Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Chúa Nhật II Mùa Vọng

I.          Tìm Hiểu Lời Chúa
1.         Bài Đọc I : Br 5, 1-9
Niềm hy vọng mừng vui cho Giêrusalem
Trong một trang sách giàu chất thi ca, vị Tiên tri đã gửi tới Thành Giêrusalem một thông điệp vui mừng và hy vọng : con cái bị lưu lạc sẽ được Chúa đưa trở về trong danh dự và vinh quang. Dân thành sẽ nhận biết một kỷ nguyên thịnh vượng và hoà bình.
a.         Đây là một trong những bài thánh thi hay nhất trong Kinh thánh ca ngợi lòng nhân ái của Thiên Chúa dành cho dân của Người. Từ sự tủi nhục Thiên Chúa đã đưa dân tiến tới vinh quang; từ khốn khó đến sự phồn vinh; từ đau buồn của khóc than tiến tới niềm vui.
b.         Nhưng để Thiên Chúa gặp lại dân Ngài thì dân  cần phải có sự quay trở về, từ bỏ tội lỗi và sự bất trung là nguyên nhân gây nên sự dữ.. Cần phải mặc lại chiếc áo công chính.
c.         Cũng thế, vì Thiên Chúa chăm sóc con cái Ngài như một người cha tốt nhất, nên trong thử thách, chúng ta cần phải tín thác chờ đợi giờ Thiên Chúa can thiệp. Chắc chắn Ngài sẽ đến.
2.         Bài Đọc II : Pl 1, 4-6.8-11
Hướng tới sự hoàn thiện ngày một hơn.
Sau khi thổ lộ tất cả tình cảm chan chứa của mình dành cho anh chị em Philipphê và niềm vui mừng của mình trước sự thăng tiến đời sống thiêng liêng của họ, Thánh Phaolô mời gọi họ tỉnh táo hơn nữa để tiến tới không lầm lạc trên đường hướng đến Đức Kitô.
a.         Với tình yêu của Đức Kitô, Thánh Phaolô không ngừng cầu nguyện cho những người cộng tác loan báo Tin mừng với mình có được tình yêu nồng cháy trong sự hiểu biết sâu xa về con người và sứ mạng của Đức Kitô.
b.         Đời sống Kitô hữu, ngài giải thích là một sự tăng tiến hướng tới sự hoàn thiện viên mãn trong Đức Kitô.
c.         Bản văn này đuợc đặt trong bối cảnh và tinh thần của mùa vọng thật ý nghĩa. Một thời gian để suy gẫm, để cầu nguyện và để cố gắng tiến triển trong sự nhận biết thánh ý Chúa và trung tín sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn, quảng đại hơn.
3.         Tin Mừng : Lc 3, 1-6
Thánh Luca đưa chúng ta tham dự vào sự khởi đầu sứ mạng của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan : Gioan, quả nhiên, đã được trao sứ mạng chuẩn bị cho đồng bào của mình đón Đấng Messia sắp ngự đến.
a.         Trước hết, bằng sự am hiểu lịch sử, Luca quan tâm ghi các mốc thời gian đương thời để đánh dấu việc khởi đầu sứ vụ của Gioan Tẩy Giả và sự xuất hiện công khai của Đức Giêsu Kitô. Khi đánh dấu thời gian xuất hiện của Gioan và của Đức Giêsu Kitô với các Vua và Thượng Tế bấy giờ, Luca muốn xác định thời gian của hai sự xuất hiện này trong lịch sử trần thế. Tất nhiên, khi đưa những mốc thời gian sử liệu, Luca không chú tâm đến lịch sử trần thế mà chủ đích là muốn lồng lịch sử này vào trong lịch sử Cứu độ.
b.         Tiếp theo, Luca trình bày vắn tắt tổng quát về lời rao giảng sám hối của Gioan. Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả bắt đầu tạo nên một giai đoạn chuẩn bị cận kề vì Đấng Cứu Thế đã đến. Lấy lại lời Tiên tri Isaia loan báo, Luca minh chứng Gioan xuất hiện là giai đoạn cuối cùng của Cựu ước. Giai đoạn này, Dân Chúa được kêu gọi trở về với Thiên Chúa của mình trong tinh thần sám hối và khiêm nhường. Sứ mạng của Gioan là loan báo lần cuối cùng về ơn Cứu độ của Thiên Chúa và bắt nối vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đến thực hiện ơn Cứu độ.
c.         Trong bối cảnh mùa vọng, Bản văn này được chọn đọc nhằm mục đích cho thấy rõ điều thiết yếu trong nỗ lực sống đức tin của Kitô hữu là phải khai mở trong tâm hồn một con đường cho Vương quốc của Đấng Cứu Thế ngự đến. Khai mở bằng việc chỉnh sửa lại ý hướng bản thân, bằng việc quyết tâm chống lại những tính hư tật xấu, và bằng việc chấm dứt những mối bất hòa với anh em.
II.        Gợi Ý Bài Giảng
1.         Từ Gioan  Tẩy Giả đến Kitô hữu ngày nay, cùng chia sẻ một sứ mạng : Gioan Tẩy Giả có sứ mạng chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến với dân Ngài. Sứ mạng của ông gắn liền với một bối cảnh lịch sử cụ thể như Thánh Sử Luca đã tỉ mỉ ghi lại những dữ liệu lịch sử, mốc thời gian mà Gioan Tẩy Giả xuất hiện. Chắn chắn không phải là việc thừa thãi khi Luca cố ý ghi lại những nhân vật lịch sử, mốc thời gian : “Đời Hoàng Đế Tibêriô năm thứ 15, Phongxilô Philatô làm Tổng trấn xứ  Giuđêa … có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa”. Chúa kêu gọi một con người gắn liền với một không gian, thời gian cụ thể để làm một việc Chúa muốn trong chương trình Cứu độ của Ngài, chương trình trải dài suốt lịch sử nhân loại này. Từng thời gian, từng không gian Chúa sẽ chọn gọi những người Chúa muốn để loan báo sứ điệp Cứu độ của Ngài cho mọi người. Nói cách khác, Gioan đã chấm dứt sứ mạng của mình cách tốt đẹp. Ngày nay, sứ mạng đó lại được tiếp nối qua ơn gọi Kitô hữu của mỗi người. Chúng ta không phải là những người của quá khứ, cũng không phải là những người được chọn cho tương lai mà là những con người của ngày hôm nay. Những Kitô hữu của Việt Nam, thời thế kỷ thứ XXI, sống trong đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa … Thiên Chúa đã muốn như thế. Ngài đã chọn mỗi người chúng ta là những Gioan Tẩy Giả cho ngày hôm nay, cho những anh chị em thời đại của mình, nơi chốn của mình.
Như thế, trách nhiệm của mỗi Kitô hữu là phải xây dựng niềm tin và ý thức sứ mạng : mỗi tín hữu là một Gioan Tẩy Giả được sai đến trong gia đình, xứ đạo và môi trường xã hội của mình. Từ đó, biết mình phải làm gì, nói gì? để chuẩn bị cho anh chị em chung quanh biết đón nhận Chúa. Để Thực Sự là Gioan Tẩy Giả chính bản thân phải biết hối cải và sống niềm hy vọng chờ đón Chúa. Cần phải chuẩn bị thích đáng cho vai trò Tiền hô của mình. Chuẩn bị bằng mọi cách : từ cách mạng thông tin, đấu tranh chống khủng bố, ủng hộ phong trào hoà bình, đến xây dựng nền văn minh sự sống để chờ Chúa đến.
2.         Sứ điệp của Gioan Tẩy Giả, một thông điệp thời sự cho Kitô hữu ngày nay : Gioan kêu gọi mọi người sám hối, dọn đường cho Chúa ngự đến. Sứ mạng của ông đã kết thúc khi Đức Giêsu Kitô xuất hiện công khai để loan báo Tin Mừng, thực hiện công trình cứu độ. Gioan là Tiên tri cuối cùng của Cựu ước, là bản lề nối thời Cựu ước với Tân ước, nhưng không vì thế mà sứ điệp của ông không còn gia trị nữ. Đành rằng ngày nay, Đức Giêsu Kitô đã hoàn tất công trình cứu độ của Ngài, ơn cứu độ đã tuôn đổ cho nhân loại, nhưng để đón nhận được ơn cứu độ thì chính mỗi người phải biết chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận. Trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện xã hội ngày nay, Thiên Chúa muốn đến với con người, đến giữa lòng nhân loại cũng vẫn đang phải đi vào những con đường quanh co khúc khuỷu của lòng người thâm hiểm, những con đường đầy vực thẳm hố sâu của tệ nạn xã hội, những con đường cụt không lối ra của lòng hận thù, chiến tranh và bạo lực trong thế giới. Cho nên, sứ điệp của Gioan vẫn còn đó tính thời sự của nó. Con người và xã hội hôm nay rất cần phải dọn đường để Chúa ngự đến. Dọn từ tâm hồn mỗi người cho đến toàn xã hội. Bên cạnh đó, tuy dẫu ơn Cứu độ của Chúa đã được thực hiện, đã được trao ban nhưng vẫn còn rất nhiều người, nhiều nơi chưa được thấy.
Nhận ra tính thời sự trong sứ điệp của Gioan tẩy Giả sẽ giúp mỗi người sống mùa vọng này ý nghĩa hơn thiết thực hơn. Mùa vọng không chỉ là khoảng thời gian trong chu kỳ của niên lịch phụng vụ, đến hẹn lại lên để rồi làm mọi sự như một thói quen máy móc, thành một nếp sống nhàm chán. Nhưng nhờ đó, sống tích cực hơn, mùa vọng sẽ như làm một điểm mốc để kiểm điểm bản thân, làm mới lại sức sống đức tin; mùa vọng sẽ như là một dấu nhấn để can đảm dấn bước lên đường và mùa vọng sẽ như là một cánh cửa hy vọng mở ra một giai đoạn mới trong hành trình đức tin.
3.         Canh tân cuộc sống theo lời Gioan Tẩy Giả, một đòi hỏi khần thiết : Gioan tẩy Giả kêu gọi sám hối canh tân cuộc sống để chuẩn bị đón Chúa, nhưng bây giờ Chúa đã đến rồi, ơn cứu độ đã trao ban rồi. Mùa vọng chỉ là thời gian nhắc nhớ đến việc Chúa đến lần thứ nhất để hướng lòng chờ đón Chúa đến lần thứ hai. Vậy thì không còn thời gian để lần lữa, để trì hoãn hay để chuẩn bị mà bây giờ là thời gian dứt khoát đón nhận hay không đón nhận Chúa và ơn cứu độ của Ngài. Chính vì thế, lời mời gọi sám hối, canh tân cuộc sống là một đòi hỏi khẩn thiết. Chúa đã đến nhà và Ngài đang đứng gõ cửa chờ đợi mỗi người mở cửa để Ngài vào. ‘Hãy lấp mọi hố sâu, hãy san mọi núi đồi, sám hối canh tân là một đòi hỏi của lòng trong sạch, phải loại bỏ mọi tư tưởng tội lỗi xấu sa thấp hèn, mọi dục vọng bất chính. Chính chúng là cội rễ của mọi tính hư tật xấu : kiêu ngạo, ích kỷ, ghen tuông, hung hăng, bạo lực … Đức Kitô không thoả hiệp với sữ xấu, không ở chung với chúng. ‘ Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng’, sám hối canh tân là một đòi hỏi về sự công chính, sự công chính trong chiều cao đối với Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng và là Chủ tể muôn vật; là Cha đầy lòng nhân từ, chúng ta sống công chính với Ngài khi tôn thờ và đón nhận Ngài với tất cả tình yêu mến. Sự công chính trong chiều ngang đối với anh chị em, họ là những người cùng chung sống, cùng đồng hành với chúng ta. Biết bao người anh chị em của chúng ta đang lâm vào cảnh bất hạnh, khó nghèo, mồ côi. Sống công chính với họ là chúng ta phải biết yêu thương cảm thông và làm sao mang lại cho họ phẩm giá và sự giải thoát, làm sao chia sẻ cho họ hạnh phúc của mình. ‘ Con đường gồ ghề hãy san cho bằng”, sám hối canh tân là một đòi hỏi về đời sống nội tâm. Tâm hồn chúng ta gồ ghề bởi biết bao những chi phối, lo toan của cuộc sống hàng ngày. Cơm áo gạo tiền, danh vọng, quyền lợi … chiếm hữu tất cả tâm trí, tình cảm của cá nhân, khiến cho tâm hồn không còn chỗ cho Chúa nữa. Chúa đã đến, chúng ta phải liên kết chặt chẽ với Ngài. Trong tâm khảm phải níu giữ Lời Ngài, trong cuộc sống phải thực thi Lời Ngài.
III.       Lời Cầu Chung
* Lời Mở : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Kitô đã đến để ban tặng cho chúng ta hồng ân cứu độ. Trong tâm tình chúc tụng, ngợi khen Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1.         Hội Thánh có sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần Hội Thánh luôn biết đồng hành, hiện diện với con người và xã hội hôm nay để làm cho thế giới này ngày càng phát triển những gía trị Tin Mừng.
2.         Chúa đã đến hơn hai ngàn năm qua nhưng thế giới ngày này vẫn còn biết bao nhiêu tệ nạn xã hội, chiến tranh, hận thù và bất công. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia luôn biết đối thoại, cộng tác với nhau xây dựng một thế giới văn minh, hòa bình và tràn đầy tình người.
3.         Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để ai nấy biết nỗ lực canh tân đổi mới cuộc sống theo những giá trị của Tin Mừng.

* Kết Nguyện : Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, Chúa đã yêu thương cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến để cứu độ, giải thoát chúng con khỏi kiếp nô lệ cho tọâi lỗi, ma quỉ và sự chết. Xin thương đoái nhận những ý nguyện chân thành của chúng con, cho chúng con biết dọn mình sẵn sàng đón chờ ngày Đức Kitô ngự đến trong vinh quang. Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét