THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lc 12, 13-21
Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể một truyện ngụ ngôn như sau: Ngày kia, một người
phú hộ gọi người đầy tớ trung thành nhất đến và nói:Tôi muốn thưởng lòng trung
thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi, và tính cho đến
lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm đất thuộc về anh.
Con người khốn khổ này tưởng mình như đang mơ. Tối đó anh không sao chợp mắt
được, chỉ mong trời mau sáng để mau chóng lên đường. Khi ánh dương vừa ló rạng,
anh đã hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa mãn với
tốc độ đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh càng
chạy nhanh hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu có, sẽ
không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy. Giữa trưa nắng,
anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh không muốn mất một
tấc đất nào. Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại và reo lên:
"Ðây là đất của ta, ta sẽ có tất cả không những cho ta, mà còn cho gia
đình, cho tương lai". Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt
mình hoa lên, tay chân không cử động, và tim anh cũng ngừng đập. Ngày hôm sau,
người ta chôn cất con người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ
cho một con người.
Kính thưa…Nỗi khốn khổ của người đầy tớ trên đây chính là sự khờ khạo của anh;
anh khờ khạo đến độ không nhận ra cái bẫy người giầu giăng ra, cũng như không
đo lường được sức mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại.
Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm
mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình
có đem theo được của cải nào sau khi chết hay không?
Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết
đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc
sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ
chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh
vọng, quyền bính.
Với câu kết luận : kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước
mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó ( c.21), Chúa Giêsu muốn cho chúng
ta thấy hậu quả của những người ham mê của cải. Số phận tay trắng vẫn “hoàn tay
trắng. của cải cũng mất mà linh hồn lại chẳng được cứu, vì khi còn sống, người
đó đã bám víu vào của cải. Nay của cải bỏ người ấy ra đi một mình, chúng không
đảm bảo cho người đó có cuộc sống đời đời. Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu đưa
ra hình ảnh đối lập giữa của cải và Thiên Chúa như Ngài đã nói : Không thể làm
tôi Thiên Chúa lẫn tiền của ( Mt 6,24). Ngài nhấn mạnh : cần làm giàu trước mặt
Thiên Chúa, nghĩa là tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là dùng tiền của
mua bạn hữu, dùng của cải đổi lấy Nước Trời, là làm chủ của cải chứ không lệ
thuộc nó.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người
có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của
cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ
mát mát, khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan,
là luận lý của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, ranh giới vực thẳm giữa giàu nghèo vẫn còn đó. Bên cạnh những thành
phố xa hoa, chơi bời vẫn còn có những tấm lưng còng cúi rạp trên bãi rác, hay
đầu đường xó chợ để tìm kiếm miếng ăn. Xin cho chúng con biết san bằng những hố
sâu ngăn cách ấy qua những bưổi tương trợ, bác ái giúp nhau, để thế giới thêm
vui tươi, hạnh phúc, mọi người đều có cơm ăn áo mặc, như thế chúng con mới là
anh em con cùng một Cha trên trời. A men.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét