CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN
(Ga
6,24-35).
I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.
1. Từ lương thực “mau hư nát”... đến
lương thực “trường tồn":
Sau phép lạ hóa bánh, Đức Giêsu “đã lánh
mặt đi lên núi một mình”. “Chiều đến”, các môn đệ Người xuống thuyền đi sang
“bên kia Biển Hồ”, còn Đức Giêsu lát sau đó “đi trên mặt biển” mà đến với các
ông. Hôm sau đám đông cũng xuống thuyền vượt qua Biển Hồ về hướng Capharnaum để
tìm kiếm Người. Mọi người sắp được Chúa mời gọi sống một cuộc “vượt qua” khác,
sâu xa hơn nhiều: vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua
từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là bánh trường sinh.
-
Trước tiên Chúa cảnh giác đánh thính giả của Người về mong muốn lệch lạc của
họ. Họ có sự hiểu lầm về lương thực (xem sự hiểu lầm của phụ nữ Samari về nước
uống): “Các ông đi tìm tôi, Chúa nói với họ, không phải vì các ông đã thấy dấu
lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. X.Léon-Dufour nhận xét: “Động cơ
thúc đẩy họ vẫn là mùi vị của bánh trần gian: họ đã không nhìn thấy trong ân
huệ bánh dư thừa, dấu chỉ của một lương thực khác phải tìm kiếm, thứ lương thực
thường tồn ban phúc trường sinh mà Con Người sẽ ban cho” (“Lecture de
l'Evangile de Jean”, cuốn II, Seuil, trang 132). Chính thứ lương thực này mà
con người phải khao khát được ăn; chính vì lương thực ấy mà con người phải “làm
việc” để kiếm tìm.
-
Ngộ nhận mới do những từ ngữ “làm”, “những việc” gợi nên. Dân chúng hỏi: “Chúng
tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Theo họ nghĩ, đó là
những việc bên ngoài mà Chúa đòi hỏi nơi những kẻ thờ phượng Người, như những
nghi lễ và một số những việc khác.
Lập
tức Đức Giêsu bắt họ bỏ qua “những việc” (số nhiều) để nghĩ đến “Việc Thiên
Chúa” (số ít); bởi lẽ “việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng
Người đã sai đến”.
2. Từ “bánh bởi trời”... đến chính Đấng
là “bánh trường sinh"
Những
người đàm đạo với Chúa xem ra sẵn lòng tin nhận Người là Đấng Thiên Chúa sai
đến, nhưng dẫu sao cũng có điều kiện: “Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi
thấy để tin ông?”.
Dân
chúng vừa mới được thấy dấu lạ là bánh hóa nhiều, thế mà họ còn đòi xem một dấu
lạ khác, thì kể cũng là lạ thường. Nhưng ta đừng quên câu chuyện mới xảy ra gần
đây, khi những người miền Galilê này đã coi Đức Giêsu như Vị Ngôn sứ, đó là:
theo truyền thống tiên tri, một dấu lạ được chứng thực là đúng thì phải được
người thực hiện nó loan báo trước. X. Léon-Dufour còn nhấn mạnh: “Thực ra người
ta không đòi hỏi Chúa thực hiện ngay dấu lạ, mà chỉ cần nói cho biết Người sẽ
làm dấu lạ nào” (O.C., trang 134).
Giống
như phụ nữ Samari nại đến tổ phụ Giacóp (4,12), những người Do Thái nại đến tổ
phụ Ápraham, thì đám đông người miền Galilê nại đến Môsê, người đã bầu cử với
Chúa ban cho có manna: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc”.
-
Đức Giêsu đã bài bác lối giải thích của họ, dựa vào lời họ trưng dẫn trong sách
Xuất hành mà làm bằng cứ:
+
Người ban manna, “bánh bởi trời” không phải là Môsê, như ý họ muốn nói, nhưng
là Đấng mà Người gọi là “Cha” của Người.
+
Điều cải chính trên về ai là kẻ ban phát manna không chỉ nói về thời dĩ vãng xa
xưa của cha ông họ khi Xuất Hành, mà còn liên quan tới thời buổi này đối với
những kẻ đang nghe Chúa nói. Ân huệ manna đó được ban cho chính họ ngay lúc
này, ơn huệ đó là đích thực. Lương thực Chúa Cha ban cho hôm nay làm cho hình
ảnh manna tiên báo và những lời hứa của Luật được ứng nghiệm. X.Léon-Dufour
viết tiếp: “Giữa quá khứ và tương lai thì đây là “hiện tại” của Thiên Chúa. Từ
việc nhớ lại “manna trong sa mạc” (hồi ức) và khao khát “được ăn mãi thứ bánh
ấy” (trông mong) người ta đạt tới thực tại mang tính bản thể” (O.C., trang
137).
+
Sau cùng “Bánh Thiên Chúa ban, bánh từ trời xuống” không chỉ dành riêng cho một
mình dân Israel
thôi. “Bánh đem lại sự sống cho thế gian” ấy, hết mọi dân tộc trên trái đất đều
có quyền được hưởng.
-
“Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”, dân chúng liền nói,
giống như phụ nữ Samari đã nói với Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp: “Thưa Ngài,
xin Ngài cho tôi thứ nước ấy” (4,15).
-
Với lời lẽ trang trọng Chúa nói với họ “chính tôi đây là bánh trường sinh”,
bánh các ông ao ước ăn đó, là chính tôi đây. “Đức Giêsu làm ứng nghiệm nơi
Người hình ảnh manna mang tính cánh chung vậy” (X.Léon-Dufour, Sđd, trang 136).
Bởi
vậy, điều kiện duy nhất để được ăn bánh đó là “đến” với Người và “tin” vào
Người. Vì tự coi mình là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (Kn 9,1: bài đọc I Chúa
nhật 20), là Nguồn sống đáp ứng được sự đói, khát của con người, Đức Giêsu trân
trọng mời gọi anh em Người tới dùng bữa: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai
tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.
II. BÀI ĐỌC THÊM.
1. “Từ
bánh được ban tới Người ban bánh, từ dấu lạ tới Đấng mà dấu lạ biểu thị”
(R.Josse trong “Célébrer” tạp chí của
CNPL, số 240, trang 41).
Câu
hỏi tỏ vẻ quan tâm ghi ở đầu trình thuật này ("Thưa Thầy, Thầy đến đây bao
giờ vậy") cho thấy đám đông có phần nào bị lạc hướng. Họ đã tìm kiếm Đức
Giêsu, nhưng không phải để hiểu biết Người: dấu lạ đã chỉ khơi dậy nơi lòng họ
ước muốn có bánh ăn, chứ không phải niềm khao khát được ánh sáng soi rọi giúp
hiểu biết về con người Đức Giêsu. Họ chẳng hiểu được ám chỉ về quyền năng của
Con Người. Theo kiểu đối thoại, Tin Mừng Gioan lần lượt trình bày cho biết sự
ngộ nhận do họ không hiểu biết.
Họ
ỷ mình đã từng được biết câu chuyện manna ghi trong sách thánh. Đức Giêsu vịn
vào lý lẽ của họ và hướng người nghe chú tâm đến Thiên Chúa: Môsê xưa đã cho
các ngươi ăn bánh bởi trời, nhưng không phải là bánh bởi trời đích thực, mà chỉ
là bánh nếm thôi. Trong Xuất Hành, manna nói lên ân huệ cụ thể thật cần thiết,
là lương thực được cung cấp sáng chiều: người ta hầu như nghĩ tưởng đến trình
thuật về sáng tạo, lực sáng tạo của Chúa hoạt động một cách vô cùng rộng rãi.
Nhưng ân huệ ấy vì là dấu chỉ thôi thúc lòng tin, nên phải nhắc nhở (con người
thụ hưởng) nhớ đến Đấng ban phát ơn tuy mắt không thấy, nhưng Ngài vẫn hiện
diện và hoạt động, vẫn lèo lái con đường giải thoát. Bánh Chúa ban, lúc này
đây, là chính Đấng từ trời xuống, Đấng đem lại sự sống cho thế gian.
Cuộc
đối thoại sẽ còn dẫn đến một ngộ nhận mới cũng giống như ngộ nhận của phụ nữ
Samari nơi Ga 4,15: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó!”. Nay
Chúa không lấy một cái gì đó mà cho người ta, Chúa cho chính mình Người. Từ
quan tâm đến việc Chúa làm, người ta chuyển quan tâm đến Người là ai. nghĩa là
phải từ bánh được ban tới Người ban bánh, từ dấu lạ tới Đấng mà dấu lạ ấy biểu
thị. Lòng tin vào Đức Kitô đòi phải có một chuyển biến sâu xa tự thâm căn con
người vậy.
2. “Lương thực đích thực”
(Đức Cha L.Daloz, trong “Nous avons vu sa
gloire”, Desclée de Brouwer, trang 81-82).
“Việc
Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Lời khẳng
định mạnh mẽ này phơi bày điều thầm kín từ đáy lòng họ. Họ đã biết đôi chút về
Đức Giêsu. Họ đã muốn tôn Người làm vua, sau khi được thấy dấu lạ hóa bánh.
Điều Chúa yêu cầu họ lúc này có tính cách bó buộc. Họ phải tin vào Người, phải
từ bỏ những tính toán riêng tư để đem lòng tin cậy Người. Đó cũng chính là vấn
đề quyết liệt được đặt ra cho tất cả những ai gặp gỡ Đức Giêsu, cho cả chính
chúng ta nữa. Ta có nhận là không nhờ Người để rà xem những ý tưởng riêng tư
của ta đúng hay sai, để thực hiện những chương trình của ta, mà trái lại ta
biết nhờ Người giúp đi vào chương trình Người hoạch định, đi theo Người đến nơi
Người muốn đưa ta đến? Những người đàm đạo với Chúa khi ấy lẫn tránh không muốn
sự lựa chọn quyết liệt này. Họ muốn được kiểm chứng, họ cần phải có được một
cuộc “giám định lại”, một dấu lạ khác... Họ không muốn dấn thân: “Ông làm được
dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”. Tuy họ đã được
thấy dấu lạ về bánh, nhưng họ chưa lấy làm đủ. Nhân danh Sách Thánh họ từ khước
Người: tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc. Cần phải có cái gì hơn thế
mới có thể lay chuyển được họ, những con người được liệt vào bậc thầy về Kinh
Thánh. Đối với người không tin Đức Giêsu, luôn luôn có cách tìm thoái thác. Thế
nhưng Đức Giêsu vẫn tiếp tục cuộc đối thoại. Người đi cho tới cùng mặc khải
Người đã bắt đầu. Người biện bác khởi đi từ chính vấn để họ đặt ra: “Thật, tôi
bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu. Ơn
manna khi ấy chỉ là một ân huệ tạm thời, chỉ là một loan báo mà giờ đây mới có
ý nghĩa đích thực. Chính việc hóa bánh ra nhiều cũng chỉ là một dấu chỉ. Chính
Đức Giêsu mới là bánh đích thực, từ trời xuống để cho thế gian được sống: Vì
bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét