Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

NGƯỜI MẸ và ĐỨA CON


Có một người mẹ và một đứa con. Người mẹ thì xấu xí, gò má gầy còm, và có một con mắt bị chột. Người mẹ hàng ngày bán vé số để nuôi con ăn học, và hằng ngày vẫn đón con đi học về sau khi bán vé số xong.
Người con thì mặc cảm với bạn bè trong lớp nên đã nói với mẹ rằng:“con không muốn mẹ đón con ở cổng trường nữa, mẹ hãy đón con cách xa cổng trường một chút để bạn bè không nhìn thấy mẹ của con nghèo nàn, xấu xí và bị chột”. Người mẹ đồng ý và đón con cách xa xa cổng trường.
Năm sau đứa con đòi lên tỉnh học, người mẹ đồng ý, và ngày ngày người mẹ phải bán nhiều vé số hơn, phải làm thêm nhiều giờ hơn, để con có tiền ăn học. Trong những năm học đó đứa con lâu lâu về thăm mẹ một lần và cũng chỉ lấy tiền xong rồi đi. Và đứa con đó cũng vào đại học, nhưng cũng hiếm khi về thăm mẹ.
Tốt nghiệp đại, trở thành bác sĩ, nhưng anh vẫn không về thăm mẹ. Và anh đã kết hôn với một người phụ nữ rất xinh xắn và nhân hậu, nhưng anh không mời mẹ lên chứng giám, mà mời một người khác giàu có hơn, cốt là để cho bạn bè biết là mình sinh ra trong một gia đình khá giả, có học thức.
Đám cưới xong anh vẫn không dẫn vợ về ra mắt mẹ. Rồi vợ anh sinh cho anh hai đứa con trai khôn ngoan và bụ bẫm, nhưng anh vẫn không dẫn con về cho bà nhìn cháu một lần.
Và người mẹ đã quyết định lên Sàigòn để kiếm con, nhưng vô tình đứa con trai của bà không có ở nhà, mà chỉ có người vợ và 2 đứa cháu đang nô đùa ở ngoài sân. Bà không dám vào nhà mà chỉ lén nhìn một hồi lâu, mắt rưng rưng và trở về nhà.
Vì sợ bạn bè biết được gia đình của anh nghèo hèn và có một người mẹ chột, nên anh quyết định đưa ba mẹ con sang Singapo sinh sống.
Một thời gian sau, anh có một chuyến công tác từ thiện ở Việt nam, tiện đó anh trở về thăm mẹ thì Bà đã không còn sống, và có một người hàng xóm trao cho anh lá thư.
Trong thư viết như sau:
Con yêu của mẹ, khi con đọc được dòng thư này thì mẹ đang ở thế giới bên kia rồi.
Mẹ rất hãnh diện vì con đã trưởng thành, 
Mẹ rất tự hào vì con đã có sự nghiệp,
Mẹ rất vui khi con có được một người vợ hiền lành, đảm đang,
Mẹ rất vui vì có hai đứa cháu kháu khỉnh và thông minh,
Mẹ còn rất hãnh diện hơn khi đồng hành cùng con suốt nhiều năm tháng qua
Vì trong những năm con còn nhỏ, con nô đùa chẳng may bị hư mất một con mắt, nên đã lấy con mắt của mẹ thế cho con.
[Sưu tầm]
Câu truyện có thật, ngỡ ngàng, cảm động, cay đắng, đáng trách và nguyền rủa.
Điều răn thứ Tư của Chúa là thảo kính cha mẹ, vẫn không thay đổi.
Luật dân sự về báo hiếu cũng vẫn còn. Nhưng nếu luật này thực hiện nghiêm minh, cùng với giáo dục thật tốt về lòng biết ơn ông bà tiên tổ của nhà trường, thì chắc chắn sẽ có ít những mảnh đời, những trường hợp vô cùng thương tâm như vậy.
Con cái dễ có khuynh hướng nhìn về thành quả của mình đạt được, hơn là những tác nhân làm ra thành quả đó. Vì thế, biết bao đóng góp, công sức, hy sinh giúp cho thành công, sẽ trở thành quá khứ, trở thành kỷ niệm.
Còn hiện tại phải là của họ, do họ, bởi họ mà ra. Vì vậy, gia đình, cha mẹ, anh em bạn bè, lối xóm, thầy cô, rất có thể trở thành rào cản, ảnh hưởng đến thế giá, danh dự, uy tín, thể diện, kết quả họ đã làm. Họ muốn nhận trọn gói về công phúc, do công sức, tài trí của mình. Thế nên, phủ nhận người thân cho bớt ảnh hưởng đến mình là điều không gì khó hiểu.
Qua câu truyện trên, ta mới thấy được sự nguy hiểm vô cùng về trí khôn, tài năng, mà thiếu lòng từ tâm, thiếu đạo đức. Có kiến thức mà không thiếu giáo dục về đạo đức và biết ơn thì thật nguy hiểm. Lòng đạo đức giống chiếc bánh lái, sẽ đưa ta đi đúng đường đúng hướng, biết phân định tốt xấu, phải trái và quyết định làm điều lành, tránh điều dữ.
Qua câu truyện trên, ta lại thấy được tình thương vô cùng lớn lao của mẹ cha.
Mẹ cha chẳng tính toán với con cái, không kể công với cháu chắt.
Mẹ cha không hề quản ngại, chẳng nề hà việc gì, miễn là có lợi cho con cái là được.
Mẹ cha vì muốn con cái hiểu được tình thương của mình, nên đã sẵn sàng chịu thiệt rất nhiều về bản thân.
Mẹ cha vì muốn con mình không mặc cảm tự ti với bè bạn và cuộc sống nên đã phải ngậm đắng nuốt cay, phải nhường nhìn, vì thể diện và cả sĩ diện của con cái nữa.
Mẹ cha vì con cái nên đã không nghĩ đến bản thân, chẳng màng đến thể diện của mình, sẵn sàng làm mọi sự, chịu thiệt thòi mọi bề, thiếu thốn mọi thứ.
Vì thế, nếu con cái hiểu được mà thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ, cầu nguyện, trân trọng, quý mến cha mẹ, thì đây chính là niềm hạnh phúc lớn lao của các bậc sinh thành. Còn ngược lại thì nỗi đau cắn xé cõi lòng lại tăng cao từ con cái, nỗi tủi nhục lại được kéo dài.
THANH THANH



LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG


(Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
KHỞI ĐẦU MỚI VỚI THÁNH THẦN
“Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, 
tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Chúa Kitô Phục Sinh lên trời để lại một khoảng trống trong đời sống của các Tồng Đồ. Chúa Giêsu biết trước điều đó, nên đã hứa ban Thánh Thần để hướng dẫn các ngài: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Đoạn sách Công Vụ hôm nay là sự hiện thực hóa lời hứa của Chúa Giêsu.
Trước hết, đó là việc các Tông Đồ nhận được Thánh Thần. Quả vậy, Thánh Thần như “cơn gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà” (Cv 2,2). Thánh Thần là sức mạnh “từ trời”, từ nơi Thiên Chúa, đến lấp đầy tâm hồn trống trải, hoang mang của các Tông Đồ, làm cho các ông nhớ lại và hiểu mọi điều Chúa Giêsu đã dạy (x. Ga 14,26). Thánh Thần trở nên cầu nối kịp thời và hiệu quả giúp các Tông Đồ không cảm thấy mồ côi (x. Ga 14,18) vì một khi đến, Thánh Thần sẽ ở với các ông luôn mãi (x. Ga 14,16).
Sau nữa, các Tông Đồ trở nên chứng nhân cho Đức Giêsu Phục Sinh. Dấu hiệu nhận biết Thánh Thần là lưỡi lửa đậu xuống từng người một (Cv 2,3). Lưỡi là bộ phận quan trọng dùng để nói, để thông truyền; “lưỡi lửa” mà Thánh Thần ban không chỉ giúp các Tông Đồ mạnh dạn và có khả năng nói các thứ tiếng để giúp người ta hiểu, mà còn nói sứ điệp hâm nóng tâm hồn người ta, vừa giúp thanh tẩy tâm trí họ khỏi những tư tưởng sai lầm mà nghe lời Thiên Chúa, vừa khơi dậy niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. 
Cuối cùng, lời chứng của các Tông Đồ mang tính phổ quát. Trong khi quan niệm lãnh thổ lý tưởng của người Do Thái là từ biên giới Ai Cập cho đến tận sông Êuphơrát, thì danh sách các dân tộc (Cv 2,9-11) vượt xa ranh giới lý tưởng này. Theo cái nhìn của Luca, dân mới của Thiên Chúa vượt xa biên giới lý tưởng của người Do Thái. Tin Mừng Phục Sinh được dành cho mọi dân tộc, mọi vương quốc, chứ không một ai được quyền chiếm hữu. Sứ điệp Tin Mừng quả là sứ điệp phổ quát, cần được loan đi cho đến tận cùng trái đất.
Đoạn sách Công Vụ hoàn tất điều Chúa Giêsu đã hứa với các Tông Đồ (Cv 1,8), qua đó các ông nhận được ơn Thánh Thần, trở nên chứng nhân về Đức Kitô Phục Sinh, và mang Tin Mừng Phục Sinh đến tận cùng trái đất. 
2. Bài đọc 2
Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Côrintô về những ân huệ của Thánh Thần. Trong hoàn cảnh cộng đoàn đang có những chia rẽ (1Cr 11,18) và việc lạm dụng những ân huệ Thánh Thần theo kiểu những lễ hội ngoại giáo, gây ra những xáo trộn trong cộng đoàn (1Cr 12,2-3), thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thánh Thần.
Trước hết, Thần Khí là tác động liên kết Ba Ngôi. Thánh Phaolô khẳng định rằng dù có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thần Khí; dù có nhiều công việc phục vụ nhưng chỉ có một Đức Kitô; dù có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa (1Cr 12,4-6). Và chỉ những ai ở trong Thần Khí mới có thể nhận ra rằng Đức Giêsu là Chúa (1Cr 12,3b). Như thế, Thần Khí chính là tác động liên kết và hiệp nhất Ba Ngôi.
Sau nữa, Thần Khí là tác động liên kết trong cộng đoàn. Thần Khí được ban nơi mỗi người khác nhau, nhưng đều hướng đến lợi ích chung của cộng đoàn (1Cr 12,7). Tuy Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người dưới những hình thức khác nhau, bằng những ân huệ khác nhau để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn là sự hiệp nhất. Như thế, dấu chỉ để nhận biết những ân huệ của Thánh Thần, xem chúng có xuất phát từ Thần Khí thật hay không, là sự hiệp nhất mà những ân huệ đó mang lại cho cộng đoàn. 
Cuối cùng, thánh Phaolô dùng hình ảnh của thân thể để cho thấy sự hiệp nhất mà Thần Khí mang lại (1Cr 12,12-13). Dù người ta có khác nhau về chủng tộc, đia vị xã hội hay giai cấp, một khi chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí, thì đều được hiệp nhất với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể. Các bộ phận trong thân thể dù khác nhau về hình dáng, kích thước, chức năng, nhưng được liên kết và hiệp nhất với nhau trong cùng một thân thể. Đức Kitô cũng vậy: bản thân Người là nguyên lý thống nhất, làm cho các Kitô hữu được hợp nhất nên một (1 Cr 12,12).
Tóm lại, Thần Khí là tác động hợp nhất Ba Ngôi và hiệp nhất các Kitô hữu trong cộng đoàn. Dù các Kitô hữu khác biệt nhau như các bộ phận khác nhau trong thân thể, nhưng dưới tác động của Thần Khí, tất cả đều được liên kết với nhau trong cùng một thân thể. Đức Kitô cũng là nguyên lý hợp nhất các Kitô hữu như thế. 
3. Bài Tin Mừng
Sau khi Đức Giêsu bị bắt, và đóng đinh trên thập giá, các môn đệ hoang mang, sợ hãi. Các ông thu mình lại trong những căn phòng đóng kín. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, ban bình an và Thần Khí cho các ông, và sai các ông ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh. 
Trước hết, Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an cho các môn đệ. Khi còn sống với Thầy Giêsu, các môn đệ luôn được Thầy hướng dẫn và bảo vệ. Các ông sống trong bình an vì luôn có Thầy bên cạnh. Vậy nên khi Thầy bị bắt, đánh đòn và giết chết, các ông không còn chỗ để nương tựa và luôn sống trong tâm trạng hoang mang, sợ hãi. Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng, bất an của các ông, nên ngay khi sống lại, lời an ủi đầu tiên Người dành cho các môn đệ là “bình an cho anh em” (Ga 20,19.21). Sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn bình an, mang lại niềm vui cho các môn đệ (Ga 20,20).
Sau nữa, Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi. Sứ mạng của các môn đệ phát xuất từ biến cố phục sinh (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18.20; Lc 24,46-48; Cv 1,7-8). Sứ mạng này là một diễn tiến liên tục với sứ mạng của Đức Giêsu bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21; x. Ga 17,18). Tin Mừng Gioan nhắc đi nhắc lại nhiều lần việc Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến thế gian (x. 5,23-24.30; 6,38-39; 7,29; 8,18.29.42; 11,42.44-45; …), nhưng đây là lần duy nhất Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi, theo cùng một mô thức như Người đã được Chúa Cha sai đi. Như thế, theo cái nhìn của Tin Mừng thứ tư, biến cố phục sinh là mốc điểm quan trọng của sứ mạng các môn đệ.
Cuối cùng, Đức Kitô phục sinh ban Thần Khí cho các môn đệ. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Mátthêu và Máccô không hề nhắc đến Thần Khí khi Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi, còn theo Luca thì Chúa Giêsu chỉ nhắc các môn đệ hãy chờ “quyền năng từ trời cao ban xuống” mà Người “sẽ gởi” (Lc 24,49). Luca chỉ muốn chuẩn bị để trình bày điều này rõ hơn trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trái lại, Tin Mừng Gioan nối kết vai trò của Thần Khí với sứ mạng được sai đi của các môn đệ (Ga 20,21-22). Chính Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi và ban Thần Khí cho các ông, cùng với những thẩm quyền kèm theo (Ga 20,23).
Tóm lại, chính Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an và niềm vui cho các môn đệ, sai các ông ra đi và ban Thần Khí, cùng với những thẩm quyền kèm theo, để các ông thực thi sứ mạng. Sứ mạng này thật sự khởi nguồn từ biến cố phục sinh.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại việc các Tông Đồ nhận được Thần Khí để trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh cho đến tận cùng trái đất. Qua bí tích Rửa Tội và nhất là Thêm Sức, tôi cũng đã nhận được Thần Khí. Tôi có ý thức vai trò của Thần Khí trong đời mình? Tôi có thật sự là chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh?
2/ Thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thần Khí. Tôi có xây dựng sự hiệp nhất trong giáo xứ, trong cộng đoàn, trong gia đình, nhờ ơn của Thần Khí? Hay tôi sử dụng đặc sủng Thánh Thần để khoa trương, gây xáo trộn, chia rẽ trong cộng đoàn? Tôi có sống tinh thần hiệp nhất của một chi thể trong thân thể là Chúa Kitô?
3/ Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi và ban Thần Khí cho các ông. Tôi có sẵn sàng ra đi làm chứng cho Tin Mừng phục sinh theo lời thúc bách của Chúa Kitô Phục Sinh, dưới tác động của Thần Khí? Tôi có thể làm gì trong môi trường và hoàn cảnh của tôi để làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã ban tặng Thánh Thần là nguồn mạch mọi ân sủng cho các tông đồ và tất cả những ai tin vào danh Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin.
1. Chúa Phục Sinh nói với các môn đệ: “Bình an cho các con.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần trong Hội Thánh được tràn đầy bình an của Đấng phục sinh, luôn kiên vững trước những công kích chống đối của thế giới tục hóa hôm nay.
2. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa con người đến sự thật toàn vẹn. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế biết tôn trọng sự thật và yêu chuộng hòa bình, luôn tích cực lên án bạo lực, bất công, và nỗ lực trong mọi hoạt động phục vụ con người.
3. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi kitô hữu luôn ý thức và hăng hái thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ mà Đức Kitô đã ủy thác, bằng cách trở nên muối men và ánh sáng giữa lòng xã hội hiện tại.
4. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết mở lòng đón nhận quà tặng của Đấng Phục Sinh, và luôn cố gắng làm cho ân sủng Thánh Thần sinh hoa kết trái trong cuộc sống và bổn phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện; và giúp chúng con biết cộng tác hiệu quả với ân sủng Thánh Thần mà Chúa ban tặng: luôn trung thành phụng sự Chúa và can đảm làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

23/05/2015 Thứ Bảy Tuần VII Phục Sinh Năm B





Ga 21, 20-25
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
20 Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? "21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao? "22 Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy."23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? "
24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.CHIA SẺ :
-Trong bài Tin Mừng hôm nay, câu hỏi của thánh Phêrô phần nào gợi lên tâm trạng này. Khi đã trao nhiệm vụ cho thánh Phêrô, Chúa Giêsu cũng đã báo trước về quãng đời còn lại của ông sẽ như thế nào: một viễn ảnh đầy khó khăn thử thách. Thánh Phêrô đã tò mò hỏi Chúa về số phận của người đồng môn và đã được trả lời: "Nếu Thầy muốn người ấy cứ ở lại mãi cho đến khi Thầy đến thì việc gì đến con, phần con, cứ theo Thầy". Chúa Giêsu biết rằng câu trả lời của Ngài sẽ khiến cho Phêrô và các môn đệ buồn về cách đối xử phân biệt, có thể sẽ kéo theo sự chia rẽ giữa các ông. Chúa Giêsu quan tâm đến điều này vì câu hỏi của Ngài cũng là một lời mời gọi đầy thách thức riêng đối với thánh Phêrô và chung cho tất cả những ai muốn theo Ngài. Ðáp trả lời mời gọi trước hết là một quyết định riêng tư của mỗi người trưc tiếp giữa họ và Thiên Chúa. Lời mời gọi chẳng hứa hẹn ngon ngọt nhưng chỉ là gai góc, khổ đau, và khi đã chấp nhận theo Ngài thì cũng đòi hỏi kẻ theo Chúa tuyệt đối trung thành với con đường Ngài đã vạch ra cho mỗi người. Mỗi người có con đường riêng của mình, có thể con đường họ đang đi gập ghềnh sỏi đá và con đường của người bên cạnh lại yên vui phủ đầy bóng mát. Tuy vậy, họ cũng chẳng thể dừng lại ngồi nhìn người bên cạnh, Ngồi nhìn kẻ khác chỉ khiến họ thêm buồn tủi, mất hết nhuệ khí, chùn chân, không muốn tiến bước, mà không cất bước thì chẳng bao giờ đến đích điểm cuối cùng: một nơi đang bày sẵn phần thưởng để chờ đón họ. Ðường đi càng gian khổ thì niềm vui càng bừng nở. Thiên Chúa công bằng vô cùng, Ngài sẽ không để cho một ai phải thiệt thòi về những điều đã bỏ công góp sức. Cho đi thế nào thì sẽ nhận lại như vậy. Ðong đấu nào thì sẽ được trả lại bằng đấu ấy và còn đầy tràn hơn nữa.
Lạy Chúa, bước đường theo Chúa thường đầy gian khổ và không ít lần con đã dừng lại bâng quơ nghĩ ngợi và ghen tị so sánh với kẻ khác. Xin cho con luôn nhớ rằng dù có nhìn thấy trăm ngàn con đường người khác đang đi thì cũng chẳng ai có thể thay con trên con đường mà Chúa đang mở ra cho con. Chỉ vì khi nào biết can đảm tiến bước, con mới mong đạt đến đích điểm vinh quang mà Chúa đang dành để cho con đến lãnh nhận. Amen.




"Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra".

Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi "Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?" Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Còn người này thì sao?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy". Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: "Nó sẽ không chết", mà Người chỉ nói: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con".

Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra. Đó là lời Chúa.







Thứ Bảy tuần VII Phục Sinh



Ga 21, 20 -2520 Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? "21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao? "22 Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy."23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? "24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.Suy niệm
Tác giả Tin Mừng thứ tư khẳng định những điều đã được tác giả viết về Chúa Giêsu còn rất giới hạn. Vì quyền năng, ân phúc và tình yêu của Ngài thì vô cùng, con người khó có thể diễn tả ra hết bằng lời. Muốn hiểu về Chúa Giêsu, chúng ta cần đến gặp gỡ chính Ngài. Dọc dài lịch sử nhân loại từ khi tạo dựng đến nay, chúng ta thấy, tất cả những ai đến và gặp Chúa Giêsu đều tìm được con đường sống trọn hảo. Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta hai con người rất bình thường nhưng đã được Chúa Giêsu yêu thương mời gọi, biến đổi và làm cho nên phi thường. Đó là Phêrô, một ngư phủ, cũng là một doanh nhân nhỏ mà ít ai quan tâm đến, cạnh đó là một Gioan trẻ tuổi không mấy gì đặc biệt. Có thể nói các ngài thuộc loại “vô danh tiểu tốt”, tưởng rằng các ngài sẽ sống và chết cách bình thường như bao người khác, nhưng khi các ngài đáp lại lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu, các ngài đã bước vào một đời sống mới, để một đời làm chứng cho tình yêu Giêsu. Sống hết mình để đáp lại lời mời gọi của Thầy, cuộc đời các ngài đã trở nên phong phú và đơm bông kết trái đến nỗi hơn 2000 năm qua, nhân loại vẫn truyền tụng về các ngài và chắc chắn sẽ còn truyền tụng về các ngài cho các thế hệ tương lai.
Ngày hôm nay, có quá nhiều người đang sống mà như đã chết, bởi họ sống mà không biết mình, không biết người, không biết Đấng có thể làm cho sống hay giết chết. Nhiều người trong chúng ta tưởng rằng tiền bạc hay quyền lực sẽ cho chúng ta sức mạnh và làm cho cuộc đời chúng ta nên phong phú. Nhưng khi lao vào đó, thì nhiều người đã nhận ra rằng: Nơi tiền bạc chỉ cho ta sự mù lòa và tham lam, nơi dục vọng chỉ cho ta những cơn khát không bao giờ được thỏa mãn, nơi danh vọng chỉ cho ta cái mong manh như bọt xà phòng. Chỉ có nơi Giêsu, chúng ta mới gặp được chính mình, mới hiểu được thế nào là sống và mới biết phải sống thế nào. Chỉ nơi đó, chúng ta mới tìm được sự bình an và sức mạnh để làm cho cuộc sống của mình và của mọi người được triển nở và phong phú.


Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, nơi Chúa tỏa lan một lực hút mãnh liệt với tất cả những ai đang khao khát một đời sống trọn hảo. Xin Chúa hãy kéo chúng con đến gần Chúa để chúng con được Chúa yêu thương, dìu dắt ngõ hầu chúng con được sống, được lớn lên từng ngày trong tình yêu, bình an và ân sủng của Ngài. Amen. 



Thứ Sáu tuần VII Phục Sinh


Lời Chúa: Ga 21,15-19

15 Khi ấy, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông : "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." 16Người lại hỏi : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói : "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." 17 Người hỏi lần thứ ba : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : "Anh có yêu mến Thầy không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo : "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : "Hãy theo Thầy."
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã rất yêu Phêrô và tình yêu của Ngài dành cho ông không hề thay đổi sau khi ông chối Ngài. Mỗi lần Phêrô đáp “con yêu” thì Chúa Giêsu lại trao trọng trách “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Điều đó cho thấy tiếng gọi của Chúa Giêsu là tiếng gọi tình yêu. Tiêu chuẩn để Đức Giêsu ủy thác sứ vụ của Ngài cho chúng ta là tình yêu chúng ta dành cho Ngài. Chúa chẳng đòi hỏi học vấn, tài ba lỗi lạc, chỉ cần một “tấm lòng yêu”. Cách biểu lộ tình yêu của Chúa cũng rất tinh tế, ý nhị và thấu hiểu người mình yêu. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối mong manh nơi con người Phêrô. Ngài xem “cú ngã” ông vấp phải chỉ là thứ yếu, thậm chí là cần thiết để rèn luyện ông nên người lãnh đạo thực thụ trong tương lai. Cho nên ba lần Đức Giêsu chất vấn Phêrô trước mặt anh em như là một cơ hội để ông bày tỏ lòng mến và sự trung thành của ông trước mặt Ngài, và nhất là để cho Phêrô nhận ra con người yếu đuối mà cậy trông nơi Thầy chí thánh.
Tình yêu của Chúa dành cho Phêrô cũng như dành cho tất cả loài người chúng ta thật bao la vĩ đại. Một tình yêu không thể miêu tả hết bằng lời. Một tình yêu sống động và tinh tế. Tất cả mọi giây phút Chúa sống, Chúa nghĩ, Chúa làm đều là những phút giây yêu thương. Ngài thổ lộ với chúng ta và Ngài chờ mong chúng ta đáp trả. Mỗi người chúng ta sẽ làm gì để đáp lại tình yêu của Chúa? Yêu ai thì sống với, sống vì và sống cho người đó. Cũng vậy yêu Chúa chúng ta hãy cố gắng hy sinh, học hỏi, luyện tập để ngày càng giống Chúa hơn. Dù phải làm những điều không thích nhưng vì Chúa mà ta làm, ta học, ta tập luyện. Yêu Chúa dù có mệt nhọc, có vất vả ta vẫn phấn khởi, vui tươi và hạnh phúc. Như thế mới phần nào làm cho chúng ta bớt bất xứng với tình yêu Chúa dành cho chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì tình yêu Ngài đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống trọn vẹn trong tình yêu với Chúa, với tha nhân và với nhau, để mai sau chúng con xứng đáng bước vào Nước Chúa – Vương quốc của tình yêu. Amen.

Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh Năm B



"Xin cho chúng nên một".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ :
Ðoạn Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu không những cầu xin Cha cho các môn đệ Ngài, mà còn xin cho cả những người nghe và tin lời các môn đệ rao giảng. Ðể lời Chúa được mang đến khắp bờ cõi, đến với mọi người. Mỗi Kitô hữu chúng ta phải chuyên chăm học hỏi, thấm nhuần Lời Chúa và luôn chia sẻ cho những người mình gặp gỡ.
-Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện với Chúa Cha cho Giáo Hội. Hôm nay, Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất, không chỉ cho nhóm tông đồ mà cho toàn thể Giáo Hội: "cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con".
Khuôn mẫu cho sự hiệp nhất là sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha: "để chúng nên một như Chúng Ta là một". Hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất của tình thương. Chúa Cha yêu thương Chúa Con và ban cho Con mọi quyền hành. Chúa Con yêu thương Chúa Cha và sẵn sàng hy sinh mạng sống để thực hiện thánh ý Chúa Cha. Sự hiệp nhất được xây dựng trên tình yêu thương.
Chúa Giêsu biết rõ Giáo Hội sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sống hiệp thông với nhau. Chỉ có nhóm Mười Hai Tông đồ, mà không ít lần các ông tranh cãi nhau vì địa vị hay vấn đề nào đó. Rồi đây, Giáo Hội sẽ đón nhận nhiều người, thuộc nhiều quốc gia, nhiều thành phần thì sự hiệp nhất càng khó khăn hơn nữa. Vì thế, Ngài tha thiết cầu nguyện cho Giáo Hội luôn được hiệp nhất.
Thực tế, biết bao lần Giáo Hội bị chia rẽ. Giáo Hội tiếp tục cần sự cộng tác của từng người chúng ta qua hành động và lời cầu nguyện để Giáo Hội được hiệp nhất.
Hãy xây dựng hiệp nhất của Giáo Hội bằng chính nỗ lực hiệp thông với những người gần gũi chúng ta. Hiệp nhất chỉ thật sự khi chúng ta hiệp nhất trong yêu thương theo khuôn mẫu của Chúa. Có khi chúng ta sống chung với nhau, bên ngoài có sẽ hoà thuận nhưng trong lòng chưa thật sự hiệp thông với nhau. Chúng ta chỉ mới có "hiệp" mà chưa có "thông". Chúng ta mới có "hiệp" mà chưa có "nhất".
Xin Chúa giúp chúng con biết sống hiệp thông với nhau như Chúa Cha hiệp thông với Chúa Con. Amen.

NGÀY 20-5 THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH


LƠI CHÚA: Ga 17, 11b -19
Phần con, con đến cùng Cha. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
SUY NIỆM
Dấu chỉ Giáo Hội Chúa Kitô là sự hiệp nhất. Hiệp nhất trong đức tin. Hiệp nhất trong sự vâng phục Đức Giáo Hoàng. Sự hiệp nhất trong Giáo Hội là cần thiết để Giáo Hội thể hiện tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ của Người được hiệp nhất trong yêu thương : “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một trong chúng ta”. Một sự hiệp nhất cần được thể hiện bằng tình yêu thương và đó là cách giới thiệu Chúa hiệu quả nhất. Tình yêu thương ấy phải cao thượng phải cao thượng và vô điều kiện như tình yêu mà Chúa Giêsu đã biểu lộ qua cuộc khổ nạn của Ngài. Và nếu yêu là tìm hạnh phúc cho người khác, thì ở đây, yêu là tìm đưa người mình yêu đến chỗ hiểu biết và tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhờ đó mà được hưởng sự sống đời đời.
Chúa Giêsu cũng cầu xin cho các môn đệ được gìn giữ khỏi sự dữ và ác thần, được thánh hiến trong sự thật. Chúa Giêsu không cầu xin cho các môn đệ thoát khỏi những đau khổ, thử thách và bách hại bởi đó là số phận của những kẻ tin theo Ngài, nhưng Ngài cầu xin cho họ được thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, là nguyên nhân phá vỡ sự liên hệ thân tình của con người với Thiên Chúa.
Sự thật sẽ thánh hiến những người tin Chúa “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”.
Thánh hiến là thánh hóa và hiến tế. Chúa Giêsu cầu xin cho chúng ta được thánh hiến trong sự thật. Đó là sự thật của Thiên Chúa, Thiên Chúa yêu thương và muốn cho mọi người được cứu độ; và sự thật của con người chúng ta là những kẻ tội lỗi nhưng đã được Thiên Chúa cứu độ.
Xin Chúa cho Hội Thánh được luôn hiệp nhất trong tình yêu thương, được gìn giữ khỏi mọi sự dữ, và được thánh hiến trong sự thật, để Hội Thánh Chúa ngày càng biểu hiện khuôn mặt của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen