Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

5.11.2015 – Thứ năm Tuần 31 Thường niên

Lc 15, 1-10
Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.” Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

Ông bà ta có câu “chọn bạn mà chơi” hàm ý khuyên con cháu lựa chọn kết thân với những người bạn tốt. Bởi theo lẽ thường, khi chơi với những người bạn xấu, ta có thể bắt chước thói hư tật xấu của họ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kết thân với những người bạn rất đặc biệt mà những người Pharisêu và kinh sư nhận xét rằng: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15, 2). Những người tội lỗi mong mỏi được xã hội đón nhận như những người bình thường. Điển hình là nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Ở đoạn cuối truyện, Chí Phèo đã phải thối lên: “Tao muốn làm người lương thiện!”. Mặc dù trước đó, Chí Phèo chuyên đi ăn vạ xin tiền. Trở lại đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu không hắt hủi hay thờ ơ với những người tội lỗi. Người công nhận sự hiện hữu của họ và “đón tiếp” họ. Đồng thời, người cúi xuống ngang hàng với những người tội lỗi bằng việc “cùng ăn uống” với họ. Đức Giêsu đối xử với người tội lỗi như thể họ là người công chính. Quả thật, Đức Giêsu là Đấng đầy lòng thương xót.
Đứng trước Chúa, ai trong chúng ta không là tội nhân? Noi gương Chúa Giêsu, ta cũng cần mở lòng chấp nhận và đồng cảm với những người tội lỗi của thời đại. Họ có thể là một cô gái “lầm lỡ”, một chàng trai nghiện ngập… Đức ái Kitô giáo đòi buộc ta đón nhận họ như là hình ảnh của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa. Chúa đã cúi mình xuống tận cùng của kiếp phàm nhân để cứu độ chúng con thì xin cho chúng con cam đảm sống một cuộc đời như Chúa. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét