Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

25.10.2015 – Chúa nhật 30 Thường niên, Năm B

Lời Chúa: Mc 10, 46-52
Hôm ấy, Khi Ðức Giêsu cùng với các môn đệ và đám đông dân chúng ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người hành khất mù, tên là Báctimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. Vừa nghe nói đó là Ðức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!”
Ðức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Ðức Giêsu. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

Bài Tin mừng hôm nay rất quen thuộc đến nỗi gần như ai cũng thuộc lòng. Nhưng nếu đọc như một câu truyện bình thường, chúng ta dễ dàng bỏ qua điều cốt yếu. Thật vậy, nó chứa đựng một tin mừng cho mọi người chúng ta hôm nay, và mời gọi mọi người phải khám phá. Thánh Mac-cô nói với chúng ta về một người hành khất mù lòa ngồi bên vệ đường dẫn ra thành Giê-ri-cô. Anh ta ngồi im bất động tránh xa những người qua đường. Sự tàn tật của anh đã lấy khỏi anh hạnh phúc đích thực. Trong cảnh cô đơn cùng cực ấy anh đã cố kêu cứu với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa Giê-su, con vua Đa-vít, xin thương xót tôi”.
Ba-ti-mê là một trong những người may mắn được Chúa Giê-su cứu chữa. Nhưng mỗi người trong chúng ta có thể đặt câu hỏi: Một người mù được Chúa Giê-su chữa lành cách đây 20 thế kỉ thì tốt cho anh ta, chứ có  liên can gì đến tôi đâu! Ngày nào, truyền hình cũng chuyển đến cho chúng ta những hình ảnh thời sự buồn thảm. Chưa đủ hay sao mà Tin mừng hôm nay còn nói với chúng ta về một cuộc đời bất hạnh như thế! Người ta tự hỏi nếu chọn những vấn đền thực tế hơn với đời sống chúng ta có tốt hơn không?
Thế mà Lời Chúa lại muốn chúng ta lắng nghe thì sao? Ba-ti-mê, chính là hiện thân nơi mỗi người chúng ta. Người mù, là chính chúng ta. Biết bao lần chúng ta mù lòa trước các dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa, như một nụ cười, một tình thân ái. Rồi bản thân chúng ta cũng vậy, nhiều khi chúng ta có cảm tưởng: “Tôi không biết mình đang ở đâu. Tôi đang mất phương hướng. Tôi không còn thấy rõ nữa. Có nhiều người tôi không muốn thấy mặt, như gia đình hay một người lân cận nào đó. Vậy là rõ ràng có nhiều điều khiến chúng ta mù lòa trong cuộc sống.
Tin mừng cho biết, người mù cũng là người ăn xin. Và người ăn xin cũng là mỗi người trong chúng ta. Hoặc đúng hơn, chúng ta phải là người ăn xin. Đây không phải là chìa tay xin của bố thí. Kiểu ăn xin mà chúng ta phải mơ ước là mở rộng tâm hồn và sẵn sàng đưa tay về phía Thiên Chúa để khỏi phải cam chịu kiếp sống mù lòa. Đó là kiểu ăn xin các mối phúc mà chúng ta đã nghe trong lễ Các Thánh: Phúc cho những ai nghèo khó trong tâm hồn, những ai hoàn toàn hướng về phía Chúa và rộng mở trước tình yêu phong phú của Người. Những người đó sẽ được no thỏa.
Những người chung quanh to nhỏ với nhau thế nào mà Ba-ti-mê đã nghe được, và anh biết Đức Giê-su Na-za-rét sắp đi ngang qua đó. Ngày hôm nay cũng thế, Chúa Giê-su cũng còn đi ngang qua trên các nẻo đường chúng ta đi. Chúng ta nghe tiếng bước chân Ngài nhưng không nhìn thấy Ngài. Ngài hiện diện nơi Ngài được loan báo, ở mọi nơi người ta họp nhau để cầu nguyện, để lắng nghe và nói về Ngài.
Tiếc thay, nhiều khi chúng ta bỏ lỡ cơ hội gặp Ngài. Có thể vì hờ hững, nhưng cũng có thể vì thiếu quan tâm. Như trong Tin mừng hôm nay, có thể có những người bàn ra và làm cho chúng ta nản lòng, họ nói với chúng ta rằng đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô không còn cần thiết nữa. Nhiều khi chính thái độ và lời nói của chúng ta cũng cản trở những người tìm kiếm Chúa.
Bất chấp tất cả những khó khăn đó, Ba-ti-mê vất áo choàng, hớn hở chạy đến quì dưới chân Chúa Giê-su, và tin tưởng kêu lên: “Lạy Chúa, xin làm cho con được thấy!”. Thỉnh thoảng chúng ta không biết làm thế nào để cầu nguyện, dù là rất đơn giản. Chỉ cần theo gương Ba-ti-mê, nói với Chúa ước muốn được thấy, ước muốn nhìn thấy thực tại thế gian qua ánh sáng Tin mừng, ước muốn được thấy những thực tại của cuộc sống như Thiên Chúa thấy, ước muốn thấy những người chung quanh chúng ta với cái nhìn của chính Chúa Giê-su. Vâng, lạy Chúa, xin làm cho con được trông thấy!
Rồi chúng ta nghe Chúa Giê-su nói: “Hãy đi, đức tin con đã cứu con!”. Ba-ti-mê được Chúa Giê-su chữa lành. Thay vì bình an quay trở về nhà mình, anh ta lên đường theo Chúa Giê-su. Điều đó có nghĩa là không những anh được chữa lành mà còn được cứu độ nữa. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su đã mang lại một ý nghĩa mới cho đời sống của anh. Khi gặp Đức Ki-tô và nhận ra tình yêu của Ngài, người ta không có thể làm gì khác hơn là đi theo Ngài. Cuộc gặp gỡ ấy đưa chúng ta đến tiếp xúc với Thiên Chúa Cha. Và chính nhờ Chúa Giê-su mà chúng ta đến cùng Cha, vì Ngài là đường và ánh sáng của chúng ta.
Tin mừng của Chủ nhật hôm nay là ơn cứu độ được hoàn thành trong Chúa Giê-su Ki-tô, và hoàn toàn do ân sủng của Thiên Chúa. Cũng như đối với Ba-ti-mê, chúng ta chỉ cần đứng dậy gặp Ngài đang đến. Ơn cứu độ được thực hiện một lần, nhưng Thiên Chúa không muốn cứu chúng ta mà không có chúng ta. Ngài ban cho chúng ta vinh dự được cộng tác với Ngài. Trong Tiệc Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su tự hiến ban cho tất cả mọi người. Khi ban cho chúng ta cuộc sống nhân loại và thần linh, Ngài chữa lành chúng ta khỏi tội lỗi khiến chúng ta mù lòa. Và cũng như Ba-ti-mê, chúng ta có thể đi theo Ngài trong cuộc sống hằng ngày và làm chứng cho niềm hi vọng đang linh hoạt chúng ta nơi những người sống chung quanh.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc


THỨ SÁU TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN B

Lc 12,54-59
Ca dao Việt Nam có câu:“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”
Đây là kinh nghiệm đúc kết của ông cha ta dựa vào quan sát từ năm này qua năm khác. Nhưng sau này chúng lại được giải thích hết sức khoa học. Về mặt vật lý, cánh chuồn chuồn được cấu tạo rất mỏng, còn khi trời sắp mưa độ ẩm trong không khí là rất cao. Chính vì vậy, hơi nước ngưng tụ thành những hạt li ti, đậu trên cánh của chuồn chuồn khiến chúng không thể bay cao được. Ngoài ra, tập tính sinh sản của chuồn chuồn cũng có thể dùng để giải thích hiện tượng này. Chuồn chuồn thường đẻ trứng vào mùa mưa và đẻ trên mặt nước. Chính vì vậy, ta thường thấy chúng lượn lờ trên mặt nước mỗi khi mưa sắp đến. 
Nhà nông Việt Nam chúng ta cũng có những kinh nghiệm đoán biết thời tiết rất hay để gieo trồng cho đúng thời đúng vụ. Chẳng hạn: “Đêm trời tan, trăng sao không tỏ, ấy là điềm mưa gió tới nơi. Đêm nào sao sáng xanh trời, ấy là nắng ráo yên vui suốt ngày. Những ai chăm việc cấy cầy, Điềm trời trông đó, liệu xoay việc làm”. Hay : “Kiến đen tha trứng lên cao, Thế nào cũng có mưa rào rất to.” 
Trang TM chúng ta vừa nghe, khi tiên báo về ngày giờ của Chúa sẽ đến, một người trong đám đông dân chúng tiến lại đặt câu hỏi với Chúa Giêsu để biết khi nào thì các sự ấy xảy ra. Chúa Giêsu liền nhắc họ cách đoán biết thời tiết để nhận ra những dấu chỉ. “Khi các ngươi thấy mây kéo lên ở phía tây, các ngươi nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: “Trời sẽ oi bức”. Và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?”
Chúa Giêsu lên tiếng khen người Do Thái, họ rất giỏi về thiên văn, đoán biết được các hiện tượng tự nhiên, các điềm lạ dựa vào sự xuất hiện của tinh tú, sự thay đổi của thời tiết, mưa nắng...Thế nhưng họ lại là những kẻ giả hình vì không nhận ra ngày giờ của Chúa. Họ suy nghĩ có lý luận chặt chẽ và thường kiểm chứng bằng khoa học nhưng tiếc thay họ lại thiếu đi niềm tin.
Quả thật, đoán biết thời tiết để tiên liệu cho công việc là điều cần thiết. Nhưng người khôn ngoan phải biết nhìn xa trông rộng, nghĩa là không chỉ sắp xếp công việc đồng áng mà còn phải thu xếp được hiện tại và hoạch định kế hoạch cho cuộc sống vững bền mai sau. 
Lời Chúa hôm nay đang chất vấn lương tâm mỗi người chúng ta về thái độ sống thế nào để khi thời giờ của Chúa đến, chúng ta không phải nuối tiếc. Đôi lúc chúng ta giả vờ hay cố tình lãng quên lời dạy của Chúa. Chúng ta mải mê điên cuồng đuổi theo những gì là phù hoa hư ảo, chạy theo cơn cám dỗ của tiền bạc vật chất, đam mê xác thịt mà không sống và tìm kiếm những giá trị Tin Mừng. Chúa nhắc nhở chúng ta quan sát những điềm thiêng dấu lạ để nhận biết ngày giờ của Chúa.
Dấu chỉ thời đại không chỉ là sự thay đổi của thời tiết, các vì tinh tú trăng sao, nhưng còn là những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống xã hội hàng ngày. Nạn tham nhũng, bất công, nạn phá thai cùng lối sống hưởng thụ thác loạn của giới trẻ...đang là tiếng chuông cảnh báo về ngày tận cùng của thế giới. Đứng trước những vấn đề nhức nhối ấy, niềm tin như bị tê liệt, chúng ta dường như phải “bó tay”. Hãy để cho ánh sáng Tin Mừng của Chúa soi rọi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và lương tâm con người. Chúng ta sẽ làm gì để thức tỉnh những con người đang sống trong mê lầm tội lỗi?
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta hướng giải quyết đó là phải có thái độ sống công bằng, yêu thương bác ái với mọi người và phải sám hối mỗi ngày. Mỗi người chúng ta luôn phải trả lẽ trước mặt Chúa về thái độ sống của chính mình.
Chớ gì chúng ta biết dùng những khả năng Chúa ban nhận ra những dấu chỉ của thời đại mà có thái độ sống tích cực hơn, biết giữ tâm hồn trong sạch, hành động ngay chính để khi ra trước tòa Chúa, chúng ta không phải hối tiếc vì những gì đã xúc phạm đến Chúa và mọi người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sáng suốt nhận ra con đường đúng đắn cho cuộc đời. Xin giúp chúng con biết chọn lựa Chúa là gia nghiệp hơn là những thú vui mau qua đời này.Amen.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 29 Thường Niên - B

24/10. Thứ Bảy. Rm 8,1-11; Lc 13,1-9
Bài Ðọc I - Rm 8,1-11
Anh em thân mến, giờ đây không còn gì là án phạt dành cho những ai ở trong Ðức Giêsu Kitô: vì những kẻ ấy không còn sống theo xác thịt. Bởi chưng lề luật của Thánh Thần ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi lề luật sự tội và sự chết. Ðiều mà lề luật không thể làm được, vì bị xác thịt làm cho ra yếu đi, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và để phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi, và phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi trong xác thịt, khiến cho ơn công chính của lề luật thành tựu đầy đủ trong chúng ta, là những người không còn sống theo xác thịt, nhưng theo tinh thần. Vì những ai sống theo xác thịt, thì tưởng ước những sự thuộc về xác thịt: còn những ai sống theo tinh thần, thì tưởng ước những sự thuộc về tinh thần. Mà tưởng ước của xác thịt là sự chết, còn tưởng ước của tâm thần là sự sống và bình an. Vì chưng sự khôn ngoan của xác thịt là thù nghịch với Thiên Chúa: bởi nó không tùng phục lề luật của Thiên Chúa: vả lại nó cũng không thể tùng phục được. Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.
Tin Mừng - Lc 13,1-9
Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
Suy niệm
Thánh Phaolô khẳng định tính đối kháng giữa xác thịt và Thần Khí. Xác thịt dẫn đến sự chết. Thần khí dẫn đến sự sống và bình an. Và ai sống theo Thần Khí của Đức Giêsu, sẽ được Đức Giêsu đưa vào sự sống mới.
Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu kêu gọi sự sám hối, sự chọn lựa sống theo Thần Khí. Và sự sám hối này phải được thực hiện cách khẩn thiết. Sự chờ đợi và nỗi mong của người làm vườn chính là sự chờ đợi và nỗi mong của Thiên Chúa: mong con người sớm hoán cải, từ bỏ điều xấu và sống cuộc đời tốt lành hơn.
Mong sao, tôi nhận ra được mỗi biến cố của đời sống đều là tiếng Chúa nhắc nhở tôi, mời gọi tôi.
Mong sao, tôi biết đón nhận sự dẫn dắt của Lời Chúa, của Luật Chúa, luôn với một lòng tin rất mạnh và một tình yêu rất lớn.