Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên Năm B


Sám hối là một trong những hành vi quan yếu trong đời sống tôn giáo. Câu chuyện tiêu biểu nhất của sám hối trong Kinh Thánh cũng như trong cả lịch sử nhân loại, hẳn phải là câu chuyện của vua Đavít.
Chuyện kể rằng một đêm trăng nọ, từ hoàng cung nhìn xuống một ngôi vườn bên cạnh, nhà vua nhìn thấy một phụ nữ đang tắm. Đã có trong tay biết bao cung phi mỹ nữ, nhưng nhà vua vẫn chưa thoả mãn với những gì mình đang có. Ông liền cho người điều tra, và mặc dù biết được người phụ nữ ấy là vợ của một trong những sĩ quan thân tín nhất trong quân đội của ông, Đavít vẫn không chế ngự được lòng ham muốn của mình. Đavít đã cho gọi người phụ nữ ấy vào cung, và sau khi thoả mãn dục vọng, ông liền nghĩ ra kế cướp đoạt luôn người phụ nữ. Ông cho điều viên sĩ quan, chồng của người phụ nữ đến một địa điểm giao tranh nguy hiểm và kết quả đã xảy ra đúng kế hoạch của nhà vua: viên sĩ quan đã hy sinh ngoài trận mạc, nhà vua chính thức rước vợ của viên sĩ quan này vào cung và chính thức cưới bà làm vợ.
Cưỡng đoạt vợ người và giết người một cách tinh vi khôn khéo, đến độ không ai đặt nghi vấn đã đành, mà chính nhà vua cũng cứ ung dung tự tại như không hề có chuyện gì xảy ra. Thế rồi một hôm, Thiên Chúa đã sai tiên tri Nathan đến gặp nhà vua; Nathan khai mào cuộc đàm đạo bằng câu chuyện như sau: “Có một nhà phú hộ giàu có đến độ không thiếu sự gì, trong khi đó người láng giềng nghèo tới mức chỉ có mỗi một con bê con là tài sản. Một hôm có khách đến thăm, người giàu có muốn làm tiệc đãi khách, nhưng thay vì giết con thú từ đàn súc vật của mình, ông lại sai người bắt bê con của người láng giềng làm thịt. Vừa nghe đến đó, nhà vua nổi giận và muốn biết người giàu có đó là ai để trừng phạt. Sau một hồi thinh lặng, Nathan ôn tồn nói và đưa ra phán quyết: “Người đó chính là bệ hạ”. Trong phúc chốc, vua Đavít bỗng nhận diện được chính mình, ông nhìn nhận mình đã hành động sai trái và ý thức về tội lỗi đã phạm. Từ đó, người ta không chỉ nhắc đến ông như một người hùng nhỏ bé đã chiến thắng tên khổng lồ Gôliat, mà còn được nhắc nhớ nhiều hơn vì hành vi sám hối còn lại của ông. Bài thơ về sám hối của ông đã trở thành một trong những lời cầu nguyện ý nghĩa nhất của Kitô giáo. Đó là các thánh vịnh do ông sáng tác.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học từ câu chuyện sám hối của vua Đavít. Bài học cơ bản nhất phải là ý thức về thân phận bất toàn tội lỗi của mình. Lịch sử nhân loại vốn là thể hiện của vô số những vấp ngã sai trái của con người. Sẽ không có bất công, không có chiến tranh, không có đau khổ, không có chết chóc, nếu mọi người đều là thiên thần. Nhưng tự biết mình có thể sai lầm và vấp ngã không phải là điều dễ dàng đối với mọi người. Mỗi người vốn có một lương tâm như toà án tối cao nhất. Con người có thể luồn lách qua những kẽ hở của luật pháp xã hội, nhưng không ai có thể thoát khỏi phán quyết của lương tâm. Chối bỏ tiếng nói của lương tâm là chối bỏ chính mình, và như vậy cũng có nghĩa là tự huỷ.
Trở về trang TM chúng ta vừa nghe, các người biệt phái đã khó chịu về hành vi của người phụ nữ đập bình dầu thơm và lau chân Chúa. Nhưng Chúa đã nhìn thấy tấm lòng sám hối của chị. Chị không màng đến sĩ diện. Chị không tiếc về của quý. Chị chỉ muốn biểu lộ lòng sám hối chân thành và tình yêu dành cho người đã giúp chị hoàn lương. Chị đã làm với cả một tấm lòng vị tha.
Nhìn lại quãng đời đã đi qua, có lẽ chúng ta cũng nhận ra mình từng có những sai lỗi. Thế nhưng, đã bao giờ chúng ta sám hối chân thành? Đã bao giờ chúng ta ăn năn về lầm lỗi của mình và làm một việc gì đó tỏ lòng sám hối ăn năn?
Xin Chúa cho chúng ta nhận ra tình thương của Chúa luôn dành cho chúng ta. Để dù tội lỗi đến đâu chúng ta vẫn tin rằng Chúa vẫn tha thứ và tiếp tục yêu thương chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su,
Với thân phận yếu đuối bất toàn, chúng con xin mượn lời của thánh Phê-rô để thưa lên cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa bài học sống yêu thương. Yêu thương người công chính và yêu thương cách đặc biệt với cả những kẻ tội lỗi.
Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều là tội nhân được Chúa yêu thương, xin giúp chúng con biết đón nhận nhau trong bao dung và tha thứ. Và xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thiếu cảm thông và thái độ bất khoan dung với tha nhân. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét