( Mc 6,1-6 )
Nghịch lý là dư luận hay thực tế đi ngược lại những gì cách
chung đã được chấp nhận, hay là những gì đi ngược lại những gì bình thường phải
có. Trong đời sống xã hội, hay trong sinh hoạt tôn giáo, đạo đức, cũng có nhiều
nghịch lý. Lời Chúa hôm nay đề ra hai nghịch lý điển hình.
Truớc hết là việc Chúa Giêsu bị ruồng bỏ bởi những người
thân. Chúa Giêsu trở về quê nhà sau khi đã đi một vòng bên ngoài. Người ta
đã nghe nói nhiều điều tốt đẹp về ngài. Ngài giảng dạy như là chưa từng có ai
giảng dạy như ngài. Ngài thực hiện những phép lạ. Ngài chữa lành nhiều bệnh
nhân. Ngày ngài trở về quê, người ta chờ đón ngài như đón một ngày lễ lớn, ở
trong hội đường.
Ấy thế mà, “ đứa con của quê hương” lại được đón tiếp một
cách lạnh nhạt. Người ta khó lòng mà hình dung ra, con của một bác thợ mộc và
bà Maria lại có thể là một nhân vật mà người ta đồn thổi, giảng hay và làm
nhiều phép lạ. Và họ đã vấp phạm vì ngài.
Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến việc chúng ta có
khuynh hướng là khó lòng nhìn nhận những tài năng, không phải của con cái, hay
của những người trong gia đình, mà là của những người hàng xóm, láng giềng, hay
của đồng bào. Thái độ ti tiện không phải là không có những hậu quả, bởi vì nó
làm tổn thương anh em, và cản trở những dự án giá trị được thực hiện.
Nó cũng khiến chúng ta nghĩ đến cách thế mà chúng ta đón
nhận hoặc không đón nhận, lắng nghe hoặc không lắng nghe những người, rất gần
gũi với chúng ta, lại là những chứng nhân của Thiên Chúa. Đó có thể là một đứa
trẻ, do sự sốt sắng, đã chất vấn chúng ta. Đó có thể là một người hàng xóm nói
với chúng ta về tôn giáo. Đó có thể là một thanh niên phản kháng những cái mà
anh ta cho là những giá trị giả trá. Đó có thể là vị linh mục, nhân danh Chúa
Giêsu Kitô, cáo giác một vài cách thế hành động và cách nghĩ không đúng của
chúng ta. Bởi vì chúng ta biết tất cả những người này, có thể là quá biết. Bởi
vì chúng ta biết rõ những khuyết điểm và yếu đuối của họ, vì thế chúng ta đánh
giá thấp chứng từ của họ.
Chúa Giêsu đã khẳng định: “ Không một tiên tri nào mà
không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Nếu chúng ta thuộc
vào số những người không có quyền ăn nói, không được tiếp đón ân cần trong nhà
riêng của họ, trong cộng đoàn của họ, trong môi trường của họ, thì chúng ta hãy
nhớ, Chúa Giêsu cũng đã trải qua hoàn cảnh đó. Và môn đệ không cao trọng hơn thầy
mình.
Nghịch lý thứ hai là thánh Phaolô, khi phát biểu lời Thiên
Chúa: “ Sức mạnh của Ta được bày tỏ trong sự yếu đuối”. Như thế, Con
người càng mạnh mẽ, kiêu hãnh và chắc chắn về mình, càng ý thức được những khả
năng của mình, thì sức mạnh của Thiên Chúa vượt qua khỏi người ấy. Ngược lại,
người đó càng khiêm nhường, nhỏ bé, ý thức được những giới hạn của mình, nhưng
hoàn toàn trông cậy vào Chúa, thì bấy giờ sức mạnh của Thiên Chúa có thể được
tỏ bày nơi người ấy.
Rõ ràng là một nghịch lý, hoàn toàn đi ngược lại với những
gì mà chúng ta nghe nói hằng ngày, và đi ngược với những gì mà chúng ta nhiều
phen tin tưởng. Cần phải thông thái, giàu có, thống trị kẻ khác… để thành công
trong cuộc đời. Đó là cái triết lý hiện hành. Hoàn toàn trái ngược những gì mà
Thiên Chúa nghĩ. Thiên Chúa vui lòng thực hiện những việc vĩ đại thông qua
những người nhỏ bé, nghèo hèn, yếu đuối, tầm thường; những con người không ví
mình là những vĩ nhân, những người xác tín rằng, nếu họ làm được điều gì lớn
lao, thì không phải là do sự quan trọng của họ, mà là do sự vĩ đại của Thiên
Chúa được tỏ hiện nơi họ.
Chúng ta còn nhớ Đức Maria. Người ta không chú ý đến ngài.
Thế mà biết bao điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi ngài và nhờ ngài.
Thánh Phaolô, một con người kiêu hãnh và tự phụ, đã bị thử thách rất nhiều và
đã bị tổn thương trong thân xác của ngài… và đã trở thành một người khiêm
nhường. Nơi ngài và nhờ ngài, Thiên Chúa đã thực hiện những việc vĩ đại.
Luôn luôn là như thế. Những người đau bệnh, Thiên Chúa thích
làm việc qua họ. Những người có vẻ không là gì, chính những người đó Thiên Chúa
rất thường chọn để thực hiện những chương trình và dự án tốt đẹp nhất.
Chúng ta hãy nhìn về chính chúng ta. Nếu chúng ta đau khổ về
những yếu đuối của chúng ta, về những nỗi nhút nhát, lo sợ, những bất tài của
chúng ta, thì chúng ta đừng chìm đắm trong nỗi chán nản. Tốt hơn hết là chúng
ta hãy phục vụ Thiên Chúa với tất cả tấm lòng, và nài xin ngài thực hiện trọn
vẹn cho chúng ta những gì mà ngài đã hòan tất cho những người khác.
Chớ gì sự tòan năng của Thiên Chúa trao bao cho chúng ta tất
cả những năng lực của ngài, trong sự yếu đuối của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét