Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - B Ds 11, 25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9, 38-43. 45. 47-48


Chủ đề: TINH THẦN BAO DUNG
 Đừng ngăn cản người ta…
ai không chống lại chúng ta
là ủng hộ chúng ta

(Mc 9, 39-40)
I
. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC 1: Ds 11, 25-29
Sách Dân Số là quyển thứ tư trong Bộ Ngũ Thư (Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật). Về mặt nội dung Sách Dân Số có thể được chia thành ba phần chính:
1/ Chương 1-10: Dân Israel chuẩn bị tiến về Đất Hứa
2/ Chương 11-25: Dân Israel đi trong sa mạc khoảng 40 năm
3/ Chương 26-36: Dân Israel lại chuẩn bị chiếm Đất Hứa làm gia sản
Bài đọc 1 hôm nay – Ds 11, 25-29 – thuộc về Phần II của Sách Dân Số, vốn bàn nhiều đến một sự thật đáng buồn trong dân Israel: trong hành trình tiến về Đất Hứa, dân Israel đã nhiều lần kêu trách Đức Chúa. Khi thấy những đám dân hùng mạnh trong đất Canaan, dân Israel đã khiếp sợ, họ không chịu tiến vào Đất Hứa như Đức Chúa đã truyền cho họ. Họ nổi lên chống đối Môsê và Aaron. Họ đòi lập một nhà lãnh đạo khác để dẫn họ trở lại Ai-cập. Hậu quả cho một loạt các hành vi phản loạn của dân là Đức Chúa bắt họ phải đi trong sa mạc đến 40 năm trước khi họ có thể vào Đất Hứa. Thế hệ những kẻ chống đối cũng phải bỏ xác trong sa mạc.
Đi vào chi tiết hơn của nội dung Sách Dân Số, chúng ta nhận thấy Phần II này bắt đầu bằng những lời than trách của dân Israel. Trước hết tại Taberah, dân ta thán về những khổ cực của họ (x. 11, 1-3). Kế đó, dân lại ta thán về tình trạng mà họ xem là đáng thất vọng khi đem so sánh với cuộc sống trước đó của họ bên Ai-cập: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sách, chỉ còn thấy manna thôi” (11, 4b-6). Rồi họ lại tụm năm tụm bảy tại kêu khóc tại cửa lều của mình (x. 11, 10). Đứng trước những cảnh than trách này, Môsê cảm thấy mỏi mệt, ông thấy mình không thể chu toàn nổi vai trò lãnh đạo đối với đám dân này. Môsê thưa với Đức Chúa: “Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con” (11, 14).
Đức Chúa đã trả lời bằng việc hứa ban ban Thần Khí cho 70 vị kỳ mục để họ cùng chia sẻ gánh nặng với Môsê. Đức Chúa đã lấy một phần Thần Khí đang ngự trên Môsê mà ban cho 70 vị kia. Khi Thần Khí ngự trên họ, họ bắt đầu tuyên sấm. Chúng ta đã biết trong Sách Xuất Hành, trước lời khuyên chí tình của nhạc phụ Jethro, Môsê đã đặt các vị thẩm phán để họ xử kiện cho dân. Khi gặp phải những việc khó thì họ mới trình lên Môsê để chính ông đứng ra xét xử (x. Xh 18, 13-26). Theo một số nhà chú giải, 70 vị kỳ mục ở đây có lẽ là những người trước đó đã cùng lên núi Sinai với Môsê (x. Xh 24, 9-11). Vì lòng xót thương dành cho Môsê, Đức Chúa đã ban cho Môsê 70 vị này để Môsê không còn cảm thấy gánh nặng trách nhiệm quá mức khi ông phải một mình lãnh đạo toàn dân. 70 vị này, với Môsê đứng đầu, tạo nên một kiểu hội đồng “hành pháp” đối với dân Israel trong thời gian 40 năm họ đi trong sa mạc.
Tương tự như những trường hợp sau này được Kinh Thánh ghi lại (x. 1Sm 10, 6-13; Ge 2, 28; Cv 2, 4; 1Cr 12, 10), dấu chỉ chứng thực Thần Khí ngự xuống trên 70 vị kỳ mục này là họ bắt đầu phát ngôn (cũng có thể hiểu là tuyên sấm, hay nói tiên tri). Tuy nhiên, câu chuyện muốn nhấn mạnh đến một điểm quan trọng khác, là mặc dù Thần Khí thường được thông ban qua một định chế tôn giáo, nhưng việc Đức Chúa ban Thần Khí của Ngài lại không bị giới hạn vào một định chế hay thể thức cụ thể nào. Quả vậy, có hai vị tên là Êl-đát và Mê-đát cũng được Thần Khí ngự xuống trên họ, họ cũng phát ngôn, dù họ không theo một thể thức đã được ấn định trước đó: “tập hợp quanh Lều Hội Ngộ” (x. 11, 16.24).
Sự kiện hai vị này “phát ngôn” hiển nhiên gây thắc mắc, thậm chí gây khó chịu cho nhiều người. Như thể đại diện cho những người không ưa chuyện này, Giôsuê đề nghị Môsê cấm chỉ việc tuyên sấm của hai kỳ mục này. Môsê, trái lại, không giữ một thái độ hay lối nhìn hạn hẹp. Ông nhìn nhận thẩm quyền tối cao của Đức Chúa trong việc này: Ngài có quyền ban Thần Khí cho ai Ngài xét thấy là xứng hợp để mưu ích cho toàn dân; Đức Chúa không phải lệ thuộc hay phải tùng phục bất cứ một định chế nào. Môsê cũng không xem việc tuyên sấm, hay nói tiên tri, là một đặc quyền của một nhóm người nào. Trái lại, Môsê ao ước mọi người Israel đều được Đức Chúa ban cho Thần Khí của Ngài và đều được ơn nói tiên tri, nghĩa là họ được ơn đón nhận và làm lan tỏa Lời Chúa cho mọi người, cho muôn dân.
2. BÀI ĐỌC 2: Gc 5, 1-6
Theo nhiều nhà chú giải, thư của thánh Giacôbê được viết cho những tín hữu đang phải đối diện với nhiều thử thách nghiêm trọng khi họ tìm cách sống đức tin của mình: bị đe dọa, bị bách hại, chịu tử vì đạo. Lá thư này cũng rất tương thích với những hoàn cảnh xã hội của người tín hữu hôm nay, khi có hiện trạng phân cách giàu nghèo càng lúc càng tăng trong xã hội, khi người nghèo thường không được tôn trọng, khi đức tin thiếu chiều kích thực hành, khi những mối bất hòa vẫn thường xuyên xuất hiện trong các cộng đoàn tín hữu, khi lời ăn tiếng nói thiếu sự kiểm soát gây ra nhiều mối nguy hại. Nếu chúng ta đang gặp phải những vấn đề này, thì chúng ta sẽ tìm thấy nơi thư của thánh Giacôbê những lời khuyên mục vụ thiết thực, hữu ích.
Trong thư của thánh Giacôbê, chúng ta cũng bắt gặp nhiều câu nói, nhiều sứ điệp, hay những hình ảnh quen thuộc mà chính Chúa Giêsu đã sử dụng khi Ngài giảng dạy dân chúng. Bài đọc thứ 2 hôm nay phần nào minh họa điều này. Trong đoạn thánh thư này, thánh Giacôbê với vai trò như một vị ngôn sứ đã mạnh mẽ lên án những kẻ giàu thiếu lòng quảng đại, bất chính và gian tà. Ngài chỉ cho họ thấy:
1/ Của cải vật chất đời này chỉ có tính tạm thời, chóng qua. Việc tích trữ chúng chẳng giúp ích gì cho các chủ nhân của chúng. Thậm chí, chúng là bằng chứng tố cáo các chủ nhân, vì họ chỉ biết ky cóp làm giàu cho bản thân, nhằm hưởng thụ một cuộc sống xa hoa, buông theo khoái lạc, nhưng lại thiếu lòng quảng đại, thiếu lòng xót thương, vô cảm trước nỗi khổ của tha nhân, không biết dùng của cải để chia sẻ với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ. Kẻ tích trữ cho mình của cải như vậy chính là đang tích trữ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Chúng ta như đang nghe lại, qua ngôn từ của thánh Giacôbê, những lời do chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng thế đó [giống như người phú hộ ngu ngốc]” (Lc 12, 21). Hay Chúa Giêsu cũng từng nói về cách thức “làm giàu” trước mặt Thiên Chúa: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12, 33). Hay chúng ta cũng đang nghe vang vọng bên tai dụ ngôn người phú hộ và anh Lazaro nghèo khổ (x. Lc 16, 19-31).
2/ Tồi tệ hơn, có những kẻ làm giàu do sống bất công, do gian lận tiền công của những kẻ làm công ăn lương. Luật Môsê đã từng qui định: “Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại cho đến sáng” (Lv 19, 13; x. Đnl 24, 14-15). Nhưng trong một xã hội mà tiếng kêu thống thiết của người nghèo thường bị làm ngơ bởi thái độ vô cảm, phớt lờ bởi những kẻ có quyền, thì tiếng kêu ấy chỉ còn có thể trông chờ vào tiếng trả lời của Thiên Chúa mà thôi. Tương tự như trường hợp của Abel, khi tiếng máu của Abel đã kêu thấu tai Đức Chúa (x. St 4, 10); như trường hợp của dân Israel, khi nỗi thống khổ vì cảnh bị áp bức của dân Israel tại Ai-cập cũng đã thấu đến Đức Chúa (x. Xh 3, 23-25), cụm từ “tiếng kêu … đã thấu đến tai Đức Chúa” (Gc 5, 4) cho chúng ta thấy tình trạng bất công, bóc lột, hay gian ác đã ở mức trầm trọng, và đích thân Thiên Chúa sẽ hành động để chống lại tình trạng tồi tệ này.
3/ Tồi tệ nhất, có những kẻ giàu có đã dùng sức mạnh của tiền bạc và quyền lực trong tay để kết án và sát hại người khác, nhất là những người vô tội (hay công chính), ngay cả khi họ không có khả năng tự vệ.
Bài đọc 2 như thể đang chất vấn lương tâm chúng ta: nếu chúng ta đang sở hữu nhiều của cải, thì chúng ta nên tự hỏi:
- Của cải này từ đâu mà có, có phải phát xuất từ lối sống bất công của chúng ta không?
- Chúng ta đang sử dụng chúng như thế nào để mưu ích thực sự cho chính mình và cho tha nhân?
- Chúng ta có đang sử dụng chúng để chiếm thế thượng phong cho mình, để lấn át kẻ khác, để mưu lợi bất chính cho mình?
3. BÀI TIN MỪNG: Mc 9, 38-43. 45. 47-48
Sách Tin Mừng Marcô chính yếu bàn đến ba nội dung chính: Đức Giêsu Kitô là ai? Thế nào là người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu? Để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã đi qua con đường nào?
Tin Mừng Marcô đã từng bước làm sáng tỏ chân lý này: Đức Giêsu Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa, đã đi qua con đường thập giá để đem ơn cứu độ đến cho nhân loại; người môn đệ đích thực của Ngài cũng phải đi qua con đường hẹp này.
Cuộc đời và sứ mạng của người môn đệ là họa lại cách trung thực nhất dung mạo, cuộc sống, và sứ mạng của Thầy Giêsu trong từng hoàn cảnh sống cụ thể của mình. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy người môn đệ cần học nơi Thầy Giêsu một tinh thần “rộng lượng”, không cục bộ, không bè phái, không ganh đua – ganh tị trước những việc tốt đẹp người khác làm “nhân danh thầy Giêsu”.
Thật vậy, Gioan trong bài Tin Mừng này, đã hành xử như cậu bé trong bài đọc 1, ông đến “mách lẻo” với Chúa Giêsu về chuyện có “kẻ lấy danh Thầy mà trừ quỉ” (x. 9,38a). Ông và các môn đệ khác cũng hành xử theo cùng một cách nghĩ “chật hẹp” như Giôsuê trước kia, nghĩa là “chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (9, 38b). Trái lại, cùng một tinh thần như Môsê, Chúa Giêsu lại có cái nhìn khoáng đạt và rộng lượng: “Đừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (9, 39-40).
Người môn đệ đích thực cũng cần phải biết chọn lựa điều tốt nhất đối với mình. Họ cũng cần phải sẵn sàng đánh đổi những gì rất thiết thân với mình để không đánh mất đời sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa, để không đánh mất “sự sống vĩnh cửu” của chính mình, vì “nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26).
Thật vậy, tay, chân, mắt là những cơ phận thiết yếu của thân thể con người. Những anh chị em khiếm thị hay khuyết tật mà chúng ta gặp gỡ trong đời hẳn đã cho chúng ta cảm nghiệm được phần nào tầm quan trọng lớn lao của những cơ phận này. Chúng không chỉ có những chức năng không thể thay thế được. Chúng còn “tô điểm” tấm hình hài của chính chúng ta. Kinh Thánh còn khai triển rộng hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của những cơ phận này. Chẳng hạn, đôi tay được Jacob dùng để chúc lành cho Ephraim và Manasseh (x. St 48, 14); Môsê đặt tay phong Giôsuê làm người kế nhiệm (x. Ds 27, 18); đôi tay được nâng lên để cầu xin Thiên Chúa (x. Xh 17, 11) hay được giơ lên để chúc phúc cho người khác (x. Lv 9, 22).
Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta “chặt nó”, “móc nó” đi, khi chúng gây cớ cho chúng ta vấp ngã hay phạm tội, Ngài không bảo chúng ta phải làm theo nghĩa đen của hạn từ, nhưng Ngài hàm ý chúng ta phải dám chấp nhận từ bỏ cả những gì rất thiết thân với chúng ta để chúng ta có được chính sự sống đích thực của mình. Bỏ chúng đi là dám chấp nhận cắt bỏ một cách đau đớn, cắt bỏ chính một phần con người của chúng ta, là dám chấp nhận thập giá trên con đường theo Chúa. Chỉ như vậy, chúng ta mới có khả năng đón nhận được sự sống vĩnh cửu Thiên Chúa đã ưu ái dành cho chúng ta.  
II. CÂU HỎI PHẢN TỈNH
1. Ngày nay, có nhiều anh chị em không cùng tôn giáo với chúng ta, nhưng họ cũng đang dấn thân phục vụ xã hội, phục vụ con người một cách thành tâm, thiện chí. Bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay dạy tôi cần phải có thái độ như thế nào đối với họ? 
2. Việc suy niệm với bài đọc 2 có thể đòi chúng ta phải tự tra vấn lương tâm mình. Ba câu hỏi được gợi ý ở phần cuối bài đọc này mời gọi tôi phải có thái độ thế nào với “của cải” hay “tài sản” mình đang có?
3. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết “cắt bỏ” những gì rất thiết thân nhưng có thể đang gây nguy hiểm cho cùng đích đời sống chúng ta. Đối với bản thân tôi, tôi cần “cắt bỏ” điều gì để có thể sống được mối tương quan thiết thân với Thiên Chúa, với chính mình, và với tha nhân?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót muốn cho tất cả mọi người được lãnh nhận dồi dào ân huệ của Chúa Thánh Thần và được cứu độ. Với niềm xác tín và tâm tình tri ân, chúng ta thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết cầu nguyện.
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo và đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần Dân Chúa, được ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, luôn ý thức và nhiệt tâm chu toàn sứ vụ ngôn sứ đã lãnh nhận.
2. Ghen tương tranh chấp là nguồn gốc những xáo trộn và xung đột xã hội. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới biết tôn trọng lẫn nhau, và nỗ lực hợp tác nhằm góp phần xây dựng một thế giới hoà bình, văn minh và thịnh vượng.
3. Ai nhân danh Chúa Kitô mà phục vụ những kẻ bé mọn thì sẽ được Thiên Chúa ân thưởng. Trong ngày Trung Thu hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho các em thiếu nhi luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc và giáo dục từ gia đình, xã hội và cộng đoàn.
4. “Ai không chống đối các con, là ủng hộ các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết vượt qua những khác biệt ngăn cách, sống hòa thuận yêu thương và trách nhiệm, để cộng đoàn ngày càng trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất.
Chủ tếLạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa luôn yêu thương và sẵn sàng xuống ơn cho những ai tin tưởng cậy trông Chúa. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và khứng ban muôn ơn lành giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa trong mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét