Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN B


(Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13)

Bài Tin Mừng hôm nay nói về sứ vụ của Nhóm Mười Hai, tức các tông đồ. Đoạn Tin Mừng được chia làm hai phần chính: Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi loan báo Tin Mừng (Mc 6,7-11) và các ông thi hành sứ vụ đó (Mc 6,12-13).
Quả thật, Đức Giêsu đã lập Nhóm Mười Hai với mục đích: để các ông ở với Người và để sai các ông đi rao giảng (x. Mc 3,14). Như thế, sau khi “đã ở với Người”, các ông được “sai đi làm chứng” để tiếp tục sứ vụ của Người.
Đức Giêsu sai các tông đồ đi từng hai người một. Điều này nói lên rằng chứng của các ông về Đức Giêsu là chứng thật vì theo quy định của Lề Luật, một lời chứng chỉ có giá trị nếu có hai nhân chứng trở lên (x. Đnl 17,6; 19,15; Ds 35,30; Mt 18,16; Ga 8,16-17). Hơn nữa, đi từng hai người một không chỉ để an toàn và giúp đỡ nhau, nhưng quan trọng hơn là để biểu lộ tinh thần hiệp nhất, và nói lên việc làm chứng cho Tin Mừng này mang chiều kích cộng đoàn.
Gắn liền với việc sai đi rao giảng, Đức Giêsu ban cho các tông đồ quyền trên các thần ô uế, tức trừ quỉ (x. Mc 6,7). Điều đó muốn nói lên rằng sứ vụ loan báo Tin Mừng của các ông bào gồm việc chữa lành cả thể lý: bệnh tật; lẫn tinh thần: trừ quỉ (x. Mc 3,14-15; 6,7.12-13). Đây cũng chính là sứ vụ của Đức Giêsu (x. Mc 1,14-15; 1,21-27; 1,39). Như thế, các tông đồ là người tiếp tục sứ vụ của chính Thầy mình. Quả thật, Đức Giêsu chia sẻ sứ vụ đó cho các tông đồ là những kẻ đã nghe lời Người và chứng kiến việc Người làm, nghĩa là đã được “huấn luyện” với Người.
Sứ điệp mà các tông đồ rao giảng là “kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 7,12) và dĩ nhiên là vì “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Đó cũng chính là sứ điệp mà Đức Giêsu đã loan báo lúc bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người (x. Mc 1,14-15). Sứ điệp Tin Mừng này đòi hỏi sự canh tân nơi người nghe, hầu có thể đón nhận ơn cứu thoát.
Lệnh truyền không được mang gì đi đường (x. Mc 7,8-9) nói lên tính cấp bách của sứ vụ loan báo Tin Mừng và sự tin tưởng ký thác hoàn toàn cho Thiên Chúa quan phòng khi thi hành sứ vụ đó. Như thế, cuộc đời tông đồ là một cuộc lữ hành. Hành trang vật chất các ông mang theo chỉ là những gì tối cần cho một lữ khách: một cây gậy, một áo choàng và đôi dép, không cần mang theo lương thực, bao bị, tiền giắt lưng và đi từ nhà nay qua nhà khác, làng này qua làng khác. Nếu không, các ông lại lo tìm kiếm những phương tiện mà quên đi mục đích. Chúa muốn rằng người tông đồ không cần mang theo và cũng chẳng cần sở hữu gì ngoài Sứ điệp Tin Mừng.

GỢI Ý SUY NIỆM
1. Làm chứng cho Chúa, loan báo Tin Mừng (hay truyền giáo) là sứ vụ làm nổi bật căn tính của Hội Thánh và của mỗi Kitô hữu. Chúng ta ý thức được điều đó qua việc mỗi khi tham dự Thánh lễ, trước khi ra về, mọi người được cầu chúc và mời gọi: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.” Như thế, Thánh Lễ chưa kết thúc mà còn kéo dài suốt cả ngày và đi vào trong cuộc sống. Nói cách khác, đây là mời gọi đi loan báo Tin Mừng. Sau khi đã tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể trong Thánh lễ thì đến lượt, người Kitô hữu được mời gọi đem Lời Chúa, đem Đức Kitô đến cho người khác trong môi trường sống thường nhật của mình. Đó chính là đi làm chứng cho Đức Kitô giữa lòng đời. ĐGH Phanxicô cũng luôn tâm niệm điều trên khi ngài nhắc nhở chúng ta trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Ðức Chúa Giêsu Kitô”, và ngài nói “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình.” Ngài lưu ý thêm: “bên ngoài, có vô số người đói khát, và Chúa Giêsu liên tục nhắc cho chúng ta rằng: ‘Các con hãy cho họ ăn’” (số 49).
2. Về phía người nghe, không phải ai cũng đón nhận Sứ Điệp Tin Mừng mà người Kitô hữu loan báo. Hệ luận là trong khi thi hành sứ vụ, không phải lúc nào các sứ giả cũng được người ta tiếp nhận vui vẻ, nhiều khi còn bị người ta chống đối và xua đuổi như trường hợp ngôn sứ Amos. Thời đại của chúng ta cũng có nhiều thách đố tương tự và hơn thế nữa, như ĐGH Phanxicô đã đề cập trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (ss. 52-75). Tuy nhiên, dù gặp khó khăn và thách đố đi chăng nữa, người môn đệ của Đức Giêsu luôn xác tín thi hành sứ vụ của mình, vì biết rằng sứ vụ đó không do ý muốn của bản thân hay của người nào khác mà do ý muốn của Thiên Chúa.
3. Người Kitô hữu hôm nay có cùng một sứ vụ của các tông đồ xưa kia, đó là được Đức Giêsu sai đi để tiếp tục sứ vụ của Người: rao giảng Tin Mừng và đẩy lui sự dữ. Sứ giả Tin Mừng không chỉ nói suông nhưng còn có bổn phận đem niềm vui đến cho dân chúng bằng cách đổi mới đời sống của họ, cả về mặt tinh thần lẫn mặt vật chất. Trước hết, cần lo cho người dân “ăn năn sám hối” nghĩa là thay đổi lối sống tinh thần, hướng tới một đời sống luân lý lành mạnh, làm lành lánh dữ, đẩy lui những tệ nạn, và hướng đến một nền văn minh tình thương xuất phát từ tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Kế đến, khi điều kiện cho phép, cần cố gắng giúp họ cải thiện đời sống vật chất qua việc giáo dục, hướng nghiệp và chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, vì chính Đức Giêsu và các tông đồ cũng chữa lành bệnh tật thể lý cho dân chúng trong lúc rao giảng.
4. Một nguyên tắc nghe rất cũ nhưng luôn mới, đó là “mình không thể đem đến cho người khác điều mình không có”. Do đó, trước khi đi loan báo Tin Mừng, người sứ giả phải được đào tạo. Các tông đồ xưa, trước khi được Đức Giêsu sai đi, họ đã “ở với Người” (Mc 3,14). Qua việc “ở với Đức Giêsu”, họ đã được huấn luyện để trở thành người môn đệ, đã được nghe lời, thấy việc và nhất là kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu trong Đức tin, Đức Cậy và Đức Mến. Người Kitô hữu cũng thế, cần phải được đào tạo các khía cạnh của đời sống Kitô hữu và thấm nhuần lối sống Tin Mừng. Có như thế, người Kitô hữu mới có thể đem đến cho người khác điều mình đã tin, đã hy vọng, đã yêu mến và nhất là đã sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét