NGHIỆT NGÃ TRONG ĐỜI SỐNG
1/ Bài đọc I: (Tl 11: 29 - 39a)29 Thần khí của ĐỨC CHÚA ở trên ông Gíp-tác và ông đã sang Ga-la-át và Mơ-na-se, rồi qua Mít-pa Ga-la-át, và từ Mít-pa Ga-la-át ông qua đánh con cái Am-mon.
30 Ông Gíp-tác khấn hứa với ĐỨC CHÚA rằng: "Nếu Ngài trao con cái Am-mon vào tay con,31 thì -khi con đã thắng con cái Am-mon mà trở về bình an- hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con, người đó sẽ thuộc về ĐỨC CHÚA, và con sẽ dâng nó làm lễ toàn thiêu."
32 Ông Gíp-tác qua bên con cái Am-mon để giao chiến với chúng, và ĐỨC CHÚA đã trao chúng vào tay ông.
33 Ông đánh chúng tơi bời từ A-rô-e cho tới gần Min-nít, tất cả là hai mươi thành, và cho tới A-vên Cơ-ra-mim. Thật là một cuộc đại bại: con cái Am-mon bị hạ nhục trước mặt con cái Ít-ra-en.
34 Khi ông Gíp-tác trở về Mít-pa, về nhà ông, thì này con gái ông ra đón ông, vừa đánh trống vừa nhảy múa. Cô là con gái độc nhất của ông: ngoài cô ra, ông không có con trai con gái nào khác.
35 Thoạt nhìn thấy cô, ông liền xé áo và nói: "Ôi, con gái của cha, thật con làm khổ cha rồi! Chính con lại ở trong số những kẻ gây bất hạnh cho cha! Cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng ĐỨC CHÚA và không thể rút lại được."
36 Cô thưa với ông: "Thưa cha, cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng ĐỨC CHÚA, thì cha cứ thi hành cho con như lời cha đã khấn hứa, vì ĐỨC CHÚA đã cho cha trả thù được con cái Am-mon, kẻ thù của cha." 37 Cô lại nói với cha: "Xin cha cho con điều này là hoãn cho con hai tháng để con đi lang thang trên các núi đồi, mà khóc cho đời con gái của con cùng với các bạn con."
38 Ông nói: "Con cứ đi", và ông để cho cô đi hai tháng. Cô ra đi cùng với các bạn, khóc cho đời con gái của cô trên các núi đồi. 39 Hết hai tháng, cô trở về với cha, và ông thi hành cho cô lời ông đã khấn hứa. Cô chưa biết đến việc vợ chồng. Và đã thành mọi tục lệ trong Ít-ra-en.
2. Phúc Âm: Mt 22: 1-14
1Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2"Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.
4Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!" 5Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.
7Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới."
10Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. 11"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. 13Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."
Suy Niệm
Đứng ở góc độ nào đó, đôi khi chúng ta thấy một ứng xử của tình yêu, người thì cho là mù quáng, thiển cận. Nhưng ở một góc độ khác người ta lại nhận ra đó là một sự đáp trả mãnh liệt, một sự quảng đại không tính toán. Phụng vụ hai bài đọc hôm nay sẽ lý giải cho chúng ta về thái độ đó.
1. Nghiệt ngã của lời thề hứa.
Bài đọc một hôm nay, không phải là một dụ ngôn, cũng không phải là một huyền thoại, nhưng là một câu chuyện thật nơi dân Israen. Khi con cái Israen làm điều dữ trước mắt Đức Chúa, làm tôi các thần ngoại ban. Vì thế Đức Chúa trao họ vào tay các dân ngoại ( Tl. 10: 5-14).
Thủ lãnh Gíp-tác chỉ là một kẻ bỏ rơi, phiêu bạt. Khi ông được thỉ cầu khôi phục lại Israen, trong tay không có quân đội, không vũ trang trái lại phải đối diện với tứ bề vây hãm. Vì thế một lời khấn hứa của ông với Đức Chúa: "Nếu Ngài trao con cái Am-mon vào tay con, thì khi con đã thắng con cái Am-mon mà trở về bình an, hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con, người đó sẽ thuộc về ĐỨC CHÚA, và con sẽ dâng nó làm lễ toàn thiêu." Xem ra điều ông khấn hứa rất đơn giản, so với điều kiện dành cho ông thì quá lớn.
Nhưng điều nghiệt ngã ở chỗ, khi thủ lãnh Gíp-tác thắng trận trở về, người ra đón mừng ông đầu tiên lại chính là người con gái duy nhất của mình. Hẳn là trái tim của ông đã đau xót là nhường nào, và sự oan nghiệt của người con gái trinh tiết cũng thảm thương biết bao.
Sự nghiệt ngã của thủ lãnh Gíp-tác và sự oan nghiệt của người con gái trinh tiết, chúng ta có thể rung động, chặn lòng, đau xót, cảm thông . . . Vậy còn một nghiệt ngã, oan trái lớn hơn nữa mà phụng vụ muốn chúng ta nhận ra, là sự phản bội của nhân loại, của con người và của mỗi chúng ta, mà Thiên Chúa Cha đã phải trao nộp chính người Con Một rất yêu dấu của Ngài, là Đức Giêsu Kitô. Như lời thánh Phaolô trong thư Rôma: "Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?"(Rm 8: 32). Liệu chúng ta có rung động và chặn lòng trước sự nghiệt ngã ấy không? Chúng ta có nhận ra tại vì tôi mà Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa phải gánh lấy oan nghiệt đó không? Mời mọi người cùng suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
2. Nghiệt ngã tiệc hoàng gia
Con người sinh ra để được Thiên Chúa cứu chuộc, và thiên đàng lập ra để được con người chung hưởng vói Thiên Chúa. Hình ảnh dụ ngôn hôm nay Đức Giêsu muốn nói lên điều ấy. Tiệc cưới hoàng gia, Đức vua tha thiết kêu mời "năm lần bảy lượt" những khách mời. Nhưng nghiệt ngã ở chỗ: "Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết". Và hậu quả: "Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng". Đó là số phận những kẻ từ chối nước trời chỉ lo bám víu vào thực tại trần gian, sẽ cùng chung số phận với thành Giêrusalem bị tiêu hủy vào năm 70. Chỉ có bữa tiệc hoàng gia tiếp tục tồn tại, và khách mời vẫn bước vào dự tiệc, họ là những người từ khắp phương trời tiến vào. Nhưng sự oan nghiệt một lần nữa sẩy ra, đó là số phận của kẻ không mặc y phục lễ cưới. Có nhiều lý giải khác nhau về vấn đề y phục, nhưng ở đây điều Đức Giêsu muốn nói đến, là vào nước trời không phải là chuyền tình cờ, cơ hội ăn theo, là chuyện bất đắc dĩ. Nước trời chỉ dằn cho những ai biết chuẩn bị, cho kẻ sẵn sàng, người biết tỉnh thức chờ đợi.
Thiên An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét