tật đang cần sự yêu thương, che chở. Và biết bao người vô danh vẫn đang âm thầm phục vụ. Ngày nay, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở nên những con người bé nhỏ vì Thiên Chúa yêu thương những người phận nhỏ và vì chúng ta chỉ thực sự lớn lên khi tâm hồn chúng ta tràn ngập tình yêu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học tinh thần khiêm nhường của Chúa, Đấng vốn cao trọng nhưng đã tự hạ mình xuống như chúng con. Xin cho chúng con biết trở nên những con người bé nhỏ trong niềm tin tưởng khi chúng con hạ mình xuống đó là khi chúng con đang lớn lên trong tình yêu Chúa và Chúa đang lớn lên trong chúng con. Amen.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 26 Thường Niên - B


30/9. Thứ Tư. Nkm 2,1-8; Lc 9,57-62
Bài Ðọc I - Nkm 2,1-8
Việc xảy ra trong tháng Nisan, năm thứ hai mươi triều vua Artexerxê, là trước mặt vua có để rượu, tôi liền nâng rượu dâng lên nhà vua, và bấy giờ tôi tỏ vẻ buồn rầu trước long nhan, nên vua hỏi tôi rằng: "Cớ sao mặt ngươi buồn sầu thế, mặc dầu trẫm không thấy ngươi có bệnh? Sự việc này chẳng phải vô cớ, chắc trong lòng ngươi có điều chi bất an mà trẫm không biết". Tôi quá sợ hãi, liền tâu vua rằng: "Thánh hoàng vạn vạn tuế! Lẽ nào mặt thần không lo buồn, vì thành phố nơi có phần mộ tổ tiên của thần bị bỏ hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu rụi?" Vua mới hỏi tôi rằng: "Ngươi thỉnh nguyện điều gì?" Tôi cầu nguyện cùng Chúa Trời, rồi tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, và tôi tớ đức vua đẹp lòng trước long nhan, thì xin hãy sai thần về Giuđêa, đến thành phố nơi có phần mộ tổ phụ của thần, thần sẽ xây cất lại". Lúc đó có hoàng hậu ngồi bên cạnh vua, nên vua hỏi tôi rằng: "Ngươi đi bao lâu, và chừng nào trở về?" Vua bằng lòng sai tôi đi, và tôi định kỳ hạn với nhà vua.
Tôi tâu vua rằng: "Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin đức vua ban chiếu chỉ cho thần, để thần xuất trình cho các quan cai vùng bên kia sông, hầu các ngài đưa thần đến Giuđêa; lại xin ban chiếu chỉ cho Asaph quan cai rừng cây của đức vua, để người cấp gỗ cho thần hầu có thể làm cửa tháp đền, tường thành và nhà thần cư ngự". Vua ban cho tôi theo như tay nhân lành Chúa ở với tôi.
Tin Mừng - Lc 9,57-62
Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Suy Niệm
Lời Chúa hôm nay nhắc cho tôi biết cái “giá” của việc theo Chúa.
Một người xin đi theo Chúa Giêsu, Ngài không nói về sự sung sướng nhưng nói về sự đau khổ "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu"; nghĩa là theo Chúa phải chịu thiếu thốn. Thiếu thốn ngay cả những điều được cho là tối thiểu: nơi để ở, ngủ nghỉ.
Khi Chúa kêu gọi người ta theo Ngài, Ngài mời gọi họ phải dẹp đi những bận tâm để lòng thanh thoát: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. Như thế, người ta phải chọn việc phục vụ Tin Mừng đem lại sự sống đời đời cao trọng hơn phục vụ cái chết trần gian.
Cuối cùng, Ngài đòi hỏi những ai theo Ngài phải dứt khoát: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa". Dứt khoát là chỉ quyết định một lần chọn Chúa và theo cho đến cùng.
Lạy Chúa theo Chúa không phải là tìm sung sướng đời này. Theo Chúa là phải trả giá. Giá đó là sự thiếu thốn; sự ưu tiên một cho Tin Mừng và sự dứt khoát. Xin Chúa dạy con chấp nhận những “cái giá” này; dù có vẻ chúng khá đắt; nhưng tin chắc sẽ dẫn tới sự sống ngàn thu. Amen.

29/09/2015 Thứ Ba Tuần XXVI Mùa Thường Niên Năm lẻ


Lễ T.T. Micae, Gabrie, Raphael,
PHÚC ÂM: Ga 1, 47-51
Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Bài trình thuật Phúc Âm theo thánh Gioan hôm nay diễn tả sự kiện tông đồ Philipphê muốn thuyết phục người bạn của mình là Nathanaen rằng ông đã tìm thấy Ðấng cứu thế mà Lề Luật và các ngôn sứ đã tiên đoán trước, đó là Chúa Giêsu thành Nazareth, con ông Giuse. Nhưng Nathanaen là người công chính và có lòng tôn kính Thiên Chúa, và cũng như nhiều người Do Thái thời đó ông đang trông chờ Ðấng cứu thế đến. Chính lòng khao khát được trông thấy Ðấng cứu thế đã thúc đẩy ông nghe theo lời của Philipphê mà tới gặp Chúa Giêsu. Ông gặp và tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa vì Ngài đã nhìn thấu được những khát vọng sâu xa trong tâm hồn của ông, đó là lòng ao ước được nhận biết Thiên Chúa và được hiệp thông với Ngài trong sự vinh hiển muôn đời.
Chúa Giêsu đã ban cho Nathanaen một niềm tin mới vào Ðấng cứu thế mà dân tộc Do Thái đã chờ đợi từ lâu là Ngài chính là chiếc thang nối kết giữa Nước Trời với trần gian, như Thiên Chúa đã mở rộng cánh cửa cho tổ phụ Giacóp để đưa ông và dân tộc Do Thái vào Nước Trời với Thiên Chúa hằng sống. Chúa Giêsu cũng mạc khải cho Nathanaen thấy rằng Ngài chính là Ðấng sẽ phải đến để hoàn tất các lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ Giacóp.
Qua mầu nhiệm nhập thể, Con Một Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm cho sự cứu rỗi của nhân loại và thông qua sự cứu rỗi và mầu nhiệm Phục Sinh đã mở rộng con đường cho tất cả nhân loại bước vào một mối liên hệ mới là trở nên các con cái của Ngài. Con Một Thiên Chúa đã mở rộng con đường cho nhân loại đi vào Nước Trời cũng như mang Nưới Trời vào thế gian và vào trong đời sống mỗi ngày của chúng ta, điều đó có nghĩa là Nước Trời hiện diện ở những ai đi tìm kiếm và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa.
Mười hai môn đệ ở kề cận với Chúa Giêsu để được dịp chứng kiến sự kiện Chúa Cha tác động và ngự trên Chúa Con. Sự kết hợp được biểu lộ một cách trọn vẹn nhất qua mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Chính vào giây phút Ngài được nâng lên trên thập giá để bước vào sự vinh hiển muôn đời của Chúa Cha, tất cả chúng ta cũng được gọi để dự phần vào sự mạc khải này và mỗi lần chúng ta cử hành mầu nhiệm hy tế là chúng ta sống lại mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, là vị thượng tế và là con chiên hiến tế trong giao ước mới giữa Chúa Cha và nhân loại.
Lạy Chúa Cha trên trời,
Qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu, Cha đã chỉ đường cho chúng con bước vào Nước Trời như chính Cha đã mạc khải cho các tổ phụ và các tông đồ. Xin Cha cũng tỏ lộ Cha cho tất cả chúng con để chúng con biết làm sáng Danh Cha qua cuộc sống chứng tá hằng ngày. Xin cho chúng con luôn tìm thấy niềm hân hoan trong sự hiện diện của Cha để tận hưởng niềm hạnh phúc và sự sống muôn đời nơi Nước Trời.AMEN.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 26 Thường Niên - B


29/9. Thứ Ba. Lễ Thiên Thần Micae, Gabriel, Raphael. Ðn 7,9-10.13-14; Ga 1,47-51

Bài Ðọc I - Ðn 7,9-10.13-14

Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà; áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuồn cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người: Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Tin Mừng - Ga 1,47-51

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".

Suy Niệm

Qua Lời Chúa ngày hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta chiêm ngắm hình ảnh của các Tổng Lãnh Thiên Thần. Các Ngài là ai?

- Trước hết các Ngài là những thụ tạo vô hình được Thiên Chúa tạo dựng để phụng sự Người: “Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người”.

- Thứ đến, các Ngài còn là những sứ giả của Trời cao và Đất thấp. Ngày xưa, Giacóp mơ thấy chiếc thang nối đất với Trời, trên đó có các thiên thần lên xuống; thì ngày nay, Chúa Giêsu ví mình như Chiếc Thang để trời cao và đất thấp hội ngộ: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người" (Ga 1,51).

Chúng ta đã khá quen thuộc với vai trò của các Tổng Lãnh Thiên Thần. Micae là “chiến binh của Thiên Chúa”, sẽ hỗ trợ chúng ta trong cuộc chiến với các thần dữ. Gabriel là “sứ giả của Thiên Chúa”, giúp chúng ta hiểu điều Thiên Chúa muốn (việc truyền tin cho Mẹ Maria). Raphael là “Thiên Chúa cứu giúp”. Chúng ta hãy tin tưởng và cầu xin các ngài giúp chúng ta chiến đấu với tội lỗi; giúp chúng ta hiểu Lời Chúa và chữa lành chúng ta.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con các Tổng Lãnh Thiên Thần để trợ giúp chúng con. Xin dạy chúng con biết nương nhờ sự trợ giúp của các ngài để được hạnh phúc đời sau và cùng với các ngài phụng sự Chúa muôn đời. Amen.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 26 Thường Niên - B

28/9. Thứ Hai. Dcr 8,1-8; Lc 9,46-50
Bài Ðọc I - Dcr 8,1-8
Có lời Chúa các đạo binh phán rằng: "Ðây Chúa các đạo binh phán: Ta đã ghen tức Sion với lòng ghen tức cực độ; Ta đã ghen tức nó với cơn phẫn nộ quá sức". Chúa các đạo binh còn phán như thế này: "Ta trở về Sion, và sẽ ngự giữa Giêrusalem; Giêrusalem sẽ được gọi là Thành chân lý, và núi Chúa các đạo binh sẽ được gọi là Núi thánh".
Chúa các đạo binh lại phán như thế này: "Sẽ còn có lão ông lão bà cư ngụ trên phố phường Giêrusalem, mỗi người cầm gậy trong tay, vì họ đã cao niên. Các ngả đường thành phố đầy những trẻ nam trẻ nữ chơi trên đường phố". Chúa các đạo binh phán thêm rằng: "Trong những ngày ấy, nếu điều đó làm chướng mắt những kẻ còn sót lại trong dân, chớ thì nó sẽ làm chướng mắt Ta sao?" Chúa các đạo binh phán như vậy. Chúa các đạo binh còn phán rằng: "Này đây Ta sẽ cứu dân Ta thoát khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn. Ta sẽ dẫn chúng về cư ngụ giữa Giêrusalem: Chúng sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, trong chân lý và công chính".
Tin Mừng - Lc 9,46-50
Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".
Gioan lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con".
Suy Niệm
Lời Chúa hôm nay nói với tôi về sự ganh tỵ. Chỉ vì ghen tỵ mà các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng xem ai là kẻ lớn nhất. Và cũng vì ganh tỵ mà Gioan cản ngăn một người không thuộc nhóm mình, nhưng lấy danh Thầy mình mà trừ quỷ.
Từ ganh tỵ sẽ sinh ra óc bè phái, thành kiến và gây nhiều gương xấu nên Chúa Giêsu không tán đồng việc làm của các môn đệ. Ngài dạy họ hãy nên đơn sơ và khiêm nhường như em nhỏ. Từ việc trở nên như em nhỏ, người ta có tâm tư hồn nhiên để bao dung và sống đại đồng hơn.
Chúng ta hay nại vào việc mình thuộc nhóm này nhóm nọ mà loại trừ anh chị em. Xin Chúa dạy chúng ta bao dung hơn để chấp nhận người khác, tránh mọi hình thức ganh tỵ.
Lạy Chúa, mỗi lần đánh giá người khác là con lại so sánh phân tích, hoặc là chấp nhận hay là ganh tỵ và loại trừ. Xin dạy con biết chấp nhận người khác vì chính con cũng được Chúa chấp nhận. Amen.