Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN - B


Xh 16,2-4.12-15; Eph 4,17.20-24; Ga 6,24-35
T
ÍN THÁC NƠI CHÚA
“Chính tôi là bánh trường sinh. 
Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Xh 16,2-4.12-15
    Sách Xuất Hành là quyển thứ hai trong bộ Ngũ Thư, tức 5 quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh (Sáng Thế – Xuất Hành – Lê-vi – Dân Số và Đệ Nhị Luật). Về nội dung, sách Xuất Hành ghi lại hai cột mốc quan trọng trong lịch sử cứu độ: Cuộc Xuất Hành của dân Israel khỏi Ai-cập (chương 1-18), và việc Thiên Chúa thiết lập Giao Ước với họ tại Núi Sinai (chương 19-40). Đây là hai sự kiện nền tảng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Có thể nói được, phần lớn các sách còn lại của Kinh Thánh phản ánh sự tương tác, giải thích, ứng dụng, hay kiện toàn chương trình cứu độ của Thiên Chúa như đã được Người mặc khải trong sách Xuất Hành. 
    Trong cuộc Xuất Hành khỏi Ai-cập, dân Israel đã gặp phải ba vấn nạn chính mà bất cứ ai đi trong sa mạc thường phải đối diện: vấn nạn về nước uống (Xh 15,22-27; 17,1-7), vấn nạn về lương thực (Xh 16), và vấn nạn về quân thù (Xh 17,8-16). Khi gặp phải những vấn nạn này, dân Israel thường kêu trách Moses và Aharon là hai nhà lãnh đạo Thiên Chúa đã đặt lên để dẫn dắt họ tiến về Đất Hứa. Xh 16, 3 ghi lại nội dung một trong những lời than trách đó: 
    “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!”
    Lời than trách này hàm ý: cuộc sống tại sa mạc này tồi tệ hơn nhiều so với cuộc sống tại Ai-cập; tại sao phải bỏ lại sau lưng cuộc sống tốt đẹp hơn để nhận về một cuộc sống cơ cực? Tại sao lại bỏ “sự sống” tại Ai-cập để ôm lấy “cái chết” tại sa mạc này ? 
    Đành rằng cuộc sống tại sa mạc bao giờ cũng khó khăn và đầy thử thách. Nhưng cuộc sống của dân Israel trước đó tại Ai-cập không phải là mầu hồng như họ cường điệu ở đây. Làm gì có cảnh dân Israel bình an “ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê”. Các chương đầu của Sách Xuất Hành cho chúng ta thấy rõ cuộc sống của họ tại đó thật cơ cực và tủi nhục. Hơn nữa, dân tộc của họ đang phải đối diện với nguy cơ bị diệt vong tại Ai-cập sau những chính sách tàn bạo của Pharaoh (x. chương 1 và chương 5). Như thế, đằng sau những lời than trách này là thái độ thiếu niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng vừa cho họ thấy cánh tay hùng mạnh của Người, khi Người dìm đoàn hùng binh của Pharaoh xuống lòng Biển Đỏ (x. Xh 14, 15-31). 
    Đứng trước lời than trách mang đậm tính kết án và thiếu niềm tin này, Thiên Chúa đã không đánh phạt dân, nhưng tỏ lòng xót thương họ, vì họ như một cậu thanh niên đang trong giai đoạn nổi loạn, rất cần nhận được sự tha thứ và kiên nhẫn từ phía cha mẹ trước khi cậu đạt đến độ tuổi trưởng thành. Thiên Chúa đã đáp trả những lời than trách ấy bằng việc Người hứa ban “bánh từ trời cho họ” (x. c4). 
    Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho dân thức ăn: chim cút vào ban chiều, và manna vào ban sáng. Ở đây, manna được mô tả chi tiết hơn, tạo được sự hứng thú nhiều hơn đối với dân Israel. Chi tiết văn chương này hàm ý: Manna sẽ có một vị thế quan trọng trong các bữa ăn thường ngày của dân Israel trên hành trình tiến về Đất Hứa. Còn chim cút thỉnh thoảng được ban, chứ không thường nhật như manna (x. Ds 11). Sách Giôsuê cho chúng ta biết, dân Israel dùng manna làm lương thực hằng ngày mãi cho đến khi họ cử hành xong đại lễ Vượt Qua tại vùng thảo nguyên Giêrikhô. Vào thời điểm đó, manna không còn nữa, và dân Israel bắt đầu dùng thổ sản trong đất Canaan (x. Gs 5,10-12). 
2. Bài đọc 2: Eph 4,17.20-24
    Thư gửi tín hữu Êphêsô có lẽ được thánh Phaolô viết khi ngài bị cầm tù tại Roma (x. Cv 28). Qua lá thư này, thánh Phaolô nhắc chúng ta về một chân lý quan trọng: Nhờ máu của Chúa Giêsu Kitô mà các tín hữu, dù là Do thái hay dân ngoại, đã được hiệp nhất thành một dân mới, thành một nhân loại mới (x. Ep 2,11-22). Vậy để chúng ta sống xứng đáng hơn với tư cách thành viên cao quí này, thánh Phaolô, qua Ep 4,17.20-24, khuyên các tín hữu cần phải biết cởi bỏ con người cũ, vốn bị những ham muốn lừa dối, để mặc lấy con người mới, vốn được thể hiện qua việc sống công chính và thánh thiện.  
3. Bài Tin Mừng: Ga 6,24-35
    Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu minh định: không ai khác nhưng chính Cha Ngài đã ban bánh từ trời xuống nuôi dân Israel trên hành trình họ tiến về Đất Hứa, như chúng ta đã tìm hiểu ở bài đọc 1. Hơn nữa, trong cách nói của mình, Chúa Giêsu còn đi xa hơn việc đề cập đến manna vật chất, khi Ngài đề cập đến “bánh đích thực”, “bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Bánh đích thực và trường sinh này chính là Ngài, để những ai thành tâm đến với Ngài, sẽ “không hề phải đói”, và ai tin vào Ngài, sẽ “chẳng khát bao giờ”. Như thế, Chúa Giêsu trở nên nguồn suối sự sống cho con người ở mọi thời. Cuộc sống của con người nhờ Ngài sẽ không còn bị giới hạn vào thế giới này, không còn bị đóng khung vào không gian và thời gian, nhưng vươn tới sự sống vĩnh cửu trường tồn. 
    Điều kiện để chúng ta có thể tiếp nhận được nguồn suối sự sống là chính Ngài, chính là việc chúng ta tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng được Chúa Cha sai đến cứu độ trần gian. Niềm tin ấy, tuy nhiên, cần phải được thể hiện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta bằng những hành động tốt đẹp, nhằm sinh hoa kết trái chân thiện mỹ ngay từ cuộc sống đời này, vì “đức tin mà không có hành động là đức tin chết” (x. Gc 2,17).

II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1/ Thiên Chúa luôn tỏ lòng xót thương Dân Người. Dù họ kêu trách và chống đối hai nhà lãnh đạo Moses và Aharon, tức là chống đối chính Người, Người vẫn ban bánh từ trời xuống nuôi sống họ trong suốt 40 năm hành trình trong sa mạc để tiến về Đất Hứa. Có khi nào tôi thấy nơi mình cũng có thái độ trách móc, oán than Thiên Chúa, như dân Do-thái xưa kia, nhưng đồng thời cũng nghiệm thấy lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa đối với mình ?
2/ Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải cởi bỏ “con người cũ” vốn bị những ham muốn lừa dối, vậy “con người cũ” là gì đối với tôi, và những ham muốn nào đang lừa dối tôi vào lúc này ? Làm thế nào để tôi có thể chiến thắng được con người cũ nơi mình ?
3/ Đức tin của tôi vào Chúa Giêsu Kitô hiện đang ở mức nào ? Ngài có thực sự là nguồn sống trường sinh của tôi vào lúc này, hay là tôi đang cậy dựa vào những thứ khác ? Nếu có, thì đâu là những thứ tôi đang bám vào ? Chúng có thực sự giúp tôi sống viên mãn không ? Làm thế nào niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu mỗi ngày được thêm củng cố ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa tình thương đã ban chính Con Một yêu dấu của Người làm “bánh ban sự sống” cho nhân loại. Cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tin tưởng tha thiết nài xin.
1. “Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ.” - Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn ý thức chăm sóc đoàn chiên Chúa trao bằng lương thực thần linh, qua việc cử hành và cổ vũ lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể.
2. Chúa Giêsu nói :“Các ngươi hãy tin vào Ðấng Thiên Chúa sai đến.” - Chúng ta cùng cầu xin cho các dân tộc và quốc gia chưa đón nhận hay có thành kiến với niềm tin Kitô giáo, biết khao khát tìm kiếm chân lý và mở lòng trước Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo.
3. “Hãy ra công làm việc vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời.” - Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, biết trân trọng và quan tâm đến những nhu cầu thiêng liêng để tìm thấy hạnh phúc đích thực và trường tồn.
4. “Hãy lột bỏ con người cũ và trở nên mới trong lòng trí anh em.” - Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, khi siêng năng tham dự thánh lễ và sốt sắng rước Chúa, được ơn thánh biến đổi trở nên những con người mới trong đời sống chứng tá.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch sự sống đời đời. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và rộng ban muôn ơn lành giúp chúng con biết nhiệt tâm phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, hầu đáng được thông phần sự sống Chúa ban qua Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét