Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

THỨ BA TUẦN 1 MÙA VỌNG B( 01.12.2015)

 Lc 10, 21-24
Khi ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” Rồi Ðức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Suy niệm:
Chuyện kể rằng: Ở một vùng đất nọ có một nhà hiền triết nổi tiếng là khôn ngoan và thánh thiện, người dân trong vùng ai có vấn đề gì chưa thông hiểu hay không giải quyết được đều đến thỉnh ý của nhà hiền triết và khi ra về lòng họ luôn vui mừng hân hoan vì nhận được những chỉ dẫn, những lời khuyên bổ ích. Tiếng tăm về nhà hiền triết tài đức ngày một lan rộng nên có nhiều người đến tìm gặp ngài.
Nghe biết sự tình như thế, một giáo sư trong vùng mới đâm nghĩ bụng: ta phải đến thỉnh giáo người mà thiên hạ đồn đại là khôn ngoan để xem sự thật thế nào.
Tiếp vị giáo sư trong một ngôi nhà ấm cúng, sau một vài câu hỏi chào thăm, nhà hiền triết mới mời vị giáo sư dùng trà. Khi rót trà, nhà hiền triết cứ rót mặc cho ly nước đã đầy để nước chảy tràn ra ngoài. Vị giáo sư mới thầm nghĩ rằng: “người mà thiên hạ  cho là bậc khôn ngoan hoá ra chỉ là một ông già lẩn thẩn, đãng trí”. Không thể chịu nỗi vị giáo sư mới thốt lên: “ Thưa ông, ly nước đã đầy, sao ông có thể rót thêm được nữa”. Lúc này, nhà hiền triết mới dừng lại và bình thản nói: đúng thế, ly trà đã đầy sao có thể rót thêm được. Giống như ly trà, Ông đến với tôi khi lòng chất đầy thành kiến và kêu ngạo thì làm sao tôi có thể nói với ông về những triết thuyết của tôi”.
 Câu chuyện kể trên không mấy khó để mỗi người chúng ta rút ra cho mình bài học nhân bản là cần lắm sự chân thành, khiêm nhu, đơn sơ trước người khác và trước cuộc sống. Lẽ đời vốn dĩ luôn quý chuộng những con người mặc lấy cho mình tâm tình như thế và ngược lại, thói kêu căng tự phụ cho dẫu là ai đi chăng nữa đều đáng khinh chê, lên án.
Tin Mừng ngày hôm nay cũng đã nói lên điều đó, khi Đức Giê-su lòng đầy hoan hỷ trong Thánh Thần đã thốt lên: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen cha vì cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những mầu nhiệm nước trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mon. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha".
Trước tiên, người bé mọn Chúa Giê-su muốn nói đến là ai? Một câu trả lời dễ dàng khi soi dọi vào bối cảnh của  đoạn Tin Mừng hôm nay đó là  các môn đệ nói riêng và những người mặc lấy thái độ khiêm nhường, biết lắng nghe lời Chúa nói chung. Đoạn Tin Mừng tường thuật lại việc các ông trở về lòng đầy hân hoan vì nhân danh Đức Giêsu mà họ chữa được các bệnh tật, trừ được quỷ. Niềm tin nhưng không mà Thiên Chúa mặc khải cho các ông cần lắm thái độ khiêm nhường, tín thác, đơn sơ vì họ xác tín rằng chính quyền năng Thiên Chúa đã làm những việc ấy và họ chỉ là những khí cụ để Thiên Chua thi thố tình thương của Nnười mà thôi.
Cũng thế, những bậc khôn ngoan thông thái mà Chúa ám chỉ không ai khác chính là những kinh sư, những Pharisêu, những nhà thông luật cho rằng mình thông minh, thuộc luật Môsê và đã đủ khôn ngoan để cầm nắm chìa khoá của sự trường cửu. Đó là những nhà thông thái chỉ gói gọn trong bối cảnh Tin Mừng nhưng sâu xa hơn, đó có thể còn có tôi và có bạn khi chúng ta với một chút kiến thức cỏn con đã huyênh hoang, kêu ngạo cho mình là nhất , đã thấu hiểu lẽ đời, muốn làm thầy thiên hạ, xem người khác bằng nữa con mắt... thái độ ấy chẳng phải như vị giáo sư ở câu chuyện trên ư, chẳng phải chính chúng ta cũng thấm nhiễm men Pharisêu, men kinh sư biệt phái ư. Thái độ ấy, chưa xét đến giá trị Tin Mừng, chỉ xét đến đạo đức luân thường xã hội thôi cũng đáng bị lên án.
Thánh Phaolô trong thư gửi đến giáo đoàn Cô-rin-tô cũng nhắn nhủ những tâm tình ấy khi ngài nói: "Những gì thế gian cho là điên dại thì  Thiên Chúa đã chọn để hạ gục những kẻ khôn ngoan và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ gục những kẻ hùng mạnh, những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì đã có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người" (1Cr 1, 27 - 29).
Dừng lại giây lát để suy xét  một vấn đề là chúng ta không thể đem thước đo giá trị của con người để mặc định cho Thiên Chúa trong việc nhận định tốt xấu đúng sai, nhưng thiết nghĩ, Thiên Chúa luôn yêu quý những tâm hồn đơn sơ, chân thành lắng nghe lời Chúa hơn là những người tự coi mình là thầy dạy của thiên hạ. Điều này được minh chứng khá rõ khi Chúa tỏ mình ra cho Ba Vua, khi gọi Lêvi- người thu thuế, khi ghé nhà GiaKêu- một người giàu có, khi trò chuyện cùng Nicôđêmô - một kinh sư lỗi lạc trong dân Do Thái. Cần phải minh định điều cốt lõi ở đây là, không phải Thiên Chúa là đấng thiên tư tây vị, chỉ yêu chuộng những người nghèo khổ, đơn sơ, bần hàn, mà lại “ngó lơ” những người khôn ngoan, thông thái, giàu có mà chính xác là Chúa yêu chuộng những tâm hồn đơn sơ, chân thành và khiêm nhường dẫu cho họ là người thông thái hay không thông thái, cao sang hay bần hàn, giàu có hay nghèo khó, cốt lõi là thái độ đón nhận Lời Chúa như thế nào.
Xin được mượn lời thánh vịnh 130 (131) để thể hiện thái độ đơn sơ, khiêm hạ trước Thiên Chúa Tình Yêu.
Lòng con chẳng dám tự cao
Mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi!
Đường cao vọng chẳng đời nào bước,
Việc diệu kì vượt sức chẳng cầu;
Hồn con con vẫn trước sau
Giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
Trong con hồn lặng lẽ yên vui.
Cậy vào Chúa Israel ơi,
Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm
Bước vào Mùa vọng – mùa của sự trông đợi, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình đơn sơ, khiêm nhu, chân thành để thực sự khao khát, mong chờ Chúa đến bằng tất cả tâm hồn, chứ không phải là một thái độ hờ hững, xem thường biến cố Giáng Sinh  như một sự luân chuyển thường niên của năm phụng vụ. Hãy khiêm nhường tạ ơn Chúa vì hồng ân Đức Tin mà Chúa đã mặc khải cho chúng ta. Hãy Mặc lấy sự khiêm hạ, chân thành để lắng nghe, đón nhận Lời Chúa vì Chúa luôn yên mến những tâm hồn bé nhỏ, đơn sơ và khiêm nhu. A-men.
Phaolô Lê Quốc Bảo SDB


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét