Chủ đề trung thành phụng thờ Thiên Chúa và làm môn đệ Chúa Ki-tô được tiếp tục quảng diễn qua những bài đọc hôm nay. Phụng thờ và làm môn đệ không thể mang ý nghĩa đơn giản và có phần tiêu cực là chỉ nhận biết sự siêu việt của Thiên Chúa và vai trò làm Thầy của Chúa Ki-tô, nhưng còn là tích cực thực hành những thánh chỉ của Thiên Chúa và sống những điều Chúa Ki-tô dạy dỗ. Bài đọc Cựu Ước cho thấy ông Mô-sê đã nhắc nhở dân Ít-ra-en về cách phụng thờ đích thực, cũng như trong bài Tin Mừng Chúa Giê-su đã kịch liệt chống lại thứ phụng thờ “bằng môi bằng miệng” của nhóm Pha-ri-sêu và muốn phục hồi cái hồn của sự phụng thờ là tấm lòng. Thánh Gia-cô-bê Tông đồ cũng đi theo con đường Chúa Ki-tô mà khích lệ các tín hữu “hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”.
1. Dân Ít-ra-en không được thay đổi mệnh lệnh của Thiên Chúa (bài đọc Cựu Ước – Đệ nhị luật 4:1-2.6-8)
Thiên Chúa cho ông Mô-sê biết là ông sẽ chết trước khi dân Ít-ra-en vượt qua sông Gio-đan để vào đất hứa. Thao thức với những lần bất trung của dân Chúa, ông Mô-sê thường lập đi lập lại cho họ nghe những chỉ thị của Thiên Chúa. Trong diễn từ qua bài đọc hôm nay, ông truyền cho họ không được thay đổi bất cứ điều gì trong những thánh chỉ của Thiên Chúa. Ông cũng khẳng định nếu họ có tuân giữ thì mới “được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất Thiên Chúa ban cho họ” (Đnl 4:1).
Thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa được chứa đựng trong Lề Luật Người đã ban cho dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê. Lề Luật gồm tóm trong hai mối quan hệ yêu thương là mến Chúa và yêu tha nhân. Mặc dù ông Mô-sê đã căn dặn kỹ lưỡng, nhưng những người lãnh đạo dân Chúa đã lấy lòng mình làm tiêu chuẩn để sửa đổi Lề Luật của Chúa. Họ đưa ra những cách phụng thờ Thiên Chúa không dựa trên cảm nghiệm của tâm hồn hay của đức tin, nhưng trên những hình thức bề ngoài khoa trương mà họ gọi là những “truyền thống”. Những điều luật vụ hình thức và tỉ mỉ không thể diễn ta được tâm hồn “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn”, mà chỉ vẽ ra cái vẻ đạo đức bề ngoài. Những câu Kinh Thánh được viết, đựng trong hộp nhỏ và đeo vào tua áo dài không phải để nhắc nhớ họ sống Lời Chúa, nhưng đã trở thành đồ trang sức cho lòng đạo đức giả tạo của họ. Mười giới răn Chúa ban từ núi Xi-nai nay lại được giải thích thành 613 điều gồm những luật lệ trói buộc con người và làm cho con người thành nô lệ cho lề luật. Dân Ít-ra-en tự hào là “một dân khôn ngoan và thông minh” (Đnl 4:6) giờ đây biến thành dân tộc dại khờ và ngu muội, chỉ vì họ đã đánh mất tinh thần khi tuân giữ Lề Luật của Chúa. Dân tộc ấy tự xưng là “vĩ đại vì được Đức Chúa là Thiên Chúa ở gần” nay chỉ còn là dân tộc không ai biết tới, vì họ đã chối bỏ Thiên Chúa. Những người lãnh đạo đã thay đổi thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa bằng cách bỏ đi cái hồn của Lề Luật và khoác cho Lề Luật một bộ áo nặng nề hình thức. Chúa Giê-su đã nói về họ: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23:4).
Trước sự thay đổi đáng buồn và nguy hiểm ấy, có một Đấng được Thiên Chúa sai đến để phục hồi tinh thần tuân giữ Lề Luật, là tinh thần đã bị thay thế bằng sự câu nệ hình thức bề ngoài. Đấng ấy là Chúa Giê-su. Người phán: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17).
2. Chúa Giê-su canh tân tinh thần tuân giữ Lề Luật (bài Tin Mừng – Mác-cô 7:1-8a.14-15.21-23)
Sống trong một cộng đồng bị trói buộc trong những luật lệ khắt khe của con người, hẳn người ta phải cảm thấy ngột ngạt khó chịu. Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thoáng thấy được cảnh ngột ngạt ấy qua hình ảnh “có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư vây quanh Đức Giê-su” (Mc 7:1). Họ là những người đại diện cho “luật lệ và truyền thống của tiền nhân”. Họ đang bao vây Chúa Giê-su, dò xét Người và tìm cách bắt bẻ hoặc làm hại thanh danh của Người. Cũng như mọi người, Chúa Giê-su đang sống trong bầu khí ngột ngạt ấy. Người thấy cần phải nói thẳng nói thật, giải phóng dân chúng khỏi ách nô lệ cho lề luật và truyền thống. Do đó, Người đã thẳng thắn tố cáo nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư.
Nhân dịp các môn đệ Chúa không tuân thủ luật về sự thanh khiết vì họ không rửa tay trước khi ăn uống, nên bị các Pha-ri-sêu và kinh sư khiển trách, Chúa Giê-su đã cho những ông thầy giả hình này một bài học về việc “họ tôn kính Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng họ thì lại xa Người”. Người dùng chính những lời của ngôn sứ I-sai-a để tố cáo họ “đã gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7:8a). Người dùng chính những hình ảnh về sự thanh khiết bề ngoài để cho họ thấy đâu là sự thanh khiết bên trong tâm hồn. Thanh khiết bề ngoài đơn thuần là những nghi thức, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Nhưng nếu không có sự thanh khiết tâm hồn, con người mới trở nên ô uế. Những cái làm ô uế tâm hồn người ta thì có nhiều lắm. Chúng phát xuất “từ bên trong, từ lòng người”, như “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7:21-22).
Trình bày như vậy, Chúa Giê-su muốn nhắn đám Pha-ri-sêu và kinh sư rằng: nếu các ông chỉ chú trọng đến những nghi thức bề ngoài, thì đúng là các ông chỉ “tôn kính Thiên Chúa bằng môi bằng miệng”, còn nếu các ông muốn tôn kính Chúa thật lòng, thì các ông hãy lo giữ tâm hồn cho thanh khiết và rửa sạch những gì làm ô uế tâm hồn các ông. Nói khác đi, Chúa bảo họ hãy thay đổi cách tuân thủ Lề Luật, “làm chủ ngày sa-bát, chứ đừng để ngày sa-bát làm chủ mình”, hãy trở lại với Lề Luật đích thực của Chúa, chứ đừng vênh vang bám lấy những giới luật phàm nhân do họ đề ra. Động lực tuân giữ Lề Luật không phải là “lấy tín chỉ” để vào thiên đàng hoặc tạo cái nhãn hiệu đạo đức cho mình, nhưng là vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em.
Thay đổi động lực giữ luật cũng là vấn đề nhức nhối cho nhiều Ki-tô hữu. Hỏi có bao nhiêu người tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật thực sự vì lòng yêu mến Chúa, muốn đến dự tiệc Thánh Thể với Chúa Ki-tô và cộng đoàn, hay chỉ vì muốn “giữ luật xem lễ ngày Chúa Nhật”, đừng kể đến những lý do không chính đáng khác như khoe áo quần, chức tước, cặp bồ, “đi lễ đi liếc”...? Lòng yêu mến phải là động lực cho mọi sự. Có lẽ “căn bệnh Pha-ri-sêu” đã ăn sâu vào tâm hồn ta, khiến ta giữ luật một cách máy móc, thi hành như một con rối mà thiếu mất yếu tố căn bản là cái hồn. Nhận thấy khó khăn ấy, Chúa Giê-su mới nhấn mạnh: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ...” (Mc 7:14). Liệu ta có lắng nghe Chúa nói và hiểu cho rõ để chữa chạy căn bệnh Pha-ri-sêu không?
3. “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành” (bài đọc Tân Ước – Gia-cô-bê 1:17-18.21b-22.27)
Cho tới khi Chúa Giê-su hoàn tất sứ mệnh nơi trần gian, các Tông đồ mới thực sự hiểu được lời Người phán: “Thầy không đến để bãi bỏ Luật Mô-sê, nhưng để kiện toàn”. Một trong những phương thức Người đã kiện toàn, đó là sống động lực tình yêu trong mọi sự, kể cả cái chết vì yêu thương. Ngôi Lời mặc lấy xác phàm đã sống trọn vẹn thánh chỉ của Thiên Chúa, là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương nhân loại đến nỗi sẵn sàng chịu chết để cứu độ họ. Nhờ thi hành thánh chỉ Thiên Chúa như vậy, Ngôi Lời đã đem về cho Thiên Chúa một nhân loại mới. Đó là ý nghĩa điều thánh Gia-cô-bê đã viết trong thư: “Thiên Chúa Cha đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người” (Gc 1:18). Lời, tức là Chúa Giê-su, trở thành Lề Luật Mới, Lề Luật của Tình Yêu, và Chúa Cha ban cho nhân loại để mọi người sống theo. Thánh Gia-cô-bê dùng lại hình ảnh hạt giống mà Chúa Giê-su đã dùng để nói về việc đón nhận Lời. “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em” (Gc 1:21b).
Cách thức ta phải đón nhận Lời là: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (c. 22). Thực ra ngài cũng chỉ lập lại lời của Chúa Giê-su thôi. Kẻ nào lắng nghe lời Chúa mà đem ra thực hành thì giống như người xây nhà trên nền đá, vững chắc (x. Mt 7:21-27). Còn người “nghe suông”, tức là nghe rồi để đấy, thì tự lừa dối mình vì Lời chẳng có ảnh hưởng gì nơi họ. Trái lại, kẻ nghe Lời và thực hành, tức là để cho Lời đào tạo, cắt tỉa, thay đổi con người họ và giúp họ trưởng thành tới mức độ viên mãn trong Chúa Ki-tô thì dĩ nhiên sẽ được chung phần sự sống đời đời với Chúa Ki-tô. Thái độ “nghe suông” cũng thường gặp thấy nơi ta hoặc rất nhiều Ki-tô hữu khác. Thậm chí có người về nhà sau khi dự Thánh Lễ cũng không biết được các bài đọc hôm nay nói điều gì nữa. Không biết hoặc không lắng nghe thì làm sao nói đến chuyện thực hành.
4. Sống Lời Chúa
Các bài đọc trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đồng thanh nhắc nhở ta về phương thức tuân giữ luật Chúa và đón nhận Lời Người. Động lực khiến ta tuân giữ luật Chúa và Giáo Hội là do lòng yêu mến của ta đối với Chúa và anh chị em. Chúa Giê-su đã nêu gương tuân giữ lề luật bằng cách thể hiện trọn vẹn trong cuộc sống của Người. Tất cả lề luật được gồm tóm trong tình yêu, nên Chúa Giê-su đã sống hoàn toàn vì yêu thương cũng như đã chết vì yêu thương. Đó là gương thực hành những điều Người đã dạy để ta bắt chước và bước theo Người.
Suy nghĩ: Căn bệnh Pha-ri-sêu, tức căn bệnh thờ kính Chúa bằng môi bằng miệng, có phải là căn bệnh tôi đang mắc phải không? Đâu là những triệu chứng của căn bệnh ấy? Tôi phải chữa trị làm sao?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn để lòng suy nghĩ những điều hay lẽ phải và mau mắn đem ra thực hành. Lại bởi vì chúng con không thể nào tồn tại nếu không có Chúa phù hộ chở che, xin giúp chúng con hằng biết thuận theo ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men. (Lời nguyện Nhập lễ Thứ Năm tuần I mùa Chay).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét