Chúa Giê-su đối phó với định kiến
(Mác-cô 6:1-6)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh
Mác-cô
1Khi ấy, Đức Giêsu trở về quê quán của
Người, có các môn đệ đi theo. 2Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong
hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được
như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được
những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3Ông ta không phải là con bác thợ mộc, con
bà Maria và là anh em với các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Giu-đa và Si-môn sao? Và
họ vấp ngã vì Người. 4Đức Giêsu bảo họ: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ
là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình
mình mà thôi.” 5Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt
tay trên vài
bệnh nhân và chữa lành họ. 6Người lấy
làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm :
Trên
đường thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su có dịp trở về Na-da-rét, nơi Người đã lớn lên
và sinh sống. Không cần biết lý do gì khiến Người ghé lại quê nhà,
đây vẫn là một cơ hội để sống lại tình thân và những kỷ niệm êm
đềm. Mặc dù Chúa Giê-su đã là người của công chúng, nhưng Người
không quên mình luôn là một người con của Na-da-rét. Do đó phố xá và
người dân Na-da-rét là những gì thân thương của Người. Tuy nhiên
giữa lòng Na-da-rét còn một nơi đáng ghi nhớ nhất, đó là hội đường, nơi Chúa
Giê-su đã vun trồng đời sống thiêng liêng của mình qua những buổi chia sẻ lời
Chúa với anh chị em tại hội đường. Những lời giảng dạy và chia sẻ
của Người đầy khôn ngoan làm cho nhiều người nghe rất đỗi ngạc
nhiên. Ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Chúa Giê-su, người dân
Na-da-rét bắt đầu có vấn đề, vấn đề định kiến.
Việc
Chúa Giê-su thi hành sứ vụ đã làm cho Người nổi tiếng. Dân làng
Na-da-rét nghe đồn về Người. Hôm nay Người trở về quê nhà và sau khi
Người giảng dạy tại hội đường, dân chúng thấy quả thực lời đồn không
sai. Sự đố kỵ khiến họ nêu lên một thắc mắc chung: “Bởi
đâu ông ta được như thế?” và họ muốn có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng
đố kỵ và định kiến đã che mất tầm nhìn của họ, để họ không thấy được sự khôn
ngoan và quyền năng của Chúa Giê-su là từ Thiên Chúa mà có. Họ nhìn
Người không vượt qua những liên hệ nhân loại như bác thợ, con bà Ma-ri-a, anh
em với một số người tại Na-da-rét. Rồi vì không thấy được nguồn gốc
Thiên Chúa của Chúa Giê-su, họ coi Người chỉ là con người họ đã từng gặp trước
đây, điều mà thánh sử Mác-cô gọi là “họ vấp ngã vì Người”. Việc vấp
ngã của dân làng Na-da-rét chính là định kiến về xuất xứ của Chúa
Giê-su. Với họ, Chúa Giê-su không phải là người Thiên Chúa đã sai đến với
con cái Ít-ra-en (Ê-dê-ki-en 2:3), cũng không phải là một ngôn sứ đang ở giữa
họ (2:5), mà đơn thuần chỉ là một con người tầm thường.
Tuy
nhiên điều quan trọng chúng ta học được ở câu chuyện Tin Mừng hôm nay không
phải từ nơi dân làng Na-da-rét, mà là cách Chúa Giê-su ứng phó với thử thách do
định kiến và ghen tương của họ. Trước hết Người không sử dụng quyền
năng Thiên Chúa của mình để sai lửa từ trời xuống thiêu hủy Na-da-rét (xem
Lu-ca 9:51-56). Người chỉ bình tĩnh nói lên một sự thật bình
thường: bụt nhà không thiêng! Lòng tin là điều kiện tất
yếu để phép lạ xảy ra, cho nên sự kiện Người “không thể làm được phép lạ nào
tại đó” không phải vì Người không đủ quyền năng, nhưng vì họ thiếu
lòng tin. Chúng ta có thể nghĩ là Người cảm thấy buồn và lấy làm lạ
vì họ không tin. Nhưng sự kiên nhẫn đã giúp Người dừng lại ở đó và
tìm cách giải quyết sao cho thích hợp với việc thi hành sứ vụ, đó là “đi các
làng chung quanh mà giảng dạy”. Ưu tiên của Người là rao giảng Tin
Mừng chứ không phải là chỉ tìm kiếm thành công và làm cho người khác ngưỡng
mộ. Người coi nhu cầu đón nhận Tin Mừng của những người dân các làng
chung quanh lớn hơn cả danh thơm tiếng tốt của cá nhân Người đã bị dân làng
Na-da-rét coi thường. Không những Người vững lòng tiếp tục thi hành
sứ vụ, mà còn “gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” để
họ nâng đỡ nhau mà đối phó với thử thách (Mác-cô 6:7-13).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Đối
phó với thử thách do ghen tương, đố kỵ là điều chúng ta không ai tránh
khỏi. Nhưng chúng ta thường đối phó theo cảm tính hoặc với não trạng
bảo vệ hay trả thù. Không thiếu những trường hợp chúng ta tham gia vào
những sinh hoạt cộng đồng hay giáo xứ và trở thành nạn nhân của đố kỵ và ghen
tương. Một ca viên nổi trong ca đoàn có thể bị ca viên khác chê
bai. Một thành viên đắc lực của hội đồng mục vụ có thể bị đổ oan là
muốn quảng cáo cho dịch vụ của mình. Biết bao nhiêu ví dụ nữa khi
chúng ta đóng góp xây dựng cộng đoàn. Đố kỵ ganh ghét là con đẻ của
lòng kiêu căng. Vì thế chúng ta hãy tập cách đối xử của Chúa Giê-su,
Đấng mời gọi chúng ta hãy học với Người, vì Người hiền lành và khiêm nhượng
trong lòng, luôn bỏ đi thái độ tự ái để tiếp tục chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa
trao ban.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét