Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
Chủ đề:
TIN VÀO CHÚA
ĐỂ ĐƯỢC CỨU CHỮA VÀ PHỤC HỒI
“Đức Giêsu làm cho kẻ điếc được nghe
và kẻ câm nói được”
(Mc 7,37)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Lời Chúa hôm nay nói đến việc Thiên Chúa ra tay cứu thoát con người trong khi họ gặp tình cảnh bất hạnh và bi đát nhất, qua đó giúp họ nhận ra ân huệ Thiên Chúa và bắt đầu một đời sống mới trong chương trình cứu độ của Người.
1. Bài đọc I (Is 35,4-7a):
Bài đọc I hôm nay thuộc phần Isaia đệ I (chương 1-39), được đặt trong bối cảnh Israel đang gặp thử thách trầm trọng vì phải sống dưới ách thống trị của ngoại bang và phải đi lưu đày ở Babylon do họ đã bất trung với Thiên Chúa. Thê thảm hơn, họ đã đánh mất niềm tin và không còn niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Một khi rơi vào hoàn cảnh như thế, họ nản lòng đến sợ hãi vì tương lai quá mịt mù trước sự thắng thế của quân thù. Tình trạng bi đát này hoàn toàn đi ngược lại ý định ban đầu của Thiên Chúa dành cho họ.
Trong tình cảnh buồn thê thảm đó, ngôn sứ Isaia đã đến loan báo tin vui cho họ. Ông đã gieo vào lòng họ niềm tin và hy vọng của thời Thiên Sai, kêu gọi họ đừng sợ vì thử thách sắp kết thúc, đời sống của họ sẽ được phục hồi vì đã đến thời Thiên Chúa đến để thưởng phạt công minh: kẻ thù sẽ bị trừng phạt và dân chúng sẽ được cứu. Tin vui này được diễn tả bằng những hình ảnh cụ thể: mắt người mù được mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ reo hò. Như thế, những người bất hạnh, tượng trưng cho tình trạng của Israel bấy giờ, sẽ được chữa lành, phục hồi và tìm lại được niềm vui. Tin vui mà ngôn sứ Isaia loan báo cho dân Israel này sẽ được chính Đức Giêsu thực hiện trọn vẹn như được thuật lại trong bài Tin Mừng.
2. Bài đọc II (Gc 2,1-5):
Bài đọc II cho thấy một tình trạng bi đát khác của một số người trong cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi. Tình trạng bi đát này không phải do kẻ thù ngoại bang gây ra như đối với Israel cũ được đề cập ở trong bài đọc I, mà do chính những người anh em khác trong cộng đoàn tạo nên. Cụ thể là một số cộng đoàn Kitô hữu thời đó có thói quen đối xử thiên tư khi dành chỗ ưu tiên cho người giàu mà lại bỏ quên người nghèo trong khi hội họp và tham dự Nghi lễ Bẻ Bánh. Chính thánh Phaolô cũng lên án điều này trong các thư của Ngài (x. 1Cr 11,17-22). Trong bài đọc II, thánh Giacôbê lên án thói quen đó, vì đi ngược với tinh thần của Đức Kitô. Không thể để cho người nghèo bị chà đạp phẩm giá, vì chính họ là những người được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn.
Ngay trong cộng đoàn Kitô hữu, vẫn có sự thiên tư và đánh giá con người theo tiêu chuẩn bên ngoài, nhất là phân biệt giàu nghèo trong việc đóng góp vật chất để xây dựng cộng đoàn. Điều này đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa và gây ra sự mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ. Chúng ta chỉ khắc phục được quan niệm và cách hành xử sai lầm này bằng con mắt đức tin để thấy được rằng Thiên Chúa đã chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, nhưng họ lại giàu đức tin và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, để trao cho họ sự giàu có đích thực đó là nguồn ơn cứu độ tràn đầy.
3. Bài Tin Mừng (Mc 7,31-37):
Theo thánh Máccô, sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu bao gồm việc công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa, trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, được trình bày qua “một ngày mẫu của Đức Giêsu tại Caphácnaum” (Mc 1,21-34). Do đó, chữa lành bệnh tật là một phần căn bản trong sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện Đức Giêsu chữa lành người vừa điếc vừa câm trong vùng đất dân ngoại. Phép lạ này mang tính biểu tượng vì không đơn thuần là việc chữa lành bệnh tật về thể lý mà là về tinh thần. Quả thật, khi thuật lại việc chữa lành này, Máccô liên hệ đến sự câm điếc đức tin của con người: không thể nhận ra những dấu chỉ thời Thiên Sai, qua việc chữa lành bệnh tật, làm cho “kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được” như được đề cập trong sách Isaia. Như thế, qua việc Đức Giêsu chữa lành khiến cho người ta kinh ngạc này (Mc 7,37), ai có con mắt đức tin sẽ nhận ra Người là Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa đã hứa.
Cử chỉ Đức Giêsu đặt ngón tay vào tai và bôi nước miếng vào lưỡi mang tính tượng trưng chứ không phải là ma thuật. Theo Kinh Thánh, ngón tay Đức Giêsu đặt vào lỗ tai tượng trưng cho ngón tay quyền năng của Thiên Chúa (x. Xh 8,15; Lc 11,20) và nước miếng Đức Giêsu bôi vào lưỡi tượng trưng cho “hương vị khôn ngoan” và “hơi thở sự sống” của Thiên Chúa (trong nước miếng có hơi thở). Mỗi khi được chữa lành “mở tai ra” (Mc 7,45a) như thế, người ấy sẽ nghe được sứ điệp Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu; và mỗi khi “anh ta được tháo gỡ” và “nói được rõ ràng” (Mc 7,35b), người ấy có thể loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho mình và nhất là loan báo sứ điệp Tin Mừng mà mình đã được “mở tai” để nghe cho người khác.
Ngoài ra, kẻ vừa điếc vừa ngọng này cũng tượng trưng cho các tông đồ đang bước theo Đức Giêsu. Họ đã theo Đức Giêsu một thời gian dài, đã nghe nhiều lời Người giảng dạy và chứng kiến bao việc Người làm, nhưng họ vẫn chưa nhận ra căn tính Mêsia của Đức Giêsu và vì thế, làm sao hiểu được bản chất sứ vụ tông đồ của mình. Điều này được Máccô ám chỉ trước đó ít lâu (Mc 7,18a) và sau đó lặp lại lời trách một lần nữa (Mc 8,17-18). Bên cạnh, kẻ vừa điếc vừa ngọng thể lý này cũng tượng trưng cho phần đông dân chúng đã theo Đức Giêsu nhưng cách nào đó đang điếc và ngọng về mặt tinh thần. Vì thế, cần phải để cho Đức Giêsu đụng ngón tay vào tai, vào lưỡi và ra lệnh “Epphatha – hãy mở ra” để được chữa lành, hầu có thể “lắng nghe” sứ điệp Tin Mừng và rồi có thể “nói” sứ điệp ấy cho người khác.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.” Dù gặp hoàn cảnh bi đát hay tình trạng thê thảm đến mức nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng có thể được Thiên Chúa trợ giúp nếu không đánh mất niềm tin và hy vọng vào Người. Bên cạnh, trong mọi nơi và mọi thời, Thiên Chúa vẫn gửi đến cho chúng ta những trung gian để cũng cố niềm tin và gieo rắc hy vọng vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trước mọi cảnh huống của cuộc đời, tôi có niềm tin và hy vọng vào Chúa như thế nào?
2. “Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?” Trong cộng đoàn Kitô giáo, khi chúng ta sống thiếu xây dựng đời sống chung, so kè hơn thiệt, thiếu bác ái với người khác, dựa quyền cậy thế phân biệt đối xử giàu và nghèo, là chúng ta gây đau khổ, mâu thuẫn và chia rẽ lẫn nhau. Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, ĐGH Phanxicô dạy chúng ta rằng đối với Hội Thánh, việc chọn yêu thương người nghèo là một loại chọn lựa thần học, chứ không phải là loại chọn lựa văn hóa, xã hội học, chính trị hay triết học. Bên cạnh, người nghèo có nhiều điều để dạy chúng ta: về cảm thức đức tin, về thông phần với Ðức Kitô chịu đau khổ, về cách nhận ra sức mạnh cứu độ trong cuộc sống của họ (x. s. 198). Tuy nhiên, ĐGH đau lòng nhận định rằng người nghèo chưa được chăm sóc tinh thần đúng mức (x. s. 200). Chúng ta suy nghĩ phản tỉnh gì về những lời này?
3. “Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta để được chữa lành”. Chúng ta có can đảm để cho Đức Giêsu “đụng chạm” vào con người và cuộc đời của ta để Người phục hồi khả năng “nghe” của đôi tai và “nói” của miệng lưỡi về mặt tinh thần chúng ta hay không? Chúng ta có muốn để Đức Giêsu chữa lành khỏi “điếc” để có thể “nghe” được Sứ điệp Tin Mừng, bao gồm các lời cảnh tỉnh nhưng cũng chứa đựng đầy những lời chân lý, hy vọng và yêu thương, và khỏi giả điếc làm ngơ trước những bất công của xã hội? Chúng ta có sẵn lòng cho Đức Giêsu “mở miệng” để chúng ta có thể “lên tiếng” bảo vệ sự thật và công lý; hoặc “nói” lời hay lẽ phải, lời đem lại bình an, thuận hòa, lời an ủi và nâng đỡ nhau, lời có tính xây dựng đời sống cá nhân và cộng đoàn?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã chữa lành những bệnh tật hồn xác của con người, giúp chúng ta nhận ra hồng ân cứu độ của Người và bắt đầu một đời sống mới. Cộng đoàn chúng ta hãy chân thành cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin cho mọi người được sống trong ân sủng.
1. Hội Thánh được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô. Xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh biết noi gương Thầy Chí Thánh, luôn yêu thương giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bệnh tật, hầu đưa họ đến gần Thiên Chúa.
2. Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại. Xin cho các dân tộc và những ai chưa đón nhận Tin Mừng, được ơn tin nhận Chúa Giêsu là Đấng duy nhất cứu độ trần gian, thực thi lời Người truyền dạy hầu xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ.
3. Thiên Chúa là nguồn mạch mọi phúc lành. Xin Chúa thương đến những người đang gặp đau khổ thể xác và tinh thần, mở tai để họ lắng nghe và nhận biết ý Chúa, mở miệng để họ luôn cao rao ngợi khen Chúa giữa những nghịch cảnh của cuộc đời.
4. Thờ ơ trước sứ điệp Tin Mừng là một hình thức câm điếc thiêng liêng. Xin cho mọi người, mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta, không chỉ biết lắng nghe mà còn tích cực sống Lời Chúa bằng một đời sống yêu thương phục vụ và quảng đại chia sẻ.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Con Chúa giáng trần đã chữa lành và thi ân cho mọi người. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, giúp chúng con luôn thực thi ý Chúa và ca tụng Danh Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét