20/8. Thứ Năm. Thánh Bernađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh. Tl
11,29-39a; Mt 22,1-14
Tin Mừng - Mt 22,1-14
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân
những dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho
hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ
không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: 'Hãy nói cùng những người
đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi,
mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới'. Nhưng những người ấy đã
không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những
người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền
nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành
phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: 'Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng,
nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường,
gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới'. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai
bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người
không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: 'Này bạn, sao bạn vào
đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?' Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền
cho các đầy tớ rằng: 'Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ
phải khóc lóc và nghiến răng!' Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ
được chọn thì ít".
Suy Niệm
Bài đọc I nghe như câu chuyện cổ
tích hấp dẫn, nhưng câu chuyện cổ tích này kết thúc không có hậu. Lời hứa của
ông Giéphte trước khi đánh trận với con cái Ammon phải được thực hiện, người
con gái duy nhất của ông phải trở thành của lễ toàn thiêu dâng cho Chúa.
Khi nghe điều này có lẽ nhiều
người đặt vấn đề: nỡ lòng nào Thiên Chúa lại bắt ông Giéphte phải giữ lời hứa.
Hơn nữa ông chỉ lỡ lời trong lúc chưa suy nghĩ đắn đo!
Đó là suy nghĩ, cái nhìn của con
người chúng ta. Thật sự khi đọc lại lịch sử cứu độ thời Cựu Ước, có nhiều câu
chuyện còn khó hiểu hơn nữa về hành động và ý muốn của Thiên Chúa. Có những câu
chuyện cho thấy một Thiên Chúa thật tàn ác, toàn thấy đánh phạt, giết chóc,…
Chẳng hạn như trong điều luật của Môsê có lệnh truyền của Thiên Chúa cho dân Israel phải thi
hành gọi là ÁN TRU HIẾN VÀ BIỆT HIẾN. Các sinh vật của kẻ thù đều phải bị tiêu
diệt hiến tế dâng mạng sống cho Thiên Chúa (tru hiến); các đồ vật phải được
dành riêng dùng vào việc thờ phượng trong nơi thánh (biệt hiến). Biệt hiến cũng
mang nghĩa là một là lời khấn, qua đó người ta tình nguyện dâng hiến dứt khoát
(không thể hồi lại) một vật gì đó (như: người, súc vật hay của cải) cho Thiên
Chúa. Và đây chính là trường hợp của con gái ông Giéphte trong bài đọc I hôm
nay.
Như vậy, chỉ xin tóm lại một
điều: “Đây là một chủ đề tôn giáo nhằm đề cao sự tinh ròng của niềm tin vào
Thiên Chúa, sự trung tín với giao ước; nó cho thấy một sự suy tư hậu thời về
các biến cố đã xảy ra rất lâu trong quá khứ, và như vậy nó mang tính lý thuyết
hơn là đã xảy ra trong thực tế lịch sử. Sau nhiều thế kỷ sống chung với các dân
ngoại, dân Israel nhiều lần đã bị sa ngã vào tội thờ tà thần của họ và bắt
chước lối sống vô luân của họ, nên tác giả hai sách Đệ Nhị Luật và Giôsuê muốn
nêu cao lối sống nghiêm nhặt của cha ông là tuyệt đối không chấp nhận ảnh hưởng
của dân ngoại. Điều này giống như một lý tưởng tôn giáo được đề ra để dạy dân Israel trong
các thời đại sau này mà thôi.”
Trở lại với câu chuyện trong bài
đọc, chúng ta có thể thấy được lòng trung tín của ông Giéphte và người con gái
ông. Ông chấp nhận đánh đổi tất cả, dù là đứa con gái duy nhất của mình để tỏ
lòng trung tín với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con giật mình khi
nhìn lại đời sống đạo của mình, có biết bao điều chúng con hứa hẹn với Chúa,
nhưng ít khi chúng con nhớ mà tuân giữ; chúng con vội hứa rồi cũng vội quên.
Chúng con xin lỗi Chúa, xin Chúa thứ tha. Amen!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét