Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm B Phải Biết Kiểm Ðiểm



(Thứ luật 4,1-2.6-8; Thư Yacôbê 1,17-18.21b-22.27; Tin Mừng Marcô 7,1-8.14-15.21-23)

a

Phúc Âm: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23

"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người".

Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế".



Suy Niệm:

Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm B

Thứ luật 4,1-2.6-8; Thư Yacôbê 1,17-18.21b-22.27; Tin Mừng Marcô 7,1-8.14-15.21-23

Gặp hoàn cảnh phải thức thời, con người thường hay do dự. Nhiều khi không phải vì sợ hãi, ngại ngùng; nhưng vì lương tâm bất an và bị giằng co. Một bên là những nguyên tắc luân lý và đạo đức trước đây; và bên kia là những đòi hỏi mới của hoàn cảnh. Làm sao để không thái quá và cũng không bất cập, không cấp tiến cũng không bảo thủ, mà chỉ tiến bộ hoặc tiên tiến? Chắc chắn phải vận dụng óc sáng tạo. Nhưng có lẽ cũng không nên quên những bài học của lịch sử. Và Sách Thánh cũng là một kho tàng khôn ngoan ngay cả về phương diện này. Những bài đọc Kinh Thánh hôm nay là một thí dụ. Chúng ta sẽ thấy vừa phải trung thành với các nguyên tắc đạo đức, vừa phải sáng suốt tiến bộ. Xin Chúa cho chúng ta biết hiểu lời của Người.



1. Phải Chọn Ðường Sống

Bài sách Thứ luật gợi lên một lịch sử đầy biến cố. Bề ngoài đó là những lời Môsê trối cho dân trước khi ông từ giã cõi trần. Ông đang ở bên kia sông Yorđan, biết mình không được vào Ðất Hứa. Dân sẽ được vào. Nhưng ở đó họ sẽ có được hạnh phúc không? Tất cả tùy thuộc ở thái độ của họ trung thành đối với Chúa... Thế mà kinh nghiệm những năm lãnh đạo dân cho Môsê biết Israel không phải là một dân vừa. Hơi gặp hoàn cảnh mới là họ đã sẵn sàng đi dệu dạo, chứ không nhất mực ngay thẳng theo đường lối của Chúa. Thế nên lòng thương dân đã thôi thúc Môsê nói lên những lời cuối cùng này, không phải để họ giữ ngày nay, ngày mai, nhưng mọi ngày trong đời sống và mọi thế hệ trong lịch sử.

Ông có thể làm được công việc ấy không?

Lời khuyên của một người có thể có giá trị cho mọi thế hệ loài người không?

Môsê đã không quá tự phụ ư?

Con người của ông không phải như vậy. Ðây chỉ là những lời người ta gán cho ông. Và chắc chắn ông sung sướng lãnh vinh dự này. Những lời đó hợp ý với ông. Và nhất là chúng không phải là của riêng cá nhân một tác giả nào. Chúng là thành quả của một tinh thần trung kiên qua nhiều thế hệ lịch sử của dân Chúa. Và tinh thần này đã bắt đầu từ Môsê.

Quả vậy, sách Thứ Luật là tác phẩm của tinh thần dân Chúa. Nó thu góp các suy tư chân chính của nhiều thế hệ lịch sử. Người ta coi Môsê là tác giả chỉ vì mọi suy tư ở đây đều phát xuất từ giao ước và chỉ muốn trung thành với giao ước Sinai. Giá trị của nó nằm ở chỗ nó là những bài học rút ra từ nhiều kinh nghiệm sống. Chúng ta có thể tin ở những lời khuyên của sách này vì có thể nói ngay hoàn cảnh mới vừa đến với chúng ta, nó cũng đã trải qua.

Vậy, mở đầu bài sách đó hôm nay, Môsê nói với mọi người: "Hãy nghe". Ðó là tiếng nói của người khôn, đầy kinh nghiệm. Và Môsê nói tiếp. Các ngươi hãy giữ lệnh truyền để được sống và được đất hứa. Ðó là điều không được tranh luận bàn cãi. Là vấn đề một sống một chết, có thế thôi. Giữ Luật Chúa thì sống, bằng không thì chết. Mà chết và sống ở đây có ý nghĩa thực tế cụ thể chứ không bóng bẩy. Thiên Chúa chỉ ban Ðất Hứa và các Lời Hứa của Người cho kẻ giữ Luật. Kẻ không giữ Luật, không có chỗ đứng, không có nơi tựa, nó sẽ hư vong.

Ước gì chúng ta không bao giờ quên nguyên tắc này. Gặp hoàn cảnh mới mẻ đến đâu đời sống con người vẫn phải nắm giữ một số Luật điều. Vứt bỏ mọi sự, kể cả nguyên tắc phải giữ luật và phải sống có kỷ luật, là biến mình trở nên bọt sóng để tùy gió đánh đi. Con người sinh ra có gốc. Ðời sống con người phải có phương hướng. Chúng ta phải chọn đường sống, như lời Môsê nói hôm nay.

Tuy nhiên ông rất thận trọng. Ông nói: Không được thêm gì vào luật Chúa, cũng không được xén bớt. Và đó là điều không dễ. Nó đòi người ta luôn luôn phải kiểm điểm thành khẩn trước mặt Chúa. Tiếc thay, con người lại ít khi muốn đến trước nhan Người. Họ luôn muốn lưu lại nơi thế giới tạo vật. Có khi lương tâm ray rứt, thúc đẩy họ đi gặp Chúa, thì họ lại lười biếng lấy một tạo vật làm ngẫu tượng để thay thế cho Người. Rồi họ nghĩ ra những yêu cầu của ngẫu tượng ấy. Dần dần họ không còn nhớ và sống theo Luật chúa nữa nhưng đã lấy truyền thống và tập quán loài người làm luật sống. Bài Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta thấy rõ điều này. Nhưng Môsê, ngay từ đầu đã cảnh giác người ta. Ông dạy phải luôn luôn tìm ra ý Chúa. Chỉ có nó là lẽ sống của con người và là đường dẫn họ đến sự sống.

Ai giữ đúng luật Chúa sẽ luôn luôn có thể tự phụ. Họ sẽ là người "khôn ngoan minh mẫn ở trước mắt các dân", vì những điều họ giữ thật là những phán quyết công minh. Hơn thế nữa, các dân sẽ thấy rằng sẽ trải qua các thời đại và cảnh đời tang bồng mà luật pháp vẫn như vậy, thì là dấu nó không do lòng người thay đổi làm ra, nhưng phải do Ðấng vĩnh cửu bất biến đã phán quyết. Và như thế thật là hạnh phúc và vinh dự cho dân tộc, cho con người được Thiên Chúa ở gần và chăm sóc như vậy.

Những suy nghĩ của sách Thứ Luật rõ ràng rất sâu xa. Nó khiến chúng ta tin tưởng vào nguyên tắc. Ðó là lẽ sống. Và đó là vinh dự. Không phải Môsê đã tự ý nói lên được những lời chân thật trên đây. Ðó là kinh nghiệm của cả một dân tộc trải qua cuộc đời bể dâu và sóng gió. Ðây còn là dân tộc được Thiên Chúa lựa chọn và hướng dẫn. Thế nên, những lời sách Thứ Luật hôm nay đúng ra là tiếng nói của Chúa Thánh Thần và của chính Thiên Chúa. Người mạc khải cho chúng ta chân lý này: nếu con người muốn sống và chiếm được đất hứa, tức là hạnh phúc, họ phải giữ luật. Và phải giữ và chỉ giữ đúng luật của Người. Không những đó là đường sống cho họ mà còn là vinh dự ở trước mắt các dân. Ai hiểu như vậy mà còn có thể sống như không có nguyên tắc và phương hướng? Và gặp hoàn cảnh đổi đời, ai tưởng rằng chỉ cần "cho de" những nguyên tắc cũ mà không chấp hành những lệnh truyền mới? Mọi tình hình mới chỉ là cơ hội để khám phá ra nhiệm vụ mới. Ðó là điều ít khi người ta muốn làm, như người Dothái trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng chúng ta hãy nghe lời Ðức Yêsu dạy.



2. Phải Biết Kiểm Ðiểm

Người lại đụng độ với bọn Biệt phái và Luật sĩ. Nói đúng hơn, bọn người bảo thủ và lạc hậu này chỉ muốn riết Người vào kỷ luật. Họ thấy môn đồ của Người không rửa tay trước khi dùng bữa. Thế là họ đùng đùng tấn công: "Vì lẽ gì mà môn đồ của ông không giữ lệ truyền của tiền nhân?" Họ nói như ai cũng sống trong môi trường của họ. Tiền nhân của họ là ai? Lệ truyền ấy có từ hồi nào? Môsê đã chẳng nói trong sách Thứ luật rằng: đừng thêm thắt, xén bớt Luật Chúa sao? Ðức Yêsu lại còn thấy bộ mặt giả hình, giả đạo đức, giả nhân nghĩa của họ nữa. Thế nên Người trả lời và soi sáng cho họ hai điểm. Một là họ đã gạt lệnh truyền của Thiên Chúa, mà cố thủ lấy lệ truyền của loài người. Và hai là họ chỉ chú trọng rửa tay bên ngoài mà không thanh tẩy lòng trí bên trong. Nói đúng ra, Ðức Yêsu đã hỏi quật lại họ hơn là chỉ trả lời cho câu hỏi. Người không cắt nghĩa vì sao các môn đồ không rửa tay trước khi dùng bữa; nhưng lại vạch ra cho bọn Biệt phái và Luật sĩ biết đời sống của họ không vô tội đâu. Nó còn xấu xa là khác. Vì nó không giữ luật Chúa, một chỉ làm theo tập tục. Nó chỉ chải chuốt bộ mặt bên ngoài và để yên ao tù dơ nhớp nơi tâm hồn.

Nhiều người không thích câu Ðức Yêsu đã nói về điều gì tự bên ngoài mà vào bụng không làm cho người ta ra ô uế, nhưng mọi điều xấu xa làm ô uế đều tự bên trong mà xuất ra. Nhưng chúng ta hãy hiểu thái độ quyết liệt của Người... Ở thời bấy giờ, người Dothái có những phân biệt rất vật chất về những gì sạch và dơ. Nếp sống đạo của họ căn cứ vào những việc giữ luật lệ này. Ðến nỗi họ không còn để ý đến tư cách của tâm hồn, mà chỉ còn quan tâm đến những cái hình thức. Ðức Yêsu gọi họ là bọn giả hình, là có cơ sở. Chúng ta hãy nhớ đến một người như Phêrô. Một ngày kia, gần đến giờ ăn trưa. Ông đói bụng và thiếp ngủ đi. Và ông mơ thấy Chúa bảo phải ăn mớ ếch nhái trong tấm mền ở trên trời thả xuống. Phản ứng của ông là của Dothái giáo. Ông lắc đầu bảo rằng đây là vật dơ, người đạo đức không được ăn kẻo ra ô uế. Ông cũng cố thủ lệ truyền của loài người mà gạt lệnh truyền của Chúa vừa bảo ông. Ðến nỗi Chúa phải nhắc nhở cho ông rằng: Những gì Thiên Chúa đã tẩy sạch thì đừng gọi là dơ nữa!

Tựu trung, óc vụ hình thức vẫn thật là khó chữa. Lâu ngày nó thi hành lệ truyền của loài người và quên lệnh truyền của Thiên Chúa, thành ra có lúc nó dám vịn vào lệ truyền của phàm nhân để cưỡng lại lệnh truyền của Ðấng Tối Cao. Kh6ng những nó đa lấy ngẫu tượng thay cho Thiên Chúa mà còn đi đến chỗ dùng ngẫu tượng nghịch lại Ngài.

Ðức Yêsu hôm nay muốn mạc khải điều đó. Người muốn người ta phải kiểm điểm lại đời sống tôn giáo và đạo đức của mình. Và để khỏi tiếp tục lầm lạc, người khuyên mọi người hãy bắt đầu rửa sạch lòng mình, để nguồn có trong thì những dòng tư tưởng chạy ra từ tâm hồn mới sạch. Công việc này ai cũng phải làm và phải làm đi làm lại. Bài thư Yacôbê khi ấy sẽ có giá trị thiết thực.



3. Phải Chịu Lấy Lời

Gọi đây là một thư thì cũng chỉ là cách nói. Ðúng ra nó là một bản văn giáo huấn các tín hữu. Người ta không nên tìm ở đây những tư tưởng độc đáo. Nhưng đọc xong ai cũng cảm thấy tác giả bức thư này rất thành tâm. Ông đòi tin-hành nhất thiết phải đi đôi; không được nhị tâm và đi dệu dạo, tức là đừng nghĩ rằng có thể làm tôi Thiên Chúa mà lòng lại chiều theo thế gian được. Những câu đầu tiên đọc trong phụng vụ hôm nay đã nói rõ vì sao như vậy. Tác giả viết: "Ơn tốt lành, lộc trọn hảo, hết thảy đều do trên, xuống từ Cha các tinh sao sáng láng; nơi Người không có biến dịch, hay vì xoay vần mà khuất bóng". Mới đọc chúng ta có thể thấy khó hiểu. Nhưng đây là những lời quan trọng. Tác giả nói đến nguồn gốc, căn nguyên, cơ sở của lòng đạo đức chân thật.

Quả vậy lòng đạo đức của chúng ta không xây trên những cái gì đổi thay, khi sáng khi mờ. Không, nó là ơn Chúa ban. Người là Ðấng tạo hóa. Người đã dựng nên tinh tú. Người là Ðấng hoàn toàn sáng láng, chẳng bao giờ có thể mờ tối vì Người chẳng bao giờ thay đổi và khuất bóng. Nói rằng các nguyên tắc đạo đức căn bản có thể thay đổi và châm chước được là nói đến một thứ đạo đức không lấy Chúa làm nền tảng và nguồn gốc. Môsê trong sách Thứ luật đã nói: đừng thêm thắt bớt xén luật Chúa cũng là nói theo nghĩa đó. Và cũng vì vậy trong bài Tin Mừng, Ðức Yêsu bảo phải luôn thanh tẩy tâm hồn.

Ở đây Yacôbê cũng dạy "phải khử trừ mọi thứ uế nhơ và khiêm nhu chịu lấy lời vốn đã được gieo sẵn trong lòng". Người muốn hết thảy hãy thanh tẩy mọi dục vọng và lệ truyền để làm sáng tỏ Lời Tin Mừng cứu độ đã được gieo vào lòng tín hữu khi lãnh nhận đức tin. Ðó không phải chỉ là Lời chân lý, nhưng còn là chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và bây giờ còn mầu nhiệm lưu lại trong các tâm hồn trong sạch. Chính lời đó mới cứu được linh hồn chúng ta khi chúng ta chỉ nghe tiếng Người.

Và Người không chấp nhận cho chúng ta tin Người và mang danh hiệu Kitô hữu của Người mà không thi hành lệnh truyền của Người. Và lệnh truyền ấy là hãy yêu thương anh em, như lời Yoan viết; hay như lời Yacôbê nói hôm nay là: viếng thăm cô nhi quả phụ... Chính nếp sống bác ái chân chính này giữ gìn chúng ta không "bợn vết nhơ của thế gian".

Như vậy cả ba bài Kinh Thánh hôm nay đã cho chúng ta phương hướng để sống đạo đức. Dù hoàn cảnh có đổi thay và tình hình có mới mẻ, người tín hữu vẫn phải sống có nguyên tắc. Dĩ nhiên không được bắt chước người Dothái lấy lệ truyền của loài người làm chân lý bất di chuyển; và tệ hơn còn vịn vào nó để khước từ lệnh truyền của Thiên Chúa. Không, hoàn cảnh mới chỉ đem lại cho chúng ta cơ hội kiểm điểm lại đời sống của mình; không phải chỉ nhìn vào những cái bên ngoài, nhưng phải đi sâu vào tâm hồn, để gạt bỏ những lớp bụi ô uế đầy gian tà hầu tìm ra Lời Chúa và hình ảnh của Người đã được gieo sẵn và in sẵn trong tâm khảm. Ánh sáng của Chúa sẽ lóe lên. Tiếng nói của Người sẽ trong trẻo. Chúng ta đi theo ánh sáng đó và thi hành tiếng nói đó thì sẽ đạo đức chân thật. Và mọi người sẽ thấy chúng ta bác ái hơn vì đạo Chúa là bác ái.

Giờ đây chúng ta sửa soạn tâm hồn đón Chúa vào lòng để từ đó mọi giòng tư tưởng biến ra hành động của đời sống chúng ta trở nên đạo đức, trong lành.



(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Chúa Nhật 22 mùa Thường niên, B



Chủ đề trung thành phụng thờ Thiên Chúa và làm môn đệ Chúa Ki-tô được tiếp tục quảng diễn qua những bài đọc hôm nay. Phụng thờ và làm môn đệ không thể mang ý nghĩa đơn giản và có phần tiêu cực là chỉ nhận biết sự siêu việt của Thiên Chúa và vai trò làm Thầy của Chúa Ki-tô, nhưng còn là tích cực thực hành những thánh chỉ của Thiên Chúa và sống những điều Chúa Ki-tô dạy dỗ. Bài đọc Cựu Ước cho thấy ông Mô-sê đã nhắc nhở dân Ít-ra-en về cách phụng thờ đích thực, cũng như trong bài Tin Mừng Chúa Giê-su đã kịch liệt chống lại thứ phụng thờ “bằng môi bằng miệng” của nhóm Pha-ri-sêu và muốn phục hồi cái hồn của sự phụng thờ là tấm lòng. Thánh Gia-cô-bê Tông đồ cũng đi theo con đường Chúa Ki-tô mà khích lệ các tín hữu “hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”.

1. Dân Ít-ra-en không được thay đổi mệnh lệnh của Thiên Chúa (bài đọc Cựu Ước – Đệ nhị luật 4:1-2.6-8)

Thiên Chúa cho ông Mô-sê biết là ông sẽ chết trước khi dân Ít-ra-en vượt qua sông Gio-đan để vào đất hứa. Thao thức với những lần bất trung của dân Chúa, ông Mô-sê thường lập đi lập lại cho họ nghe những chỉ thị của Thiên Chúa. Trong diễn từ qua bài đọc hôm nay, ông truyền cho họ không được thay đổi bất cứ điều gì trong những thánh chỉ của Thiên Chúa. Ông cũng khẳng định nếu họ có tuân giữ thì mới “được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất Thiên Chúa ban cho họ” (Đnl 4:1).
Thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa được chứa đựng trong Lề Luật Người đã ban cho dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê. Lề Luật gồm tóm trong hai mối quan hệ yêu thương là mến Chúa và yêu tha nhân. Mặc dù ông Mô-sê đã căn dặn kỹ lưỡng, nhưng những người lãnh đạo dân Chúa đã lấy lòng mình làm tiêu chuẩn để sửa đổi Lề Luật của Chúa. Họ đưa ra những cách phụng thờ Thiên Chúa không dựa trên cảm nghiệm của tâm hồn hay của đức tin, nhưng trên những hình thức bề ngoài khoa trương mà họ gọi là những “truyền thống”. Những điều luật vụ hình thức và tỉ mỉ không thể diễn ta được tâm hồn “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn”, mà chỉ vẽ ra cái vẻ đạo đức bề ngoài. Những câu Kinh Thánh được viết, đựng trong hộp nhỏ và đeo vào tua áo dài không phải để nhắc nhớ họ sống Lời Chúa, nhưng đã trở thành đồ trang sức cho lòng đạo đức giả tạo của họ. Mười giới răn Chúa ban từ núi Xi-nai nay lại được giải thích thành 613 điều gồm những luật lệ trói buộc con người và làm cho con người thành nô lệ cho lề luật. Dân Ít-ra-en tự hào là “một dân khôn ngoan và thông minh” (Đnl 4:6) giờ đây biến thành dân tộc dại khờ và ngu muội, chỉ vì họ đã đánh mất tinh thần khi tuân giữ Lề Luật của Chúa. Dân tộc ấy tự xưng là “vĩ đại vì được Đức Chúa là Thiên Chúa ở gần” nay chỉ còn là dân tộc không ai biết tới, vì họ đã chối bỏ Thiên Chúa. Những người lãnh đạo đã thay đổi thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa bằng cách bỏ đi cái hồn của Lề Luật và khoác cho Lề Luật một bộ áo nặng nề hình thức. Chúa Giê-su đã nói về họ: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23:4).
Trước sự thay đổi đáng buồn và nguy hiểm ấy, có một Đấng được Thiên Chúa sai đến để phục hồi tinh thần tuân giữ Lề Luật, là tinh thần đã bị thay thế bằng sự câu nệ hình thức bề ngoài. Đấng ấy là Chúa Giê-su. Người phán: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17).

2. Chúa Giê-su canh tân tinh thần tuân giữ Lề Luật (bài Tin Mừng – Mác-cô 7:1-8a.14-15.21-23)

Sống trong một cộng đồng bị trói buộc trong những luật lệ khắt khe của con người, hẳn người ta phải cảm thấy ngột ngạt khó chịu. Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thoáng thấy được cảnh ngột ngạt ấy qua hình ảnh “có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư vây quanh Đức Giê-su” (Mc 7:1). Họ là những người đại diện cho “luật lệ và truyền thống của tiền nhân”. Họ đang bao vây Chúa Giê-su, dò xét Người và tìm cách bắt bẻ hoặc làm hại thanh danh của Người. Cũng như mọi người, Chúa Giê-su đang sống trong bầu khí ngột ngạt ấy. Người thấy cần phải nói thẳng nói thật, giải phóng dân chúng khỏi ách nô lệ cho lề luật và truyền thống. Do đó, Người đã thẳng thắn tố cáo nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư.
Nhân dịp các môn đệ Chúa không tuân thủ luật về sự thanh khiết vì họ không rửa tay trước khi ăn uống, nên bị các Pha-ri-sêu và kinh sư khiển trách, Chúa Giê-su đã cho những ông thầy giả hình này một bài học về việc “họ tôn kính Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng họ thì lại xa Người”. Người dùng chính những lời của ngôn sứ I-sai-a để tố cáo họ “đã gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7:8a). Người dùng chính những hình ảnh về sự thanh khiết bề ngoài để cho họ thấy đâu là sự thanh khiết bên trong tâm hồn. Thanh khiết bề ngoài đơn thuần là những nghi thức, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Nhưng nếu không có sự thanh khiết tâm hồn, con người mới trở nên ô uế. Những cái làm ô uế tâm hồn người ta thì có nhiều lắm. Chúng phát xuất “từ bên trong, từ lòng người”, như “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7:21-22).
Trình bày như vậy, Chúa Giê-su muốn nhắn đám Pha-ri-sêu và kinh sư rằng: nếu các ông chỉ chú trọng đến những nghi thức bề ngoài, thì đúng là các ông chỉ “tôn kính Thiên Chúa bằng môi bằng miệng”, còn nếu các ông muốn tôn kính Chúa thật lòng, thì các ông hãy lo giữ tâm hồn cho thanh khiết và rửa sạch những gì làm ô uế tâm hồn các ông. Nói khác đi, Chúa bảo họ hãy thay đổi cách tuân thủ Lề Luật, “làm chủ ngày sa-bát, chứ đừng để ngày sa-bát làm chủ mình”, hãy trở lại với Lề Luật đích thực của Chúa, chứ đừng vênh vang bám lấy những giới luật phàm nhân do họ đề ra. Động lực tuân giữ Lề Luật không phải là “lấy tín chỉ” để vào thiên đàng hoặc tạo cái nhãn hiệu đạo đức cho mình, nhưng là vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em.
Thay đổi động lực giữ luật cũng là vấn đề nhức nhối cho nhiều Ki-tô hữu. Hỏi có bao nhiêu người tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật thực sự vì lòng yêu mến Chúa, muốn đến dự tiệc Thánh Thể với Chúa Ki-tô và cộng đoàn, hay chỉ vì muốn “giữ luật xem lễ ngày Chúa Nhật”, đừng kể đến những lý do không chính đáng khác như khoe áo quần, chức tước, cặp bồ, “đi lễ đi liếc”...? Lòng yêu mến phải là động lực cho mọi sự. Có lẽ “căn bệnh Pha-ri-sêu” đã ăn sâu vào tâm hồn ta, khiến ta giữ luật một cách máy móc, thi hành như một con rối mà thiếu mất yếu tố căn bản là cái hồn. Nhận thấy khó khăn ấy, Chúa Giê-su mới nhấn mạnh: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ...” (Mc 7:14). Liệu ta có lắng nghe Chúa nói và hiểu cho rõ để chữa chạy căn bệnh Pha-ri-sêu không?

3. “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành” (bài đọc Tân Ước – Gia-cô-bê 1:17-18.21b-22.27)

Cho tới khi Chúa Giê-su hoàn tất sứ mệnh nơi trần gian, các Tông đồ mới thực sự hiểu được lời Người phán: “Thầy không đến để bãi bỏ Luật Mô-sê, nhưng để kiện toàn”. Một trong những phương thức Người đã kiện toàn, đó là sống động lực tình yêu trong mọi sự, kể cả cái chết vì yêu thương. Ngôi Lời mặc lấy xác phàm đã sống trọn vẹn thánh chỉ của Thiên Chúa, là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương nhân loại đến nỗi sẵn sàng chịu chết để cứu độ họ. Nhờ thi hành thánh chỉ Thiên Chúa như vậy, Ngôi Lời đã đem về cho Thiên Chúa một nhân loại mới. Đó là ý nghĩa điều thánh Gia-cô-bê đã viết trong thư: “Thiên Chúa Cha đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người” (Gc 1:18). Lời, tức là Chúa Giê-su, trở thành Lề Luật Mới, Lề Luật của Tình Yêu, và Chúa Cha ban cho nhân loại để mọi người sống theo. Thánh Gia-cô-bê dùng lại hình ảnh hạt giống mà Chúa Giê-su đã dùng để nói về việc đón nhận Lời. “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em” (Gc 1:21b).
Cách thức ta phải đón nhận Lời là: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (c. 22). Thực ra ngài cũng chỉ lập lại lời của Chúa Giê-su thôi. Kẻ nào lắng nghe lời Chúa mà đem ra thực hành thì giống như người xây nhà trên nền đá, vững chắc (x. Mt 7:21-27). Còn người “nghe suông”, tức là nghe rồi để đấy, thì tự lừa dối mình vì Lời chẳng có ảnh hưởng gì nơi họ. Trái lại, kẻ nghe Lời và thực hành, tức là để cho Lời đào tạo, cắt tỉa, thay đổi con người họ và giúp họ trưởng thành tới mức độ viên mãn trong Chúa Ki-tô thì dĩ nhiên sẽ được chung phần sự sống đời đời với Chúa Ki-tô. Thái độ “nghe suông” cũng thường gặp thấy nơi ta hoặc rất nhiều Ki-tô hữu khác. Thậm chí có người về nhà sau khi dự Thánh Lễ cũng không biết được các bài đọc hôm nay nói điều gì nữa. Không biết hoặc không lắng nghe thì làm sao nói đến chuyện thực hành.

4. Sống Lời Chúa

Các bài đọc trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đồng thanh nhắc nhở ta về phương thức tuân giữ luật Chúa và đón nhận Lời Người. Động lực khiến ta tuân giữ luật Chúa và Giáo Hội là do lòng yêu mến của ta đối với Chúa và anh chị em. Chúa Giê-su đã nêu gương tuân giữ lề luật bằng cách thể hiện trọn vẹn trong cuộc sống của Người. Tất cả lề luật được gồm tóm trong tình yêu, nên Chúa Giê-su đã sống hoàn toàn vì yêu thương cũng như đã chết vì yêu thương. Đó là gương thực hành những điều Người đã dạy để ta bắt chước và bước theo Người.

Suy nghĩ: Căn bệnh Pha-ri-sêu, tức căn bệnh thờ kính Chúa bằng môi bằng miệng, có phải là căn bệnh tôi đang mắc phải không? Đâu là những triệu chứng của căn bệnh ấy? Tôi phải chữa trị làm sao?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn để lòng suy nghĩ những điều hay lẽ phải và mau mắn đem ra thực hành. Lại bởi vì chúng con không thể nào tồn tại nếu không có Chúa phù hộ chở che, xin giúp chúng con hằng biết thuận theo ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men. (Lời nguyện Nhập lễ Thứ Năm tuần I mùa Chay).


Lm. Đaminh Trần Đình Nhi