Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XX Thường Niên B

NGHIỆT NGÃ TRONG ĐỜI SỐNG
1/ Bài đọc I: (Tl 11: 29 - 39a)
29 Thần khí của ĐỨC CHÚA ở trên ông Gíp-tác và ông đã sang Ga-la-át và Mơ-na-se, rồi qua Mít-pa Ga-la-át, và từ Mít-pa Ga-la-át ông qua đánh con cái Am-mon.
30 Ông Gíp-tác khấn hứa với ĐỨC CHÚA rằng: "Nếu Ngài trao con cái Am-mon vào tay con,31 thì -khi con đã thắng con cái Am-mon mà trở về bình an- hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con, người đó sẽ thuộc về ĐỨC CHÚA, và con sẽ dâng nó làm lễ toàn thiêu."
32 Ông Gíp-tác qua bên con cái Am-mon để giao chiến với chúng, và ĐỨC CHÚA đã trao chúng vào tay ông.
33 Ông đánh chúng tơi bời từ A-rô-e cho tới gần Min-nít, tất cả là hai mươi thành, và cho tới A-vên Cơ-ra-mim. Thật là một cuộc đại bại: con cái Am-mon bị hạ nhục trước mặt con cái Ít-ra-en.
34 Khi ông Gíp-tác trở về Mít-pa, về nhà ông, thì này con gái ông ra đón ông, vừa đánh trống vừa nhảy múa. Cô là con gái độc nhất của ông: ngoài cô ra, ông không có con trai con gái nào khác.
35 Thoạt nhìn thấy cô, ông liền xé áo và nói: "Ôi, con gái của cha, thật con làm khổ cha rồi! Chính con lại ở trong số những kẻ gây bất hạnh cho cha! Cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng ĐỨC CHÚA và không thể rút lại được."
36 Cô thưa với ông: "Thưa cha, cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng ĐỨC CHÚA, thì cha cứ thi hành cho con như lời cha đã khấn hứa, vì ĐỨC CHÚA đã cho cha trả thù được con cái Am-mon, kẻ thù của cha." 37 Cô lại nói với cha: "Xin cha cho con điều này là hoãn cho con hai tháng để con đi lang thang trên các núi đồi, mà khóc cho đời con gái của con cùng với các bạn con."
38 Ông nói: "Con cứ đi", và ông để cho cô đi hai tháng. Cô ra đi cùng với các bạn, khóc cho đời con gái của cô trên các núi đồi. 39 Hết hai tháng, cô trở về với cha, và ông thi hành cho cô lời ông đã khấn hứa. Cô chưa biết đến việc vợ chồng. Và đã thành mọi tục lệ trong Ít-ra-en.
2. Phúc Âm: Mt 22: 1-14
1Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2"Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.
4Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!" 5Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.
7Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới."
10Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. 11"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. 13Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."

Suy Niệm
Đứng ở góc độ nào đó, đôi khi chúng ta thấy một ứng xử của tình yêu, người thì cho là mù quáng, thiển cận. Nhưng ở một góc độ khác người ta lại nhận ra đó là một sự đáp trả mãnh liệt, một sự quảng đại không tính toán. Phụng vụ hai bài đọc hôm nay sẽ lý giải cho chúng ta về thái độ đó.
1. Nghiệt ngã của lời thề hứa.
Bài đọc một hôm nay, không phải là một dụ ngôn, cũng không phải là một huyền thoại, nhưng là một câu chuyện thật nơi dân Israen. Khi con cái Israen làm điều dữ trước mắt Đức Chúa, làm tôi các thần ngoại ban. Vì thế Đức Chúa trao họ vào tay các dân ngoại ( Tl. 10: 5-14).
Thủ lãnh Gíp-tác chỉ là một kẻ bỏ rơi, phiêu bạt. Khi ông được thỉ cầu khôi phục lại Israen, trong tay không có quân đội, không vũ trang trái lại phải đối diện với tứ bề vây hãm. Vì thế một lời khấn hứa của ông với Đức Chúa: "Nếu Ngài trao con cái Am-mon vào tay con, thì khi con đã thắng con cái Am-mon mà trở về bình an, hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con, người đó sẽ thuộc về ĐỨC CHÚA, và con sẽ dâng nó làm lễ toàn thiêu." Xem ra điều ông khấn hứa rất đơn giản, so với điều kiện dành cho ông thì quá lớn.
Nhưng điều nghiệt ngã ở chỗ, khi thủ lãnh Gíp-tác thắng trận trở về, người ra đón mừng ông đầu tiên lại chính là người con gái duy nhất của mình. Hẳn là trái tim của ông đã đau xót là nhường nào, và sự oan nghiệt của người con gái trinh tiết cũng thảm thương biết bao.
Sự nghiệt ngã của thủ lãnh Gíp-tác và sự oan nghiệt của người con gái trinh tiết, chúng ta có thể rung động, chặn lòng, đau xót, cảm thông . . . Vậy còn một nghiệt ngã, oan trái lớn hơn nữa mà phụng vụ muốn chúng ta nhận ra, là sự phản bội của nhân loại, của con người và của mỗi chúng ta, mà Thiên Chúa Cha đã phải trao nộp chính người Con Một rất yêu dấu của Ngài, là Đức Giêsu Kitô. Như lời thánh Phaolô trong thư Rôma: "Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?"(Rm 8: 32). Liệu chúng ta có rung động và chặn lòng trước sự nghiệt ngã ấy không? Chúng ta có nhận ra tại vì tôi mà Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa phải gánh lấy oan nghiệt đó không? Mời mọi người cùng suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
2. Nghiệt ngã tiệc hoàng gia
Con người sinh ra để được Thiên Chúa cứu chuộc, và thiên đàng lập ra để được con người chung hưởng vói Thiên Chúa. Hình ảnh dụ ngôn hôm nay Đức Giêsu muốn nói lên điều ấy. Tiệc cưới hoàng gia, Đức vua tha thiết kêu mời "năm lần bảy lượt" những khách mời. Nhưng nghiệt ngã ở chỗ: "Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết". Và hậu quả: "Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng". Đó là số phận những kẻ từ chối nước trời chỉ lo bám víu vào thực tại trần gian, sẽ cùng chung số phận với thành Giêrusalem bị tiêu hủy vào năm 70. Chỉ có bữa tiệc hoàng gia tiếp tục tồn tại, và khách mời vẫn bước vào dự tiệc, họ là những người từ khắp phương trời tiến vào. Nhưng sự oan nghiệt một lần nữa sẩy ra, đó là số phận của kẻ không mặc y phục lễ cưới. Có nhiều lý giải khác nhau về vấn đề y phục, nhưng ở đây điều Đức Giêsu muốn nói đến, là vào nước trời không phải là chuyền tình cờ, cơ hội ăn theo, là chuyện bất đắc dĩ. Nước trời chỉ dằn cho những ai biết chuẩn bị, cho kẻ sẵn sàng, người biết tỉnh thức chờ đợi.


Thiên An

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 20 Thường Niên - B

20/8. Thứ Năm. Thánh Bernađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh. Tl 11,29-39a; Mt 22,1-14
Tin Mừng - Mt 22,1-14
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: 'Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới'. Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: 'Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới'. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: 'Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?' Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: 'Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!' Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".
Suy Niệm
Bài đọc I nghe như câu chuyện cổ tích hấp dẫn, nhưng câu chuyện cổ tích này kết thúc không có hậu. Lời hứa của ông Giéphte trước khi đánh trận với con cái Ammon phải được thực hiện, người con gái duy nhất của ông phải trở thành của lễ toàn thiêu dâng cho Chúa.
Khi nghe điều này có lẽ nhiều người đặt vấn đề: nỡ lòng nào Thiên Chúa lại bắt ông Giéphte phải giữ lời hứa. Hơn nữa ông chỉ lỡ lời trong lúc chưa suy nghĩ đắn đo!
Đó là suy nghĩ, cái nhìn của con người chúng ta. Thật sự khi đọc lại lịch sử cứu độ thời Cựu Ước, có nhiều câu chuyện còn khó hiểu hơn nữa về hành động và ý muốn của Thiên Chúa. Có những câu chuyện cho thấy một Thiên Chúa thật tàn ác, toàn thấy đánh phạt, giết chóc,… Chẳng hạn như trong điều luật của Môsê có lệnh truyền của Thiên Chúa cho dân Israel phải thi hành gọi là ÁN TRU HIẾN VÀ BIỆT HIẾN. Các sinh vật của kẻ thù đều phải bị tiêu diệt hiến tế dâng mạng sống cho Thiên Chúa (tru hiến); các đồ vật phải được dành riêng dùng vào việc thờ phượng trong nơi thánh (biệt hiến). Biệt hiến cũng mang nghĩa là một là lời khấn, qua đó người ta tình nguyện dâng hiến dứt khoát (không thể hồi lại) một vật gì đó (như: người, súc vật hay của cải) cho Thiên Chúa. Và đây chính là trường hợp của con gái ông Giéphte trong bài đọc I hôm nay.
Như vậy, chỉ xin tóm lại một điều: “Đây là một chủ đề tôn giáo nhằm đề cao sự tinh ròng của niềm tin vào Thiên Chúa, sự trung tín với giao ước; nó cho thấy một sự suy tư hậu thời về các biến cố đã xảy ra rất lâu trong quá khứ, và như vậy nó mang tính lý thuyết hơn là đã xảy ra trong thực tế lịch sử. Sau nhiều thế kỷ sống chung với các dân ngoại, dân Israel nhiều lần đã bị sa ngã vào tội thờ tà thần của họ và bắt chước lối sống vô luân của họ, nên tác giả hai sách Đệ Nhị Luật và Giôsuê muốn nêu cao lối sống nghiêm nhặt của cha ông là tuyệt đối không chấp nhận ảnh hưởng của dân ngoại. Điều này giống như một lý tưởng tôn giáo được đề ra để dạy dân Israel trong các thời đại sau này mà thôi.”
Trở lại với câu chuyện trong bài đọc, chúng ta có thể thấy được lòng trung tín của ông Giéphte và người con gái ông. Ông chấp nhận đánh đổi tất cả, dù là đứa con gái duy nhất của mình để tỏ lòng trung tín với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con giật mình khi nhìn lại đời sống đạo của mình, có biết bao điều chúng con hứa hẹn với Chúa, nhưng ít khi chúng con nhớ mà tuân giữ; chúng con vội hứa rồi cũng vội quên. Chúng con xin lỗi Chúa, xin Chúa thứ tha. Amen!


20.8.2015 – Thứ năm Tuần 20 Thường niên


Lời Chúa: Mt 22, 1-14

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” Ðầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Bấy giờ, nhà vua bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.”
Suy niệm:
Thiên Chúa luôn mong muốn con người được hạnh phúc. Và hạnh phúc con người có được từ nơi Thiên Chúa là sự sống. Một hạnh phúc rất lớn lao mà con người khó có thể sống đáp đền cho cân xứng.
Tin Mừng hôm nay diễn tả một niềm vui lớn lao mà Thiên Chúa đã mời con người tham dự: “Một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”. Một tiệc cưới đặc biệt. Một ân ban trọng thể. Tiệc cưới diễn tả thời đại Đấng Cứu Thế đến để cứu chuộc nhân loại. Và đó là một bữa tiệc lớn mà Thiên Chúa đã tổ chức để mời gọi chúng ta tham dự bằng cách gia nhập Hội Thánh của Người. Để khi được sống trong Hội Thánh chúng ta được chăm sóc, được chuẩn bị tham dự Tiệc Cưới Nước Trời, và niềm vui thật lớn lao, hạnh phúc thật tràn đầy cho chúng ta.
Nhưng đôi khi con người lại từ chối lời mời của Chúa !
Bằng sự chai lì, khô khăn trong cách sống đạo, con người viện đủ lý do để từ chối Chúa: kẻ đi thăm trại, người đi buôn, tệ hơn có khi “bắt các đầy tớ của vua mà xỉ nhục và giết đi”. Bó tay!
Thiên Chúa đã quan phòng đủ mọi phương diện qua Hội Thánh, để con người được bảo đảm đủ điều kiện hưởng sự sống đời đời, mà con người không tận dụng tốt những điều kiện phương tiện Thiên Chúa ban, thì đó quả thực là một sự chai lỳ khó có thuốc để chữa. Tệ hơn nữa, đôi khi có những Ki-tô hữu bất trung với ơn Chúa nên đã có những hành vi độc ác bách hại Hội Thánh Chúa. Đó là những phần tử Ki-tô hữu biến chất.
Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người và con người có trách nhiệm khi sử dụng tự do của mình. Lời Chúa hôm nay chúng ta có thể hiểu về trách nhiệm cá nhân của tất cả mọi người đã được phúc tin Chúa và gia nhập Hội Thánh. Tất cả đều được gọi vào Hội Thánh, nhưng chỉ những ai chấp nhận trách nhiệm đức tin trong Hội Thánh mới được chọn hưởng cuộc sống đời đời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con có một đức tin vững vàng, nhạy bén trước lời mời gọi của Chúa, và xin cũng giúp cho chúng con biết sống theo những điều chúng con tin để nhờ đó chúng con được sống đời đời. Amen.

19/08/2015 Thứ Tư Tuần XX Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Mt 20, 1-16a
"Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
"Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: 'Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng'. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
"Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: 'Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?' Họ thưa rằng: 'Vì không có ai thuê chúng tôi'. Ông bảo họ rằng: 'Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta'.
"Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: 'Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết'. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: 'Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?' Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: 'Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?'
"Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết". Đó là lời Chúa
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu truyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?". Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.AMEN.

THỨ TƯ TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN


Mt 23,27-32
"Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp,
nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế."
(Mt 23,27)
Hai lời khiển trách thứ sáu và thứ bảy:
1. Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ để mô tả về cách sống đạo hình thức,giả hình và sự thiếu trung tín của người Do Thái. Và việc họ xây mồ mả cho các ngôn sứ (Mt 23,29-32) để phủi tay trước những việc làm ác độc của tổ tiên. Thực ra, họ còn ác độc hơn cả tổ tiên của họ, vì họ đang âm mưu giết Chúa Giêsu.
Con người luôn muốn tự khẳng định mình nên nhiều khi những việc làm như thế đã trở nên phô trương, lố bịch và vô nghĩa.
Người ta kể lại rằng: Văn sĩ Pháp Alexandre Piront qua đời năm 1773 thường có thói quen đi dạo trong khu vườn Boulogne, giữa thủ đô Paris. Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa vào một bức tường. Chỉ một lát sau, ông ngạc nhiên vô cùng, vì ông thấy trong đám đông những người đi dạo, có một vài người đi đến gần ông ngả nón chào. Cũng có một vài người còn bái cả gối nữa. Nhà văn đã mỉm cười đáp lại những cảm tình khách qua đường dành cho ông. Ông không ngờ là ông được nhiều người mộ mến như thế. Ông mong sao có một số bạn bè trong văn đàn chứng kiến được cảnh tượng này, để thấy vinh quang mà ông đã đạt được.
Nhà văn đang say sưa với bả vinh hoa, thì chợt trong đám người bái chào đó, có một bà lão để lộ thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người, bà lão này cúi đầu chào rồi tiến tới gần ghế đá, bà thầm thì nói những gì trong miệng mà nhà văn không hiểu được, rồi ngước mắt nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn cũng đưa mắt nhìn lên phía trên bức tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng: trên đầu ông có một tượng Thánh Giá. Thì ra những người đi dạo khi đi đến đó đã dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên Thập Giá. Hổ thẹn vì khám phá này, Alexandre Piront đứng dậy bỏ đi nơi khác.
Vâng! Con người cứ mãi trang điểm cho mình những giá trị giả dối.
2. Vậy thì điều mà Chúa muốn là gì? Thưa là một đời sống đạo đức thực sự.
Giữa khu rừng âm u có tu sĩ nổi tiếng thánh thiện và có nhân đức hiền lành, dịu dàng lạ lùng.
Một người ngạo ngược nghe nói tu sĩ hiền lành lạ lùng như vậy, y không tin và nói: tất cả những cái đó chỉ là giả tạo và tôi sẽ làm cho cái màn giả hình đó phải rơi xuống.
Hôm sau, từ sáng sớm tinh sương, y đã lên đường đến chỗ ẩn sĩ ở. Nhà tu hành có nuôi một con chó để ban đêm, nếu có thú vật nào đến để phá hại rau cỏ thì nó sủa đánh thức chủ dậy. Hôm đó, khi thấy người lạ đến, con chó con chạy ra sủa. Ẩn sĩ ở trong nhà bước ra chào và đón tiếp vị khách lạ. Nhưng như để chọc giận thánh nhân, người hung ngược kia nắm ngay lấy con chó mà quật chết. Thấy vậy, ẩn sĩ quì xuống dưới chân kẻ bạo tàn và nói:
- Bạn ơi, chính tôi đã nuôi con chó này, và tôi rất tiếc vì nó đã làm cho bạn nổi giận.
Tức bực vì chưa đạt được tới mục đích của mình, kẻ bạo ngược trông thấy trong vườn có những cây rau và hoa đẹp chính tay ẩn sĩ đã trồng, lại xông vào đạp phá và quẳng vất lung tung, nhưng ẩn sĩ vẫn thản nhiên nhìn xem và không hề tỏ dấu gì tức giận.
Thấy vẫn chưa được việc gì, y càng điên tiết, trèo lên nóc nhà, dỡ mái quăng rui mè và xô đổ cả tường vách, mãi cho đến khi mỏi tay mới thôi. Song nhà tu hành vẫn bình tĩnh và đưa con mắt yêu thương nhìn y. Thấy y mệt nhọc, mồ hôi nhễ nhãi. Đoán rằng, y cần phải uống nước, tu sĩ xách lọ đi ra giếng, múc nước mát về mời y uống.
Trước cử chỉ thánh thiện và nét mặt điềm đạm lạ thường ấy, chàng hung bạo mà trái tim mãi đến nay vẫn trơ như đá, bắt đầu cảm thấy hổ thẹn và hối tiếc. Y rất cảm phục nhân đức của người tu hành và đến xin lỗi:
- Thưa cha, xin cha tha thứ cho những việc điên rồ con vừa mới làm, bây giờ con nhìn thấy có Chúa ở trong cha, và con đây thật là một đứa con tội lỗi và bạo ngược. Cha đã lấy sự lành mà báo sự dữ: chỉ có Chúa mới khiến được lòng người ta ra như thế mà thôi.
Từ đó, kẻ vô nhân đạo kia bắt đầu cải tà qui chính, rồi xin ở lại làm đầy tớ nhà tu hành để được sống gần tu sĩ cũng như để bắt chước nhân đức của ngài.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con. Amen.

THỨ BA TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN


Mt 23,23-26
"Hỡi người Pharisêu mù quáng kia,
hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã,
để bên ngoài cũng được sạch."
(Mt 23,26)
1. Lời khiển trách thứ tư và thứ năm:
a. Về việc nộp thuế thập phân (Mt 23,23-24).
Để tỏ ra mình thông thái và nhiệt tình với lề luật, các luật sĩ và Pharisêu đã buộc người ta những cái tỉ mỉ, phụ thuộc như thì là, rau húng vv.. mà không hề nói đến những điều cơ bản và chính yếu của luật, đó là công bình, lòng nhân ái và thành tín.
b. Về việc rửa sạch bên ngoài chén dĩa (Mt 23,25-26).
Các luật sĩ và Pharisêu rất coi trọng việc rửa tay chân, chén dĩa và đã từng tranh luận với Chúa Giêsu về vấn đề này (Mt 15,10-20). Chúa Giêsu nói điều quan trọng là phải tẩy rửa nội tâm khỏi sự ham hố (trộm cắp và vô độ) là những chướng ngại khiến người ta mất tự chủ và chỉ lo tới bề ngoài.
2. "Những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín":
a. Thí dụ vấn đề Công bình: Nhiều khi chúng ta tưởng: Trộm cắp của công và của riêng, gian lận mới là lỗi đức công bình. Còn những việc như 10 giờ tối mà còn kèn trống om xòm, kinh kệ to tiếng, đang lúc những người khác cần sự thinh lặng để nghỉ ngơi để ngày mai còn phải đi làm sớm…là những việc không sao cả. Công bình mà nói thì người ta cũng có quyền được hưởng sự thinh lặng chứ.
Tại cửa hàng một thị trấn nhỏ, một thanh niên cao lớn nhanh nhẹn đứng bán hàng. Ngày nọ, có bà già nhà quê vào mua hàng. Cậu trao cho bà món hàng và lấy tiền. Tối hôm đó, khi kiểm tra tiền, cậu thấy dư ra vài xu. Cậu cố nhớ lại những người mua ngày hôm đó, và thấy số tiền dư đúng là của bà già nọ. Cậu đặt mấy xu đó vào túi, lấy mũ, đóng cửa và đi bộ lại nhà bà già cách đó 3 dặm và trả lại cho bà. Cậu thiếu niên đó chính là Abraham Lincoln, sau là tổng thống Hoa Kỳ (Góp nhặt).
b. Rồi về vấn đề lòng nhân: Đâu phải chúng ta dám mở rộng tay để giúp đỡ, bố thí cho những người cần đến chúng ta mới là lòng nhân. Còn những việc như chúng ta chửi rủa nhau, lên án nhau, nói hành, nói xấu nhau, dèm pha nhau, không phải là những việc trái với lòng nhân sao.
Trịnh Tự , vợ của Sở Hoài Vương, muốn hạ tình địch của mình, thì nói cùng nàng ra vẻ thân mật:
- Nhà vua có tính không thích người khác thở hơi vào mình, nên khi vào hầu vua thì phải giữ ý bịt mũi lại!
- Mỹ nữ nghe theo: mỗi lần tới hầu vua là lấy tay bịt mũi. Nhà vua lấy làm lạ hỏi thì Trịnh Tự mau mắn thưa:
- Người ấy sợ nhà vua thân thể hôi hám nên mới có cử chỉ như vậy!
Vua sở liền nổi giận, truyền đem mỹ nữ ra ngoài cắt mũi đi!
Hãy cẩn thận kẻo những lời nói do lòng ghen ghét hay những việc làm thiếu tình yêu thương của chúng ta, làm hại hay xúc phạm tới anh chị em chúng ta!
c. Và cuối cùng, là vấn đề thành tín: Thành tín đâu chỉ là không lường gạt ai, không giữ lời hứa, hoặc bất trung, bất tín. Thực ra thành tín còn là cái gì hơn thế nữa như biết chấp nhận lẽ phải, biết tôn trọng quan điểm của người khác kể cả của Chúa và Giáo Hội.
Vào năm 1981, tờ Nữu Ước Thời báo, đề nghị chính phủ Hoa Kỳ nên trả lương hưu trí và gắn huy chương cho ông cụ người Trung Hoa, 75 tuổi. Ông cụ không phải một nhà chính trị, quân sự kinh tế, mà chỉ là một người lao công bình thường, làm việc cho một lãnh sự quán Hoa Kỳ tại một thị trấn nhỏ bên Trung hoa.
Khi Hoa Kỳ cắt đứt liên hệ ngoại giao với Trung hoa, lãnh sự quán này bị đóng cửa và trong suốt 35 năm, ông cụ mỗi ngày đến quét sân vườn và lau sàn nhà một lần. Tờ Nữu ước Thời báo viết: "Một người thiếu trung tín chắc chắn sẽ lập luận rằng: Thôi, cần chi quét lá cây mỗi ngày cho mệt, có ai biết đâu? Nhưng ông cụ này trung tín làm bổn phận suốt 35 năm, mặc dù không nhận được lương và không có ai kiểm soát".
Tổng thống A.Lincoln nổi tiếng là người chẳng những cư xử chính trực, mà còn biết tôn trọng lời hứa.
Ngày nọ, một ông lớn có tật nói mà không giữ lời, đến thăm Tổng thống. Để dụ khị đứa con nhỏ của tổng thống đến ngồi vào lòng, ông hứa là sẽ cho nó chiếc vòng đeo tay. Chú bé nghe thấy thế liền đến ngồi vào lòng ông ta. Cuối cùng, khi người ấy chuẩn bị ra về, tổng thống hỏi:
- Anh đã thực hiện lời hứa với con tôi chưa?
- Hứa gì?
- Tôi nghe anh hứa sẽ cho nó chiếc vòng mà!
- Ồ đâu được, chiếc vòng này là đồ gia bảo của tôi mà.
Tổng thống nghiêm nghị nói:
- Anh hãy cho nó đi. Tôi không muốn con tôi nghĩ rằng, bố nó giao du với hạng người không biết giữ lời hứa.
Ông nọ đỏ mặt, đau khổ tháo chiếc vòng, trao cho chú bé và tiu nghỉu ra về với bài học đắt giá mà chắc suốt đời không thể nào quên.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 20 Thường Niên - B

18/8. Thứ Ba. Tl 6,11-24a; Mt 19,23-30

Bài Đọc I - Tl 6,11-24a

Trong những ngày ấy, Thiên thần Chúa đến ngồi dưới gốc cây sồi ở đất Êphra, thuộc sở hữu của ông Gioas, tổ gia tộc Abiêzer. Khi ấy, Giêđêon, con trai của ông, đang đập và rê lúa trong nhà ép nho để tránh mắt quân Mađian, thì Thiên thần Chúa hiện ra với ông và nói rằng: "Hỡi người dũng sĩ, Chúa ở cùng ngươi". Giêđêon thưa lại rằng: "Thôi, xin Ngài, nếu Chúa ở cùng chúng tôi, tại sao chúng tôi phải chịu tất cả những sự này? Nào đâu những việc kỳ diệu của Chúa mà cha ông chúng tôi đã kể lại cho chúng tôi mà rằng: 'Chúa đã dẫn chúng ta ra khỏi Ai-cập'? Nhưng nay Chúa lại bỏ rơi chúng tôi và trao chúng tôi vào tay quân Mađian". Chúa nhìn ông mà phán rằng: "Ngươi hãy mạnh mẽ tiến đi mà giải thoát Israel khỏi tay quân Mađian: chính Ta sai ngươi đó". Ông thưa lại rằng: "Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel? Đây gia đình con là gia đình rốt hết trong chi tộc Manassê, và con là con út trong nhà cha con". Chúa phán cùng ông rằng: "Ta sẽ ở cùng ngươi: ngươi sẽ đánh ngã quân Mađian như đánh một người vậy". Ông thưa rằng: "Nếu con đẹp lòng Chúa, thì xin Chúa ban cho con một dấu chứng rằng chính Chúa phán dạy con. Xin Chúa chớ lìa khỏi nơi đây cho đến khi con trở lại cùng Chúa, mang theo của lễ dâng lên Chúa". Chúa đáp lại rằng: "Ta sẽ đợi ngươi trở lại".

Vậy Giêđêon vào nhà làm thịt một con dê đực, lấy một đấu bột làm bánh không men: để thịt vào giỏ, đổ nước thịt vào nồi, mang các món đó đến dưới cây sồi mà dâng cho Chúa. Thiên thần Chúa bảo ông rằng: "Ngươi hãy đem thịt và bánh không men đặt trên tảng đá kia, rồi đổ nước thịt lên trên". Khi ông làm như vậy, thì Thiên thần Chúa giơ cây gậy Người cầm trong tay lên và chạm đến thịt và bánh không men, tức thì có lửa từ tảng đá bốc lên thiêu đốt thịt và bánh không men. Thiên thần Chúa liền biến đi khuất mắt ông. Giêđêon nhận biết đó là Thiên thần Chúa, liền thưa rằng: "Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con đã nhìn thấy Thiên thần Chúa nhãn tiền". Chúa phán cùng ông rằng: "Bình an cho ngươi. Đừng sợ, ngươi không chết đâu". Giêđêon liền dựng một bàn thờ dâng kính Chúa, và gọi bàn thờ đó là "Bình an của Chúa".

Tin Mừng - Mt 19,23-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời". Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: "Vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được". Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: "Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?" Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết".

Suy Niệm

Suy niệm bài đọc I trích sách Thủ Lãnh hôm nay, điều làm cho tôi được đánh động chính là cụm từ “Ở cùng”, hai lần thiên thần Chúa nói với Giêđêon. Cụm từ này Chúa cũng nói với Môsê (Xh 3, 12), Giêrêmia (Gr, 8. 19), Isaia (Is 41,8-10; 43,5) và gần gũi hơn hết là chọn gọi Phaolô, Đức Mẹ Maria khi Thiên Chúa kêu mời thực thi sứ vụ của Ngài. Cụm từ: “Ở cùng” như là lời bảo đảm cho sứ vụ của những người thực thi sứ mạng Chúa giao. Hầu như ai cũng ý thức thân phận của mình quá thấp bé trước sứ mạng của Chúa. Ông Môsê thì cứ chối miết, nào là con ngọng nghịu, con dỡ,... Ông Giêrêmia thì tự thấy mình bất tài, quá trẻ, không biết ăn nói. Ở đây, ông Giêđêon cũng vậy, ông khước từ ngay: “Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel? Đây gia đình con là gia đình rốt hết trong chi tộc Manassê, và con là con út trong nhà cha con”(Tl 6, 15). Thế nhưng, có Thiên Chúa “ở cùng” thì mọi sự đều “ok” hết.

Nhìn vào đời sống con người nói chung, đặc biệt qua hành trình theo Chúa chắc hẳn nhiều người cũng đã cảm nghiệm sâu sắc lời bảo đảm đó. Và có thể nói, nguồn động lực chính yếu cho chúng ta luôn bám vào mỗi khi gặp thử thách, gian nan chính là lời bảo đảm này; xác tín rằng Chúa luôn hiện diện, luôn ở cùng và luôn đồng hành trong cuộc đời.

Thật sự như vậy, Chúa hiện diện không chỉ qua những niềm vui, hạnh phúc hay thành công; nhưng còn qua những nổi buồn, đau khổ và thất bại. Đây cũng chính là điều mà mỗi Kitô hữu phải luôn luôn xác tín, coi là kim chỉ nam cho đời sống của mình.

Lạy Chúa, cuộc sống với biết bao điều lo toan vất vả, khiến chúng con nhiều khi cảm thấy ngao ngán và dễ dàng chán nản thất vọng. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, dù cuộc sống có thế nào thì chúng con vẫn có Chúa luôn ở cùng, ở bên, luôn đồng hành cùng chúng con. Amen!